• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lựa chọn FDI không còn dừng lại ở những FDI kiểu cũ

Kinh tế 26/04/2021 22:55

(Tổ Quốc) - Theo TS. Trần Đình Thiên, nhiều yếu tố lớn tác động tới dòng vốn từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.

Tại Diễn đàn Nhịp cầu phát triển năm 2021: Kết nối địa phương – Doanh nghiệp, nắm bắt cơ hội mới được tổ chức chiều 26/4, TS. Trần Đình Thiên chỉ ra một loạt yếu tố lớn tác động tới FDI và đây là điều mà các địa phương cần lưu ý.

Địa phương phải chịu trách nhiệm trong thu hút các FDI

Theo ông Trần Đình Thiên, trước tiên, cách mạng 4.0 đòi hỏi xu thế chuyển dịch dòng vốn FDI, điều này cũng quyết định đến việc lựa chọn FDI không còn dừng lại ở những FDI kiểu cũ.

Thứ hai, Việt Nam ngày càng mở cửa hội nhập sâu, các quan hệ quốc tế, liên kết quốc tế cũng dần ảnh hưởng rất mạnh đến FDI, thậm chí ảnh hưởng ghê gớm. Liên kết quốc tế mấy năm vừa rồi có nhiều thay đổi, cùng với xung đột thương mại, dịch chuyển FDI cũng đang là xu thế và có sự thay đổi. Đặc biệt ở châu Á trong 3- 4 năm vừa qua có sự dịch chuyển bất thường, nhất là từ Trung Quốc. Sự dịch chuyển này dự kiến còn tiếp diễn sẽ tác động đến tư duy về FDI của các quốc gia và Việt Nam.

Lựa chọn FDI không còn dừng lại ở những FDI kiểu cũ - Ảnh 1.

Toàn cảnh diễn đàn.

Thứ ba, Covid-19 cũng buộc chúng ta phải định hình lại các dòng đầu tư, cùng công nghệ giúp con người khắc phục, dẫn đến cách định hình lại FDI đang diễn ra. Theo TS. Trần Đình Thiên, Việt Nam đã nhận diện khá rõ các vấn đề này, tuy nhiên có 3 điểm cần lưu ý, đó là lực, đà và thế. Ba yếu tố này đang đặt Việt Nam vào cách tiếp cận FDI khác, mà nếu bỏ quên sẽ khó nhận diện vị thế.

Cuối cùng, theo TS. Trần Đình Thiên, thông điệp của Chính phủ mới là nhấn mạnh hơn vai trò của địa phương trong việc chịu trách nhiệm của địa phương mình trong thu hút các FDI.

"Do đó các địa phương cần lưu ý để triển khai các yếu tố để định hình lại FDI"- TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh một lần nữa.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Kim Han Yong nhận định, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và nhận được đồng lòng toàn dân, Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid và trở thành điểm sáng đến đầu tư của các quốc gia. Việt Nam cũng nhận được đánh giá cao từ thế giới, với hình ảnh quốc gia chiến thắng đại dịch Việt Nam càng chứng minh trở thành điểm hấp dẫn toàn cầu, môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện. Trong bối cảnh bất đồng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Còn ông Nguyễn Hải Minh, đại diện EuroCham cho biết thêm những gợi ý với các địa phương. Đó là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Châu Âu được ký kết thì Việt Nam sẽ hưởng lợi theo hai hướng. Thứ nhất, sau khi ký kết gần như thương mại qua lại đã hưởng lợi ngay lập tức như xuất khẩu từ Việt Nam sang Châu Âu tăng. Và sau Brexit (Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland rời Liên minh châu Âu) thì Việt Nam đã kết nối với Anh, thương mại cũng tăng. Tương tự, châu Âu cũng hưởng lợi từ nguồn sản phẩm ở Việt Nam. Thứ hai, Việt Nam hưởng lợi nhiều hơn, bởi lẽ ngoài tăng cường đầu tư từ nước ngoài (châu Âu) vào Việt Nam, họ đều là những doanh nghiệp chuỗi nên Việt Nam sẽ hưởng lợi ở những doanh nghiệp hỗ trợ, tham gia được vào chuỗi doanh nghiệp của các doanh nghiệp từ châu Âu.

Địa phương tìm hướng

Đồng tình với cách tiếp cận mới về FDI, Bí thư tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng chia sẻ, phải theo hướng tăng tỷ suất đầu tư trên một đơn vị diện tích, tăng hàm lượng khoa học công nghệ vào dòng vốn đầu tư, yếu tố bảo vệ môi trường quan trọng. Chúng ta tiếp cận phù hợp với thế của địa phương, tiếp nhận một cách có điều kiện và tiếp nhận với điều kiện hạ tầng tốt, nên xây dựng hạ tầng khu công nghiệp sinh thái tạo ra chuỗi giá trị để doanh nghiệp FDI tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn.

Còn ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh thì cho hay, thời gian tới, để thu hút đầu tư, Bắc Ninh xác định cần tạo đột phá trong khâu phát triển tiếp theo, tập trung ưu tiên dự án ít sử dụng đất và ít sử dụng nhiều lao động.

Được biết, vừa qua tỉnh này đã ban hành nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp về vay vốn để chuyển giao chuyển đổi công nghệ. Tỉnh cũng đề ra kế hoạch sẵn sàng mặt bằng, nguồn nhân lực (hỗ trợ học phí cho học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông để học nghề, hỗ trợ kinh phí đào tạo lại nhân lực). Bên cạnh đó, tỉnh cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp về mặt chính sách.

"Bắc Ninh là quê hương Quan họ, tới đây chúng tôi sẽ xây dựng thương hiệu của thành phố Bắc Ninh gắn với yếu tố này. Với Bắc Ninh, trước hết để giữ chân nhà đầu tư, chúng tôi sẽ tạo nơi gắn bó cho các nhà đầu tư. Tỉnh cũng muốn thu hút các nhà đầu tư mới, có hàm lượng công nghệ cao, tiến tới đưa Bắc Ninh thành nơi có công nghệ sản xuất điện thoại lý tưởng"- ông Vương Quốc Tuấn cho hay.

Ông Vương Quốc Tuấn cũng lấy ví dụ, "trong đợt dịch Covid-19, Bắc Ninh là địa phương đầu tiên đề xuất đưa gần 700 chuyên gia đợt đầu tiên vào Việt Nam giữa lúc "nước sôi lửa bỏng". Đến nay, 1/4 chuyên gia nước ngoài nhập cảnh qua sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) đang lưu trú tại Bắc Ninh, không chỉ lưu trú, đây cũng là kênh quảng cáo để Bắc Ninh là điểm đến đầu tư đẳng cấp, có nhiều nhà đầu tư từ châu Âu, Mỹ đến Bắc Ninh"./.

Thái Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ