(Tổ Quốc) - Từ ngày 01/7/2023, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (Luật PCBLGĐ 2022) sửa đổi chính thức có hiệu lực, Luật quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo lực gia đình; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Trong thời gian qua, bạo lực gia đình vẫn là vấn đề chưa thể giải quyết dứt điểm của các nước trên thế giới, tình hình tại Việt Nam cũng tương tự. Bạo lực gia đình ảnh hưởng và vi phạm nặng nề tới danh dự, nhân phẩm, tính mạng… của mỗi cá nhân, là nguyên nhân gây ra đổ vỡ trong hôn nhân, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống kinh tế-xã hội, gây mất ổn định trong trật tự- an toàn xã hội…
Số liệu thống kê giai đoạn 2009-2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh/thành cho thấy, tổng số vụ bạo lực gia đình các địa phương đã phát hiện trên cả nước là 324.641 vụ.
Theo kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 (công bố năm 2020) cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần hay kinh tế, hay kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong đời. Điều tra cũng cho biết, hơn một nửa phụ nữ từng có chồng/bạn tình (52,9%) đã phải chịu đựng ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục và/hoặc tinh thần do chồng/bạn tình hiện tại hoặc trước đây gây ra.
Mặc dù số vụ bạo lực gia đình giảm dần qua các năm: năm 2009 là 53.206 vụ, giảm xuống còn 20.108 vụ trong năm 2015, 2018 là 10.366 vụ, 2019 là 8.176 vụ, tới năm 2022 còn 4.065 vụ. Tuy vậy có thể thấy là các số liệu này vẫn chưa phản ánh đầy đủ và chính xác về tình hình bạo lực gia đình tại Việt Nam.
Từ thực tế này đặt ra kỳ vọng khi Luật PCBLGĐ 2022 (sửa đổi) được thi hành sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, cùng với đó, triển khai Luật mới sẽ góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Theo Luật PCBLGĐ 2022 (sửa đổi), bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.
Một trong những điểm được nhìn nhận cụ thể hơn chính là hành vi bạo lực gia đình được Luật PCBLGĐ 2022 (sửa đổi) quy định rõ ràng hơn so với Luật PCBLGĐ 2007 bao gồm 16 hành vi (tăng thêm 7 so với Luật cũ) cụ thể: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý;
Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em; Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình;
Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý; Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau; Tiết lộ hoặc phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng; Cưỡng ép trình diễn hành vi khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực; Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp; Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi;
Chiếm đoạt, hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình; Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác; Cô lập, giam cầm thành viên gia đình; Cưỡng ép thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật.
Với những quy định chặt chẽ hơn trong Luật PCBLGĐ 2022 (sửa đổi), việc điều chỉnh và xử lý các hành vi bạo lực gia đình nhất thiết cần có sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã hội. Chỉ khi có được sự vào cuộc của tất cả các cơ quan ban ngành thì mới hy vọng ngăn ngừa được tình trạng bạo lực trong các gia đình, đồng thời, có được những kết quả tốt hơn trong việc đấu tranh phòng, chống bạo lực trong gia đình tại Việt Nam.
Phương Anh
* Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện