(Toquoc) – Xúc tiến phục hồi hoạt động của con nợ lâm vào tình trạng phá là mục tiêu và là xu thế chung của thế giới.
(Toquoc) – Xúc tiến phục hồi hoạt động của con nợ lâm vào tình trạng phá sản (mất khả năng thanh toán) là mục tiêu và là xu thế chung của luật phá sản hiện đại trên thế giới. Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này.
Tăng vai trò thị trường trong quá trình giải quyết phá sản
Luật phá sản là luật chơi của kinh tế thị trường
Luật sư Lương Văn Lý:
Ở Việt Nam, bản thân tôi cũng không xử lý nhiều những vụ phá sản của các doanh nghiệp Việt Nam. Tôi cho rằng Luật Phá sản của Việt Nam chưa cụ thể, mới chỉ dừng ở mức nguyên tắc chung trong khi “đụng” vào một vụ xử lý phá sản sẽ có muôn vàn vấn đề cần giải quyết. Chính vì vậy, thời gian xử lý các vụ phá sản thường rất kéo dài. Luật pháp vẫn còn nhiều kẽ hở và phụ thuộc vào cách giải quyết của một số người có vai trò trong Tòa án, khi đó các bên liên quan thường cảm thấy không được đảm bảo về pháp lý. Một số trường hợp không tránh khỏi việc có liên quan đến lợi ích.
Theo tôi, một doanh nghiệp bị phá sản là việc rất bình thường, do vậy không nên áp dụng những “hình phạt” bằng việc cấm chủ doanh nghiệp đó tiếp tục kinh doanh trong vòng 1-3 năm trừ phi họ phá sản vì mục đích trục lợi, vi phạm luật pháp…
Xúc tiến phục hồi hoạt động của con nợ lâm vào tình trạng phá sản (mất khả năng thanh toán) là mục tiêu và là xu thế chung của luật phá sản hiện đại trên thế giới. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện kinh doanh, là phương thuốc cứu vãn doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản.
Phá sản là một hiện tượng tất yếu. Nhưng trước hết cũng cần phải có những biện pháp “cứu chữa”, nếu không tác dụng mới tiến hành loại bỏ.Thủ tục phục hồi chính là phương thuốc cứu vãn doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản.
Dự thảo Luật Phá sản cho phép thẩm phán chỉ định luật sư có chứng chỉ về quản lý tài sản làm Quản tài viên có những quyền hạn, gồm: quản lý tài sản; tổ chức hội nghị chủ nợ; giám sát và quản lý hoạt động kinh doanh trong trường hợp phục hồi, tái cơ cấu doanh nghiệp…Tôi cho rằng điều này rất phù hợp với các nước tiên tiến và là xu hướng chung của thế giới, trong đó có Đức, Anh, Mỹ…
Quản tài viên sẽ là người giám sát, bảo đảm sao cho quá trình xét xử phá sản của doanh nghiệp thật trung thực, công minh nhằm mang lại quyền lợi cho tất cả các bên liên quan một cách công bằng.
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành: Ở Mỹ, Luật Phá sản rất hữu ích cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp nếu lâm vào tình trạng khó khăn về kinh doanh như: vốn vay nhiều, lãi suất cao…khiến họ không thể tiếp tục kinh doanh trong điều kiện tối ưu thì sẽ sử dụng Luật Phá sản với mục đích nhận được sự bảo hộ của luật pháp và tái cấu trúc lại doanh nghiệp.
Mỹ có hệ thống tòa án thương mại riêng chỉ chịu trách nhiệm xử những vụ việc liên quan đến kinh doanh, thương mại. Tòa án này được phân bổ từng vùng, trong đó thẩm phán là người có trình độ về kinh doanh thương mại, sẽ theo dõi sát sao quá trình diễn ra các vụ xử lý phá sản cho tới khi doanh nghiệp được tái cấu trúc lại hoặc ngừng hoạt động hẳn.
Một khi doanh nghiệp đã tuyên bố phá sản thì mọi hoạt động sẽ dừng lại: Ngân hàng sẽ không đòi lãi suất, chủ nợ không được phép đòi tiền. ..Khi đó, Luật Phá sản góp phần quan trọng, giúp bảo vệ quyền lợi cho tất cả các thành phần liên quan đến vụ phá sản và quan trọng là tất cả các bên đều đạt được sự đồng thuận.
Luật sư Trần Anh Đức: Luật Phá sản của Việt Nam tương đối lạc hậu so với các nước tiên tiến trên thế giới. Ví dụ , Luật Phá sản của Việt Nam dùng cụm từ “Doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản” trong khi ở các nước tiên tiến họ dùng cụm từ “doanh nghiệp mất khả năng thanh toán”. Được biết, Luật Phá sản sửa đổi của Việt Nam cũng sẽ đi theo hướng như thế.
Ở nhiều nước trên thế giới khi xử lý các vụ phá sản thì con nợ bị đặt dưới sự giám sát của các chủ nợ trong khi chủ nợ ở Việt Nam không có tiếng nói. Tôi hy vọng trong Luật sửa đổi tới vai trò của chủ nợ sẽ được thể hiện rõ. Khi một doanh nghiệp phá sản thì con nợ, các chủ nợ phải họp lại để tìm ra giải pháp, quyết định cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động hay không?
Trong dự thảo Luật sửa đổi, việc thẩm phán được chỉ định quản tài viên – là người đứng ra quản lý tài sản cũng là xu hướng chung của các nước trên thế giới.
Hay như thẩm phán cũng cần có những kiến thức cần thiết phục vụ cho công việc. Ở Mỹ, điều kiện để trở thành sinh viên trường Luật là phải có bằng tốt nghiệp của một trường đại học nào đó, trong khi Việt Nam mình không như vậy. Nếu bạn đã có bằng đại học kinh tế rồi, lại tốt nghiệp trường Luật nữa thì sẽ có nền tảng về kinh tế rất tốt để phục vụ cho công việc thẩm phán của tòa án thương mại.
Tuy nhiên, cũng cần phải dựa vào hoàn cảnh kinh tế của từng quốc gia để có những quy định cụ thể cho Luật Phá sản. Chẳng hạn đối với một số nước tiến bộ, nếu một doanh nghiệp phá sản vì họ vay tiền ngân hàng nhưng không trả được nợ thì không có nghĩa là con nợ đó sẽ bị ngân hàng đuổi ra khỏi nhà mà ngân hàng sẽ có cách giải quyết khác ổn thỏa hơn . Phải thừa nhận rằng để giải quyết được theo cách này còn phụ thuộc vào nền kinh tế của họ. Cùng trường hợp như vậy ở Việt Nam thì lại không giải quyết theo cách đó vì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới ngân hàng, đồng nghĩa với tác động lên nền kinh tế.
Ngoài ra, quá trình xử lý các trường hợp phá sản ở các nước tiên tiến minh bạch, rõ ràng hơn Việt Nam./.
Quỳnh Anh