• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Luật Công chứng (sửa đổi): Cần đảm bảo người dân không gặp khó khăn khi làm thủ tục hành chính ở nước ngoài

Thời sự 01/04/2024 16:39

(Tổ Quốc) - Ngày 1/4, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Tham gia thảo luận, đa số ý kiến các đại biểu bày tỏ đồng tình, thống nhất cao với việc chuẩn bị hồ sơ dự án luật của Bộ Tư pháp, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật.

Theo đó, việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng là rất cần thiết nhằm thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, giải quyết những bất cập hiện có, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, nhất là trong bối cảnh kinh tế, xã hội phát triển nhanh, mạnh, với sự vào cuộc của công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo.

Các đại biểu cũng đánh giá, hồ sơ tài liệu dự án luật đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, tuy nhiên, cần bổ sung hoàn thiện thêm hồ sơ trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp tới, đặc biệt là dự thảo văn bản quy định chi tiết một số nội dung giao Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xây dựng.

Ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện thành lập tổ chức hành nghề công chứng

Phát biểu tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, cần xem xét kỹ quy định về nguyên tắc hành nghề công chứng ở Điều 4, và khoản 5, Điều 2 phần giải thích từ ngữ.

Luật Công chứng (sửa đổi): Cần đảm bảo người dân không gặp khó khăn khi làm thủ tục hành chính ở nước ngoài - Ảnh 1.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu

Cụ thể, khoản 5 Điều 2 của dự thảo luật quy định, hành nghề công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc công chứng theo quy định của Luật này và luật khác có liên quan.

Tuy nhiên, trong nguyên tắc ở khoản 4 Điều 4 của dự thảo luật lại quy định, một trong những nguyên tắc hành nghề công chứng là chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng. Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, trong quy định này còn thiếu chủ thể chính là tổ chức hành nghề công chứng. Vì vậy, cần bổ sung, chỉnh lý khoản 4 Điều 4 để đảm bảo tính bao quát của văn bản pháp luật.

Về quyền lợi, nghĩa vụ của công chứng viên liên quan đến công chứng điện tử, Tổng Thư ký Quốc hội đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã dành một mục riêng về công chứng điện tử, bao gồm nguyên tắc, điều kiện, quy trình, thủ tục công chứng điện tử. Việc triển khai công chứng điện tử đòi hỏi phải liên thông giữa các cơ sở dữ liệu của quốc gia đã và đang triển khai.

Để thực hiện tốt, triển khai thuận lợi công chúng điện tử, đòi hỏi công chứng viên có quyền khai thác, truy xuất thông tin từ các cơ sở dữ liệu quốc gia. Tuy nhiên, trong dự thảo chưa có quy định rõ ràng về trách nhiệm, nghĩa vụ tương ứng của công chứng viên trong việc bảo vệ tài khoản, bảo mật thông tin truy cập trong quá trình công chứng điện tử, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Cho ý kiến về dự án luật này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá rằng nội dung của dự thảo luật đã cơ bản phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đổi mới nâng cao chất lượng dịch vụ công chứng, bám sát các nhóm chính sách đã nêu khi Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Luật Công chứng (sửa đổi): Cần đảm bảo người dân không gặp khó khăn khi làm thủ tục hành chính ở nước ngoài - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp

Về nguyên tắc thành lập tổ chức hành nghề công chứng, Chủ tịch Quốc hội cho biết, công chứng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đồng thời cũng là loại hình dịch vụ sự nghiệp công mang tính chất thiết yếu, cơ bản. Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này, Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước. Các địa phương cũng thực hiện trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật.

Trước đây, các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đều có quy hoạch. Đến nay, theo quy định của Luật Quy hoạch 2017, nhiều loại hình hàng hóa, dịch vụ đã không còn quy hoạch tổng thể phát triển ngành, trong đó có việc tổ chức hành nghề công chứng. Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề, với tư cách cơ quan quản lý nhà nước chung, vai trò của Chính phủ là gì? Cần có chiến lược, định hướng phát triển ngành nghề này trong từng giai đoạn hay không?

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, với những trường hợp các sản phẩm, dịch vụ đã bỏ quy hoạch, bộ quản lý phải ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện, trên cơ sở đó, các địa phương thực hiện quản lý. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong dự thảo luật này có đề cập đến tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện, nhưng chưa nêu rõ cơ quan nào ban hành, cần nghiên cứu làm rõ nội dung này, quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện thành lập tổ chức hành nghề công chứng.

Đảm bảo người dân không gặp khó khăn khi làm thủ tục hành chính ở các nước khác

Tham gia ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, dự thảo luật so với luật hiện hành đã bỏ các nội dung quy định liên quan đến công chứng bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài, hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, chỉ quy định thẩm quyền của công chứng viên đối với việc chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực.

Luật Công chứng (sửa đổi): Cần đảm bảo người dân không gặp khó khăn khi làm thủ tục hành chính ở nước ngoài - Ảnh 3.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm

Theo pháp luật hiện hành, công chứng viên ngoài việc chứng thực chữ ký người dịch còn có trách nhiệm xác định nội dung bản dịch chính xác, không vi phạm pháp luật, không trái với đạo đức xã hội.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, nếu quy định như trong dự thảo luật hiện nay, bản dịch giấy tờ, văn bản sẽ chỉ còn có thể chứng thực chữ ký người dịch, người dịch sẽ chịu trách nhiệm đối với nội dung bản dịch.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị cần rà soát kỹ các quy định pháp luật của Việt Nam và của các quốc gia khác, yêu cầu phải có công chứng bản dịch đảm bảo chắc chắn người dân không gặp khó khăn khi làm thủ tục hành chính ở các nước khác.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất rằng việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng là cần thiết, đánh giá cao Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã chuẩn bị hồ sơ đúng theo quy định của pháp luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, chuẩn bị báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp sắp tới, bảo đảm đúng yêu cầu tiến độ của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Luật Công chứng (sửa đổi): Cần đảm bảo người dân không gặp khó khăn khi làm thủ tục hành chính ở nước ngoài - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung phiên họp

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Pháp luật đã tích cực, khẩn trương tổ chức việc thẩm tra, có báo cáo thẩm tra sơ bộ với nhiều ý kiến cụ thể, xác đáng. Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) sau khi xem xét đã đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu dự họp, ý kiến của cơ quan thẩm tra, các cơ quan hữu quan để hoàn thiện dự thảo luật, trình Quốc hội bảo đảm chất lượng và tiến độ.

Đăng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ