Những ngày này, ở làng Tây Mỗ có một lớp học đặc biệt khi những nghệ nhân thêu ren tay nghề giỏi trở thành các “bà giáo” dạy nghề. Lớp học do một số tình nguyện viên thông qua fanpage của làng, tổ chức dạy thêu ren miễn phí cho các em học sinh nhỏ tuổi.
Lớp học được diễn ra 2 buổi mỗi tuần. Tại đây các em nhỏ sẽ được học những thao tác cũng như các kỹ năng cơ bản của thêu ren như vê chỉ, thắt nút, thêu đột, thêu bạt, thêu đâm xô, thêu xa nhị,...
Bà Trần Thị Khánh Vân – tổ trưởng tổ thêu làng Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn thông qua lớp học để truyền lại cho lớp trẻ tinh thần của tổ thêu ngày xưa. Sau hơn 40 năm trở lại với nghề, tôi rất hồi hộp và xúc động khi chứng kiến từ buổi đầu vụng về không biết cái kim sợi chỉ là gì của các cháu nhỏ.”
Cầm tấm ảnh tổ thêu làng Tây Mỗ được chụp năm 1981 bà Vân rất xúc động. Sau hơn 40 năm trở lại với nghề, bà cũng như mọi người trong tổ thêu đều rất hồi hộp và hạnh phúc khi được sống lại với nghề truyền thống và truyền dạy cho các em nhỏ.
Là một trong những thành viên đầu tiên của lớp học, em Nguyễn Vân Khánh (9 tuổi) luôn háo hức với mỗi buổi được tới lớp học thêu. “Bà và mẹ em đều biết thêu và hay may đồ cho em, chính vì vậy em rất muốn tham gia lớp học này, hơn nữa em đã học vẽ được 4 năm nên khi học thêu không hề cảm thấy khó khăn mà rất thú vị”, Vân Khánh chia sẻ thêm.
Được biết, Nghề thêu ren ở làng Tây Mỗ đã có từ thời Pháp thuộc. Năm 1960, Hợp tác xã địa phương thành lập tổ thêu, sau một thời gian công nghệ phát triển, sản phẩm thêu tay không còn được xuất khẩu chính vì vậy nghề thêu ở đây cũng dần mai một. Thời gian qua đi nghề thêu ren ở đây dường như đã trở thành một kho báu bị bỏ quên.
Thông qua mô hình lớp học có thể giúp các cháu thiếu nhi và giới trẻ trân trọng những đường kim mũi chỉ, để tinh hoa làng nghề thêu ren Tây Mỗ có thể được khôi phục, bảo tồn và phát triển“, chị Chị Đỗ Thanh Hương - thành viên sáng lập lớp học thêu miễn phí cho trẻ chia sẻ.
Như được trở lại với thời thiếu nữ sống nhờ cây kim, sợi chỉ, bà Nghiêm Thị Bình, làng Tây Mỗ chia sẻ: "Cô năm nay hơn 60 tuổi, lớp học như ký ức của cách đây mấy chục năm, bố mẹ dạy cô thêu, từ lúc chưa lấy chồng. Thời ấy cô khoảng 17 tuổi, ngày nào cũng tham gia tổ thêu vui lắm, toàn là gái chưa chồng. Có những đêm các cô còn tập trung trông khung thêu cả đêm ấy. Tổ chức lại cho các cháu nhỏ lớp học, cô rất vui, ngày nào cô cũng sẵn sàng tham gia dạy cho các cháu", bà Bình xúc động.
Những người từng một thời thơ ấu sống bằng nghề thêu ren mong muốn các ban ngành quan tâm bảo tồn làng nghề truyền thống.
Hơn thế nữa, họ mong Tây Mỗ là điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch, khách không chỉ mua các sản phẩm từ tay họ làm ra, mà sẽ trực tiếp chứng kiến các đôi tay mềm dẻo tài hoa của các nghệ nhân đang tạo ra các sản phẩm đẹp đến khó tả.
Khao khát về một làng nghề được sống lại, được bảo tồn, giữ vững đang được vun đắp, hiện thực hóa từng ngày trong sự chung tay nỗ lực của chính quyền cũng như từng người dân Tây Mỗ thông qua lớp học truyền lửa nghề cho các em nhỏ.
Bảo Trung
*Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện