(Tổ Quốc) - Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, với đa số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội thống nhất thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được Quốc hội thông qua có bố cục gồm 9 Chương, 95 Điều, quy định về di sản văn hóa, hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân trong hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị đối với di sản văn hóa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Di sản văn hóa quy định tại Luật này bao gồm di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đối tượng áp dụng của Luật gồm cơ quan, tổ chức, cộng đồng và người Việt Nam định cư ở Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cộng đồng và người nước ngoài định cư, hoạt động ở Việt Nam; người Việt Nam định cư, hoạt động ở nước ngoài liên quan đến quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Luật giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về di sản văn hóa. Đồng thời yêu cầu Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về di sản văn hóa theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ, cơ quan ngang Bộ khác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thu hồi, mua và đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và di sản tư liệu có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước.
Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày ngày 1 tháng 7 năm 2025.
Quỹ bảo tồn di sản văn hóa giúp bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống và đặc trưng của địa phương
Theo đại biểu Nguyễn Quốc Hận - Phó Trưởng đoàn Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Hận, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) có nhiều nội dung lớn, chuyên môn sâu mang tính xã hội cao, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp rộng, nhận được sự quan tâm rất lớn của cử tri cả nước và các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, cũng như tại Kỳ họp thứ 8.
Tán thành sự cần thiết của việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa, đại biểu Nguyễn Quốc Hận cho rằng, Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương có ý nghĩa quan trọng và thiết thực đối với công tác bảo tồn di sản văn hóa, đóng vai trò như một nguồn tài chính bổ trợ giúp bảo đảm sự phát triển bền vững trong công tác bảo tồn, phục hồi và phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của mỗi địa phương.
Cụ thể, Quỹ này sẽ có thể hỗ trợ tài chính cho các dự án bảo tồn thông qua việc cung cấp kinh phí cho các dự án bảo tồn, trùng tu các di tích lịch sử, công trình kiến trúc, và các tài sản văn hóa khác cần được duy trì và phục hồi.
Bên cạnh đó, sự hiện diện của Quỹ bảo tồn sẽ khuyến khích sự đóng góp và tham gia của cộng đồng, bao gồm các doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận và người dân địa phương, từ đó tạo ra sự hợp lực trong công tác bảo tồn. Đồng thời, giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước, mở rộng các kênh tài chính khác nhau, từ đó linh hoạt hơn trong việc triển khai các dự án bảo tồn.
Đặc biệt là góp phần phát triển du lịch văn hóa và giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của địa phương. Đại biểu Nguyễn Quốc Hận cho rằng, việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa sẽ làm tăng sức hấp dẫn của địa phương đối với du khách, từ đó phát triển ngành du lịch, tạo việc làm và thúc đẩy kinh tế địa phương.
Cùng với đó, Quỹ giúp bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống và đặc trưng, bảo đảm rằng các thế hệ tương lai sẽ được tiếp cận và hiểu rõ về lịch sử, bản sắc của địa phương mình.
"Tóm lại, Quỹ bảo tồn di sản văn hóa không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho công tác bảo tồn mà còn có tác động tích cực lâu dài đến sự phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương", đại biểu Nguyễn Quốc Hận bày tỏ.
Để Quỹ bảo tồn di sản văn hóa hoạt động có hiệu quả, đại biểu Nguyễn Quốc Hận cho rằng cần đảm bảo được một số điều kiện.
Thứ nhất, quản lý minh bạch và chuyên nghiệp. Quỹ cần có hệ thống quản lý tài chính minh bạch và chuyên nghiệp, bao gồm việc giám sát, báo cáo chi tiêu rõ ràng, và kiểm toán định kỳ để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.
Thứ hai, có mục tiêu rõ ràng. Quỹ phải xác định rõ các mục tiêu cụ thể như bảo tồn kiến trúc cổ, khôi phục di sản văn hóa phi vật thể, hoặc hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, giáo dục liên quan đến di sản. Mục tiêu rõ ràng giúp định hướng sử dụng nguồn lực hợp lý và tập trung vào những ưu tiên quan trọng.
Thứ ba, có nguồn vốn ổn định và bền vững. Quỹ cần có nguồn tài trợ ổn định từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm ngân sách nhà nước, tài trợ từ các tổ chức quốc tế, đóng góp của doanh nghiệp và cá nhân. Điều này giúp Quỹ hoạt động liên tục mà không bị gián đoạn do thiếu hụt tài chính.
Thứ tư, sự tham gia của cộng đồng. Các hoạt động của Quỹ cần có sự tham gia và hỗ trợ từ cộng đồng địa phương để tăng cường sự hiểu biết, nhận thức và cam kết bảo tồn di sản. Sự tham gia này có thể thông qua các chương trình giáo dục, sự kiện văn hóa hoặc các dự án cộng đồng.
Thứ năm, đội ngũ chuyên gia có năng lực. Để thực hiện các dự án bảo tồn một cách chuyên nghiệp và hiệu quả, Quỹ cần có sự hợp tác với các chuyên gia về bảo tồn, khảo cổ học, kiến trúc, và văn hóa. Đội ngũ này đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, lên kế hoạch và thực hiện các hoạt động bảo tồn.
Thứ sáu, kế hoạch và chiến lược dài hạn. Quỹ cần xây dựng các chiến lược bảo tồn dài hạn để đảm bảo di sản được bảo vệ bền vững qua nhiều giai đoạn. Kế hoạch này nên bao gồm các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, biện pháp bảo tồn, và các bước phát triển liên tục để thích ứng với những thay đổi trong xã hội và môi trường.
Thứ bảy, ứng dụng công nghệ. Sử dụng công nghệ hiện đại trong bảo tồn như số hóa, quét 3D, và lưu trữ thông tin điện tử giúp bảo vệ và phục hồi di sản một cách chính xác và nhanh chóng. Công nghệ cũng hỗ trợ việc chia sẻ và phổ biến thông tin di sản ra cộng đồng một cách hiệu quả.
Thứ tám, hợp tác quốc tế. Quỹ nên tìm kiếm sự hợp tác và hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế về bảo tồn di sản để học hỏi kinh nghiệm, nhận sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính, cũng như mở rộng mạng lưới đối tác.
Thứ chín, đánh giá và điều chỉnh. Quỹ cần thường xuyên đánh giá hiệu quả hoạt động và điều chỉnh các chiến lược khi cần thiết để đáp ứng các thách thức mới và cải thiện hiệu quả của các dự án bảo tồn.
Thúc đẩy việc quản lý di sản theo hướng bền vững, hài hòa giữa việc bảo tồn và khai thác du lịch
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận kỳ vọng khi Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) có hiệu lực thi hành sẽ cung cấp những quy định chặt chẽ và cụ thể hơn nhằm bảo vệ và gìn giữ các di sản văn hóa, ngăn chặn các hành vi xâm phạm hoặc phá hoại di sản; đồng thời quản lý và phát triển di sản bền vững.
Theo đại biểu, việc áp dụng Luật mới có thể thúc đẩy việc quản lý di sản theo hướng bền vững, hài hòa giữa việc bảo tồn và khai thác du lịch, đảm bảo rằng di sản văn hóa không bị xuống cấp hoặc mất đi giá trị vốn có.
Cùng với đó, tăng cường nhận thức và trách nhiệm cộng đồng. Luật sửa đổi có thể đặt ra các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tạo điều kiện cho việc đầu tư, hỗ trợ tài chính và nhân lực nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Bên cạnh đó, đại biểu mong đợi, Luật sửa đổi sẽ giúp đồng bộ các quy định trong nước với các cam kết và công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, từ đó mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn di sản.
"Tôi thực sự kỳ vọng khi Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) có hiệu lực thi hành sẽ đảm bảo được rằng, di sản văn hóa của quốc gia được bảo vệ, phát triển một cách toàn diện, bền vững, và có sự tham gia tích cực của toàn xã hội", đại biểu Nguyễn Quốc Hận bày tỏ./.