• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lớp học miễn phí cho học trò nghèo của nhà thơ tật nguyền

Giáo dục 11/04/2018 08:07

(Tổ Quốc) - Dù đôi tay co quắp, đôi chân cong teo, nhưng Trần Phước Ninh đã nghị lực vượt lên số phận và lặng lẽ dâng cho đời những bông hoa đẹp…

Vịn thơ đứng dậy

Chiều một ngày giữa tháng tư, trong một lần tham gia nhóm tình nguyện ở Duy Xuyên (Quảng Nam), chúng tôi ấn tượng với một người đàn ông trung niên tầm 40 tuổi, lưng còng với đôi tay run run phát từng thùng mì tôm cho những cụ già tàn tật. Hỏi ra mới biết, anh ấy là Trần Phước Ninh, người ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên.

Kể về cuộc đời mình, Ninh bảo, đã quá khổ không còn gì khổ hơn nữa. Những năm tháng tuổi thơ đối với anh có lẽ là những ngày đẹp nhất. Ở cái tuổi học sinh, anh được nhiều người biết đến như một học sinh giỏi có tiếng ở trường Sào Nam một thời. Thế nhưng rồi, éo le thay cơn bạo bệnh lại cướp đi những niềm vui ấy của anh vào cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu”.

Trong một buổi học, anh thấy cổ họng mình bị đau ứ, thân hình nóng ran lên như sốt nên rồi phải về chữa trị. Không may, cơn bệnh đó đã khiến chàng trai 17 tuổi phải đối diện với số phận nghiệt nghã. Cổ họng bắt đầu rút lại không thể nói được, dù cố gắng chữa trị nhưng rồi giờ chỉ ú ở tiếng được tiếng mất. Đôi tay cong lại, những ngón tay cứng đơ không co giãn. Hai chân bị co rút,teo lại đến nỗi đi đứng không hề dễ dàng. Miệng Ninh lệch sang một bên.

 Lớp học tiếng Anh miễn phí mà anh Trần Phước Ninh mở cho các em học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn.

Những ước mơ sáng lạn của người học trò giỏi văn đành gác lại, vài năm sau đó, Ninh từ biệt mẹ già để vào Sài Gòn mưu sinh khi trong người chỉ vỏn vẹn 200 ngàn đồng. Những ngày đầu ở nơi xứ người, không quen ai khiến anh cảm thấy chán chường. May thay, một vị sư trong chùa đã cứu vớt và cho Ninh được chỗ ở. Dần dà, anh kiếm đến các đại lí vé số để lấy vé đi bán mưu sinh.

“Người bình thường đi bán vé số đã khó, mình là người khuyết tật thì khổ hơn trăm bề. Có những cái Tết không có tiền về nhà mà phải một mình nơi đất khách tủi thân lắm. Chiều 30 Tết nhớ mẹ già ở quê đến nao lòng nhưng không thể chạy về được. Thế rồi thơ đến với mình như một sự tình cờ. Những người bạn cứ đến với mình như sự hữu duyên, rồi cuộc sống cũng dần cân bằng..” anh kể.

Trả ơn cho đời

“Giữa Sài Gòn có kẻ sống xa quên/Chiều ba mươi khóc thầm nơi đất khách/Giờ giao thừa chỉ còn trong khoảnh khắc/Chuyến tàu về con hẹn chuyến tàu sau”. Ninh ngâm lại mấy câu trong bài “Chiều 30 Tết” như trấn an mình sau những ngày tháng xứ người lao đao cùng bệnh tật và mưu sinh. Rồi cũng qua, một ngày năm 2007, anh khăn gói về lại quê nhà với người mẹ già đã ở tuổi cao sức yếu.

 Không những mở lớp miễn phí, anh Ninh còn phát vở và bút miễn phí cho các em trước khi vào lớp học.

Về quê, Ninh mở quán cà phê Thi hữu quán. Nói là quán cà phê, nhưng thực chất chỉ là cái bảng bên ngoài căn nhà cũ kỹ để những người bạn đồng cảm đến chia sẻ cùng nhau. Rồi thương anh, nhiều người đã tự nguyện giúp cho Ninh từ chiếc bàn đến thùng mì gói hoặc bao gạo cho hai mẹ con có cái ăn qua ngày.

Thế rồi cũng chẳng biết từ đâu, tiền người khác ủng hộ để anh chữa bệnh, Ninh lại đem đi giúp những người khó khăn trên địa bàn. Rồi dần dần, nhóm từ thiện Trần Phước Ninh ra đời như một sự tình cờ.

Nói là người thị trấn, nhưng phải lần qua bao nhiêu ngõ hẹp mới tới được căn nhà nhỏ của Ninh. Ở ngay phòng ngoài của căn nhà, chúng tôi ấn tượng với một tủ sách với gần chục ngàn đầu sách mà theo anh Ninh cho biết, phải tầm hơn chục năm trời sưu tầm và gom góp mới có được. Tủ sách giành cho những học sinh nghèo thiếu thốn ở vùng quê nơi anh đang sống.

“Khi tôi có ý định mở tủ sách miễn phí này, những người bạn trong nhóm từ thiện và nhiều anh em bằng hữu từ mọi nơi vì quý tấm lòng nên đã đóng góp. Lũ trẻ con ở vùng “đầu cơn lũ” này khó khăn lắm, nên đến sách hay truyện cũng là món quà xa xĩ đối với chúng. Biết được điều này nên tôi liều mình mở tủ sách, đến bây giờ, bất cứ em nào muốn đọc sách hay xem truyện đều đến nhà bất cứ lúc nào để đọc” Ninh nói với vẻ đầy khó khăn.

 Lớp học miễn phí có khoảng 300 em với nhiều khối lớp, được chia nhiều ca khác nhau. Cô giáo đều là người địa phương và dạy hoàn toàn miễn phí.

Có tủ sách, Ninh lại thấy những đứa trẻ nghèo khổ trong làng không có điều kiện để học thêm tiếng Anh nên sau bao nhiêu đêm trăn trở, anh quyết định bàn với một số người khác mở lớp tiếng Anh miễn phí cho học trò nghèo.

Nghĩ là làm, những ngày đầu giữa năm 2017, anh dọn dẹp khu đất trống bên nhà mình và vận động những mạnh thường quân đóng góp bàn, vật liệu để dựng cái phòng học cho bài bảng.

Thấy anh nhiệt huyết, nhiều người dân địa phương sống cạnh cũng có gì góp nấy, mỗi người một ít vật dụng rồi một lớp học tiếng Anh miễn phí cũng ra đời.

“Đến nay tính tổng thể có khoảng 300 em học sinh từ các khối lớp từ 1 đến 12 tham gia học lớp học miễn phí này. Còn cô giáo dạy thì hầu hết là những giáo viên tiếng anh của các trường tham gia giảng dạy. Những giáo viên này cũng vì quý anh mà tham gia bổ túc kiến thức cho các em vùng quê nghèo khó’Ninh nói.

 Đều đặn hàng tuần, nhóm từ thiện mang tên Trần Phước Ninh vận động các nhà hảo tâm trên cả nước để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Không chỉ mở tủ sách và lớp học miễn phí, hằng tuần, anh cùng với nhóm từ thiện của mình liên tiếp vận động các mạnh thường quân trên khắp cả nước để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Đều đặn mỗi tuần, Ninh cùng với nhóm tìm đến những hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ. Những phần quà dù không lớn, chỉ là chai nước mắm, thùng mì tôm hoặc vài chục cân gạo nhưng hành động của người đàn ông tật nguyền khiến cho nhiều người mến phục.

Mới đây, cũng tại nhà mình, anh Ninh có mở một quán mì chay 2000 đồng với mục đích quyên góp ủng hộ những hoàn cảnh gặp khó khăn. Quán mở hai ngày trong tháng, tuy nhiên cũng từ quán ăn này, nhiều nhà hảo tâm đã đến chia sẻ với Ninh và cùng chung tay với anh làm công tác thiện nguyện.

Ba tập với hàng trăm bài thơ được xuất bản của Trần Phước Ninh gồm Tạ lỗi cùng quê (xuất bản năm 2011), Tình thơ (xuất bản năm 2014) và mới đây là tập Trăng vở đầy tay (xuất bản năm 2017).

Phương Vy

NỔI BẬT TRANG CHỦ