(Tổ Quốc) - "Qua Đề án này, nếu được Trung ương quyết định thì sẽ đặt ra vấn đề là lựa chọn đội ngũ cán bộ nói chung, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược phải thực hiện một cách chặt chẽ hơn, chỉn chu hơn, bài bản hơn và phải thẳng thắn hơn, thậm chí phải lựa chọn từng trường hợp cụ thể, quy định cụ thể…", ông Nguyễn Trọng Phúc nêu quan điểm.
- 05.05.2018 Đồng chí nào 'có vấn đề gì đó' hãy sớm tự giác báo cáo với Trung ương
- 05.05.2018 Coi chạy chức, chạy quyền là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ
- 06.05.2018 Năm bài học rút ra sau 20 năm thực hiện Chiến lược cán bộ
- 07.05.2018 Hội nghị Trung ương 7 khóa XII: Bàn quyết sách về cán bộ chiến lược và cải cách tiền lương
- 07.05.2018 Toàn cảnh khai mạc Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc trong bối cảnh Hội nghị Trung ương 7 khóa XII khai mạc sáng nay (7/5) tập trung bàn quyết sách về cán bộ chiến lược.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Nguồn: VOV) |
.-Hội nghị Trung ương (TƯ) 7 khóa 12 khai mạc hôm nay sẽ bàn quyết sách về cán bộ chiến lược. Theo ông đề án này có ý nghĩa như thế nào đối với công tác chuẩn bị nhân sự cho khóa 13 cũng như trong bối cảnh công cuộc đấu tranh chống tham nhũng đang được đẩy mạnh, một số cán bộ cấp cao đã bị khởi tố?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Đề án là bước đột phá rất quan trọng trong công tác cán bộ nói chung, trong đó đặc biệt là nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ở tầm vĩ mô, ở tầm có quyết định những hoạch định cương lĩnh, đường lối chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Đây là tổng kết 20 năm thực hiện chiến lược cán bộ của Đảng, Hội nghị TƯ 3 khóa 8 (tháng 6/1997). 20 năm qua, đã có rất nhiều thành tựu trong công tác cán bộ, đội ngũ cơ cấu, trình độ… và có nhiều cống hiến của đội ngũ cán bộ đó với công cuộc đổi mới nhưng cũng bộc lộ nhiều mặt hạn chế, chưa đáp ứng được tốt những những yêu cầu của đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.
Vì thế, Đề án lần này đưa ra mạnh mẽ hơn, các khâu, các bước của công tác cán bộ hướng mạnh vào việc lựa chọn, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, đặc biệt là cấp chiến lược.
Đây là bước tiến về tổng kết thực tiễn để làm rõ hơn vai trò của công tác cán bộ, đặc biệt trong công cuộc đổi mới ta nắm vững quan điểm đó là lấy đổi mới phát triển kinh tế làm nhiệm vụ trung tâm và xây dựng Đảng là then chốt. Và trong xây dựng Đảng là then chốt thì lại lấy công tác cán bộ làm then chốt của xây dựng Đảng, tức là “then chốt của then chốt”. Trong xây dựng đội ngũ cán bộ, quan trọng đặc biệt là cán bộ giữ các cương ở cấp Trung ương, chiến lược mà nếu chúng ta thực hiện tốt các nội dung Đề án mà được Trung ương thông qua thì sẽ tạo ra được bước chuyển không chỉ trong công tác cán bộ mà còn tạo ra bước chuyển trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong điều hành, phát triển đất nước trong tình hình mới.
Như Bác Hồ đã nói, xét cho đến cùng thì cán bộ quyết định mọi thành công hay thất bại.
Khóa 11 chúng ta đã rất chỉn chu lựa chọn được đội ngũ cán bộ chiến lược vào TƯ khóa 12 – đây là một bước tiến, tuy nhiên vẫn còn bộc lộ những hạn chế, kẽ hở, sơ xuất…Vậy nên nếu có Đề án này thì chúng ta sẽ có bước tiến căn bản hơn.
Đề án này dựa trên cơ sở tổng kết thực tiễn cho nên cũng sẽ làm rõ hơn những vấn đề về khoa học tổ chức, khoa học cán bộ vì bản thân công tác tổ chức cán bộ là khoa học. Ở đây cũng gắn với khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo quản lý. Nếu không phát triển nhận thức về khoa học lãnh đạo quản lý, khoa học chính trị thì những vấn đề về tổ chức cán bộ cũng vẫn lúng túng. Trên cơ sở khoa học lãnh đạo quản lý, khoa học chính trị, khoa học tổ chức… sẽ bố trí cán bộ một cách thích hợp.
Nếu chúng ta làm tốt những điều trên sẽ chủ động ngăn chặn được những tiêu cực trong công tác cán bộ. Ví như chạy chức chạy quyền, cơ hội chính trị. Khi được giao quyền rồi thì lạm quyền để thu vén cá nhân, tham nhũng, trục lợi…
Ở đây có mối liên hệ giữa đấu tranh chống tham nhũng vừa qua, mà ta gọi là ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, tư tưởng, lối sống và tự diễn biến, tự chuyển hóa mà Hội nghị TƯ 4 khóa XII nêu – thì những thành công của cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng này là cơ sở quan trọng để chúng ta nhìn nhận đội ngũ cán bộ đương chức hiện nay để lựa chọn sao cho đúng và trúng. Nếu chúng ta minh bạch, công khai và đi vào hệ tiêu chí, tiêu chuẩn của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược một cách rõ rang thì đó chính là cơ sở quan trọng để loại bỏ những khuất tất, lợi ích nhóm… từ đó góp sức vào bảo vệ chính trị nội bộ của chúng ta tốt hơn, loại bỏ các phần tử sâu bọ ra khỏi hàng ngũ, làm trong sạch Đảng. Như vậy công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng có những bước tiến quan trọng hơn.
-Vừa qua, một số cán bộ lãnh đạo quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao bị kỷ luật, thậm chí phải xử lý hình sự. Vậy cần rút kinh nghiệm gì trong việc lựa chọn, chuẩn bị nhân sự để đưa vào TƯ và Bộ Chính trị khoá tới?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Theo tôi ở đây có 2 ý quan trọng. Một là theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, đó là trong khi lựa chọn, bố trí cán bộ phải hết sức chỉn chu, không được để “lọt” vào Trung ương, cấp Ủy, bộ máy lãnh đạo những người có dấu hiệu cơ hội chính trị, lợi ích nhóm, tham nhũng, những biểu hiện suy thoái, thiếu bản lĩnh, thiếu trung thành…
Qua Đề án này, nếu được Trung ương quyết định thì sẽ đặt ra vấn đề là lựa chọn đội ngũ cán bộ nói chung, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược phải thực hiện một cách chặt chẽ hơn, chỉn chu hơn, bài bản hơn và phải thẳng thắn hơn, thậm chí phải lựa chọn từng trường hợp cụ thể, quy định cụ thể… mà quy định đó được lượng hóa trong hệ tiêu chí, tiêu chuẩn cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược.
Vừa rồi chúng ta đã có quy định của Bộ Chính trị về tiêu chí, tiêu chuẩn của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Trung ương quản lý. Nếu những quy định này được đưa ra trong Đề án thì sẽ tạo ra bước phát triển mới trong lựa chọn. Đòi hỏi lựa chọn phải chặt chẽ, nghiêm túc, phải có sự lãnh đạo và là việc của toàn Đảng,Trung ương, Bộ Chính trị… thì mới lựa chọn đúng người vào những vị trí chiến lược.
Cùng với đó, chúng ta phải xây dựng một cơ chế kiểm soát quyền lực. Cán bộ chiến lược đều nắm giữ những vị trí quan trọng trong hệ thống bộ máy Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị… cho nên phải có cơ chế, cách thức… để kiểm soát quyền lực của những người đã được giao chức vụ, quyền hạn. Có thể lúc chúng ta lựa chọn con người thì họ đã đủ điều kiện, lựa chọn đúng, nhưng khi họ được lựa chọn vào vị trí có quyền, có chức thì nếu không kiểm soát họ bị tha hóa, lạm quyền, vi phạm nguyên tắc, tự cho mình những quyền hạn nhất định…
-Sau Hội nghị TƯ 7 này, Ban chấp hành TƯ sẽ tiến hành quy hoạch nhân sự Ban chấp hành TƯ - cán bộ chiến lược khoá 13 sắp tới và cho những khoá tiếp theo. Theo ông, lần này, cần phải làm gì để làm tốt công tác quy hoạch này?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Chúng ta cần dựa vào tiêu chí, tiêu chuẩn gồm: đạo đức, trí tuệ, năng lực tổ chức thực tiễn, uy tín chính trị, tầm tư duy chiến lược…Ngoài ra, phải dựa vào nhiệm vụ của nhiệm kỳ tới. Nhiệm vụ tới đây sẽ đặt ra những vấn đề gì để từ đó định lượng quy hoạch xem bao nhiêu người. Ví như cán bộ cấp chiến lược hiện nay khoảng trên 600 người. Tại các địa phương, Bí thư, Chủ tịch tỉnh khoảng trên 600 người, đội ngũ cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý khoảng gần 1.000 người. Dựa trên lực lượng này để quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo… xem những người ấy đủ điều kiện gì, thiếu gì để đào tạo tiếp. Từ đó đi đến bước quan trọng là bố trí, sắp xếp nhân lực…
Cuối cùng là người nào cần phải thử thách, bồi đắp kiến thức thực tiễn thì cần phải luân chuyển
Tóm lại, chúng ta phải đánh giá đúng cán bộ. Đánh giá công tâm, khách quan, trung thực. Sau đó quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng và cuối cùng là lựa chọn, đánh giá vào các vị trí. Sau đó là luân chuyển và thực hiện chính sách cán bộ cho tốt.
Có thể coi Hội nghị TƯ 7 là Hội nghị bản lề của nhiệm kỳ khóa XII, tạo ra nề nếp để các nhiệm kỳ sau không lúng túng về công tác cán bộ.
- Xin cảm ơn ông!
Hà Giang