• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lọt top các nền kinh tế mới nổi vượt trội, ASEAN cần tiếp đà thắng lợi

Kinh tế 14/09/2018 16:18

(Tổ Quốc) - Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam nằm trong số 18 nền kinh tế mới nổi vượt trội, theo một báo cáo gần đây.

Được định hướng bằng các chính sách thúc đẩy tăng trưởng và có sự xuất hiện của nhiều công ty năng động, nhiều thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nằm trong những nền kinh tế mới nổi phát triển nhất thế giới, theo một báo cáo của Viện toàn cầu McKinsey (MGI) công bố ngày 14/9.

Tuy nhiên, khu vực này "không thể ngủ quên trên thắng lợi" mà sẽ cần phải giải quyết các vấn đề, chẳng hạn như bất bình đẳng thu nhập, để duy trì đà tăng trưởng nhanh chóng của mình.

Để đưa ra báo cáo này, MGI-bộ phận nghiên cứu kinh doanh và kinh tế của McKinsey & Company, đã phân tích 71 nền kinh tế mới nổi trên thế giới và xác định được 18 quốc gia cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ và nhất quán hơn so với phần còn lại.

Các nền kinh tế ASEAN đang cho thấy sự tăng trưởng tốt

ASEAN chiếm tám trong số những “người vượt trội” này, bao gồm "các nước phát triển tốt trong dài hạn" như Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan, trung bình đạt ít nhất tăng trưởng GDP 3.5% hàng năm trên 50 năm.

Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam là "những người vượt trội gần đây" với tăng trưởng khoảng 5% hàng năm trong vòng 20 năm qua. Bản báo cáo cũng lưu ý rằng, Philippines “chưa rõ ràng ở ngưỡng nào nhưng tốc độ tăng trưởng nhanh chóng gần đây có thể nâng nước này lên hàng ngũ vượt trội trong tương lai”. Trong khi đó, Brunei không được xem xét trong báo cáo vì quy mô nền kinh tế chưa lớn.

Động lực thúc đẩy tăng trưởng

Bản báo cáo nhấn mạnh hai yếu tố thiết yếu cho xu hướng trên là:  Chương trình nghị sự theo hướng thúc đẩy tăng trưởng và có sự hiện diện của nhiều công ty năng động.

 “Chương trình nghị sự này được khởi động với việc nâng cao năng suất - có thể thực hiện bằng cách tích lũy vốn và công nghệ. Thành quả của năng suất được cải thiện sau đó sẽ được phân bổ trên toàn bộ nền kinh tế dưới dạng có nhiều việc làm hơn và lương cao hơn cho người lao động, đưa nhiều người hơn vào tầng lớp trung lưu, và thúc đẩy mức chi tiêu và tiết kiệm cao hơn ”.

“Các công ty sẽ có lợi nhuận tăng lên, và các chính phủ thu thuế thu nhập cao hơn mà từ đó họ có thể sử dụng để tái đầu tư và cải thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu. Tăng trưởng về tiền lương giúp thúc đẩy mức thu nhập còn lại sau khi nộp thuế và đóng bảo phí, từ đó giúp tăng tiết kiệm cá nhân cũng như đầu tư và tiêu dùng hộ gia đình”, báo cáo cho biết thêm.

Sự hiện diện của các công ty lớn cũng giúp nâng cao tăng trưởng GDP và khuyến khích cải thiện năng suất của các công ty nhỏ hơn. Đáng chú ý, báo cáo cho biết, doanh thu từ các công ty lớn chiếm 37% GDP ở các nước ASEAN.

"Các công ty này không chỉ lớn mà còn có tính cạnh tranh mạnh" và “Điều này cũng hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) thông qua việc mua bán và tiến hành các hợp đồng giao thầu phụ, trong đó các thương vụ được giao dịch bởi các công ty lớn được chuyển trực tiếp đến các công ty nhỏ hơn”.

Tiếp tục phát triển

Tuy nhiên, ASEAN không thể nghỉ ngơi mà cần tiếp tục định hướng phát triển, khu vực sẽ cần giải quyết nhiều vấn đề, bao gồm chuyển đổi mô hình thương mại, sự thay đổi nhân khẩu học, sự phát triển tự động hóa và trí thông minh nhân tạo và việc bất bình đẳng về thu nhập đang gia tăng ở một số nước.

“Sự phát triển đặc biệt của các nước ASEAN sẽ không gây bất ngờ cho nhiều nước trong khu vực. Thách thức sẽ là duy trì đà tăng trưởng và tiếp tục thu hẹp khoảng cách GDP bình quân đầu người với các nước có thu nhập cao trong bối cảnh nhiều thay đổi dang diễn ra với những tiến bộ công nghệ nhanh chóng và sự thay đổi nhân khẩu học”, ông Oliver Tonby, đối tác quản lý và chủ tịch văn phòng McKinsey tại châu Á cho biết.

Ông nói thêm: "Đặc biệt, một trọng tâm mới về thúc đẩy tăng năng suất và giải quyết sự bất bình đẳng và bình đẳng giới sẽ là quan trọng để đảm bảo rằng các nước ASEAN có thể tiếp tục trên con đường của mình để phát triển thịnh vượng, rộng lớn hơn."

Báo cáo kêu gọi các nhà hoạch định chính sách khu vực và các nhà lãnh đạo kinh doanh tập trung vào việc tăng năng suất theo hướng kỹ thuật số, một lực lượng lao động tái phát triển được và nâng cấp cơ sở hạ tầng.

“Chuyển đổi kỹ thuật số có thể giúp giải quyết sự tăng trưởng năng suất tổng thể chậm chạp của ASEAN. Tuy nhiên, công nghệ thúc đẩy tăng năng suất sẽ tự động hóa những công việc do con người thực hiện, do đó thị trường lao động được hiện đại hóa cũng điều chỉnh theo xu hướng nhân khẩu học và đô thị hóa trong khu vực sẽ là yếu tố quan trọng trong việc chuyển năng suất thành tiền lương cao hơn cho nhiều người hơn”, bản báo cáo cho hay.

Trong khi đó, cơ sở hạ tầng phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế là “đặc biệt quan trọng” đối với các nền kinh tế ASEAN, nơi có dân số lớn nhưng mật độ thấp. "Các khoản đầu tư công thông minh có thể tích hợp hàng triệu người có thu nhập thấp hơn vào các hệ sinh thái kinh doanh hiệu quả hơn", báo cáo cho biết thêm.

Nếu những cải tiến này có thể được thực hiện, ASEAN có thể tiếp tục hoạt động tốt hơn và tăng gấp đôi GDP hàng năm lên khoảng 5 nghìn tỷ USD, theo MGI. Ở cấp độ đó, GDP của ASEAN sẽ chiếm khoảng 5% GDP toàn cầu.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ