(Tổ Quốc) - Theo đại biểu Quốc hội Vương Quốc Thắng, từ góc độ an ninh quốc gia, việc quy định về chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, việc thiết kế các quy định này phải chặt chế, bảo đảm cân bằng giữa lợi ích kinh tế với các vấn đề về an toàn, an ninh dữ liệu nói riêng và an toàn, an ninh mạng nói chung.
Chiều 24/10, Quốc hội họp tại Tổ để cho ý kiến về dự án Luật Dữ liệu và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Cần quy định cơ quan chủ trì hoặc kiểm soát để đảm bảo chất lượng dữ liệu
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Dữ liệu, đa số các Đại biểu Quốc hội tại Tổ 5 (gồm các Đoàn ĐBQH của các tỉnh: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Quảng Nam, Kiên Giang) đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu với những cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Về cơ sở chính trị, nội dung tại dự án Luật đã thể chế hóa được chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trong những năm gần đây.
Về cơ sở pháp lý, dự án Luật đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp với hệ thống pháp luật hiện hành. Dự án Luật Dữ liệu có phạm vi điều chỉnh liên quan đến nhiều văn bản luật, dự án luật đang được xây dựng.
Các vấn đề liên quan đến tạo lập, sử dụng, khai thác và quản lý dữ liệu hiện đang được quy định rải rác ở các Luật như Viễn thông, Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Luật Căn cước công dân, Luật Lưu trữ... và một số luật đang trong quá trình soạn thảo như Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Đề cập về việc bảo đảm chất lượng dữ liệu, được quy định tại Điều 11, đại biểu Nguyễn Việt Thắng- Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang nêu quan điểm: Điều 11 quy định về bảo đảm chất lượng dữ liệu là hết sức cần thiết nhưng dự án Luật chưa quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc bảo đảm chất lượng dữ liệu.
Dự thảo có quy định các cơ quan, tổ chức quản lý cơ sở dữ liệu có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có liên quan để thường xuyên cập nhật, điều chỉnh bảo đảm chất lượng dữ liệu trong quá trình khai thác sử dụng.
Tuy nhiên, nếu trong quá trình phối hợp mà các cơ quan không thống nhất được về số liệu, chất lượng dữ liệu thì chưa có quy định phải xử lý thế nào. Do đó, để đảm bảo dữ liệu đưa vào cơ sở dữ liệu tổng hợp Quốc gia đúng, đủ, sạch như mục tiêu chính sách đã nêu thì cần quy định cơ quan chủ trì hoặc kiểm soát để đảm bảo chất lượng dữ liệu.
Theo đại biểu Nguyễn Việt Thắng, hiện nay, chỉ riêng những dữ liệu về con người như các lĩnh vực dân cư, dân số, bảo hiểm y tế… còn vênh nhau khá nhiều. Bởi vì, quy định về cách điều tra, thống kê, thu thập dữ liệu khác nhau thì dẫn đến kết quả thực hiện sẽ khác nhau. Do đó, cần phải kiểm soát, bảo đảm chất lượng dữ liệu nhằm giúp cho việc quản lý, điều hành phát triển kinh tế- xã hội được thuận lợi; hoạch định chính sách chính xác hơn.
Việc chuyển dữ liệu cho tổ chức, cá nhân nước ngoài cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng
Liên quan đến việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, đại biểu Vương Quốc Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo trong việc luật hóa quy định về chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ, các hoạt động thương mại điện tử, dịch vụ số xuyên biên giới và sự hiện diện của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia tại Việt Nam đã tạo ra những thách thức mới trong việc quản lý và bảo vệ dữ liệu của tổ chức và người dân.
Tuy nhiên, theo đại biểu Vương Quốc Thắng, từ góc độ an ninh quốc gia, việc quy định về chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, việc thiết kế các quy định này phải chặt chế, bảo đảm cân bằng giữa lợi ích kinh tế với các vấn đề về an toàn, an ninh dữ liệu nói riêng và an toàn, an ninh mạng nói chung.
Theo đó, Ban soạn thảo nên tiếp tục rà soát nghiên cứu các quy định tại dự thảo Luật này với Luật Giao dịch điện tử, Luật An toàn, an ninh mạng... và đặc biệt là rà soát, tham khảo thêm các cam kết, hiệp định quốc tế về vấn đề chia sẻ dữ liệu.
Bên cạnh đó, Ban soạn thảo cân nhắc nghiên cứu thay thế cụm từ "chuyển dữ liệu ra nước ngoài" thành "chuyển dữ liệu ra khỏi Việt Nam" hoặc "chuyển dữ liệu xuyên biên giới". Bởi trên thực tế hiện nay, việc chuyển dữ liệu không chỉ bó hẹp trong phạm vi giữa các quốc gia với nhau mà mở rộng giữa quốc gia với các khu vực, vùng lãnh thổ khác nhau.
Trong dự án Luật Dữ liệu cũng đề cập về Quỹ phát triển dự trữ quốc gia. Đóng góp về nội dung này, đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, cần làm rõ về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để thành lập quỹ này. Quỹ này được thành lập ở Trung ương, thuộc cơ quan nào quản lý; về mô hình tổ chức bộ máy, biên chế và hoạt động của quỹ cần được làm rõ hơn.
Ngoài ra, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật rà soát các ưu tiên chi các hoạt động tại khoản 3 của Điều 29 để tránh trùng lặp với các với hoạt động chi của các loại quỹ khác, bao gồm cả quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam…
Đối với việc thu thập, cập nhật, đồng bộ dữ liệu vào cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, tại khoản 1, Điều 34 quy định: Dữ liệu được thu thập, cập nhật, đồng bộ vào cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia bao gồm cơ sở dữ liệu mở, dữ liệu dùng chung của cơ sở dự liệu quốc gia, cơ sở dự liệu chuyên ngành được quy định tại điểm a, điểm b, khoản 1, Điều 13 luật này, dữ liệu dùng riêng quy định tại khoản 4 điều này và dự liệu được cung cấp quy định tại điều 18 luật này, dữ liệu mở do Chính phủ các nước, tổ chức quốc tế công bố và dữ liệu khác…
Tuy nhiên, tại điểm a, khoản 1, Điều 13 quy định về kho dữ liệu; tại điểm b, khoản 1, Điều 13 quy định kho dữ liệu dùng chung. Do đó, quy định tại khoản 1 cần xem lại và sắp xếp để dễ hiểu và bảo đảm tính logic khi nghiên cứu và thực hiện./.