(Toquoc)- Chiều 12/3, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đã thảo luận về dự thảo luận sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú.
(Toquoc)- Chiều 12/3, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đã thảo luận về dự thảo luận sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú.
Các đại biểu vẫn cho rằng, quy định trong dự thảo còn gây khó cho dân, chứ không phải tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện quyền “tư do cư trú” như Hiến pháp quy định.
Theo dự thảo mới, ban soạn thảo đã bỏ quy định xóa đăng ký thường trú đối với các trường hợp bị đi tù, hoặc xuất cảnh từ 2 năm trở lên.
Đồng thời bổ sung một điểm mới cho phép thực hiện việc thông báo lưu trú bằng hình thức qua điện thoại, qua mạng internet và Công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thông báo địa điểm, địa chỉ mạng internet, địa chỉ mạng máy tính, số điện thoại nơi tiếp nhận thông báo lưu trú cho nhân dân biết.
Ban soạn thảo đã bỏ quy định xóa đăng ký thường trú đối với các trường hợp bị đi tù, hoặc xuất cảnh từ 2 năm trở lên (ảnh minh họa người dân đến làm thủ tục đăng ký hộ khẩu ở Hà Nội- ảnh: HTH)
Trình bày tờ trình, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Qúy Ngọ cho hay, do Luật Cư trú hiện hành chưa quy định nghiêm cấm đối với các trường hợp người đã đăng ký thường trú cho người khác đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp của mình để trục lợi, hay có trường hợp có hành vi giả mạo điều kiện để được đăng ký thường trú nên khi phát hiện không có biện pháp, chế tài xử lý. Do đó, dự thảo đã bổ sung quy định cấm giả mạo điều kiện để được đăng ký thường trú.
Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cho rằng, trong dự thảo các quy định giả mạo là chưa rõ ràng. Việc xác định hành vi trục lợi là rất khó khăn, trục lợi vì vật chất hay tinh thần, rất khó xác định. Ngoài ra còn có trường hợp kết hôn giả mạo. Do đó, vấn đề này cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.
Đối với điều kiện thường trú, các ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đều tán thành mức tạm trú tăng từ 1 năm lên 2 năm. Nhưng cũng có ý kiến băn khoăn, tại sao phải ban hành quy định có tạm trú mới được đăng ký thường trú? Đại biểu Trần Đình Long, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề cập: "Tôi ở Đắk Lắk nhận công tác ở Hà Nội và mua nhà. Tôi ra ngày nào thì đăng ký luôn tại sao lại bắt tôi phải tạm trú 2 năm?"
Một số đại biểu đặt vấn đề cơ sở cho việc trình tăng mức tạm trú từ 1 lên 2 năm là như thế nào. Đại biểu Trần Ngọc Vinh, Hải Phòng cho rằng, Hiến pháp hiện hành và và dự thảo đang xây dựng vẫn thể hiện quyền tự do cư trú của công dân.
"Giờ chúng ta đưa ra các điều kiện thế này chỉ là biện pháp hành chính để hạn chế quyền tự do cư trú của công dân. Như thế có đúng với tinh thần của Hiến pháp? Khống chế bằng diện tích cũng không phải là biện pháp tối ưu. Chúng ta sắp tới ban hành Luật Hộ tịch thì điều này cũng phải xem xét cho phù hợp" - đại biểu Vinh nói.
Còn đại biểu Trần Văn Độ cho thì cho ý kiến, "thực hiện theo Luật Cư trú hiện hành là cũng là tốt lắm rồi. Và nếu sửa như thế này thì nhiều điều kiện còn khắt khe hơn cả Luật Thủ đô./.
Hà Thanh Huyền