• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Luật Phòng chống ma túy 2021 được kỳ vọng sẽ giúp công tác cai nghiện có hiệu quả, qua đó giảm nguồn "cầu" về ma túy

Pháp luật 25/12/2021 17:16

(Tổ Quốc) - Luật Phòng, chống ma túy 2008 chưa có quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy trong khi tình hình sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng phức tạp, đặc biệt là việc sử dụng ma túy tổng hợp.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) - Bộ Công an, thời gian vừa qua, mặc dù lực lượng chức năng đã quyết liệt triển khai nhiều kế hoạch, phương án phòng, chống tội phạm ma túy. Tuy nhiên, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, là một nguy cơ an ninh phi truyền thống mang tính xuyên quốc gia. Ma túy thẩm lậu từ nước ngoài vào trong nước rất lớn, song chưa ngăn chặn ngay từ khu vực biên giới. Nước ta đứng trước nguy cơ trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế. Ngoài ra, ngày càng xuất hiện nhiều loại ma túy mới, gây rối loạn tâm thần, khó kiểm soát; việc sử dụng ma túy tổng hợp trong thanh niên, thiếu niên tăng nhanh, song chưa có giải pháp hiệu quả để khắc phục, ngăn chặn, đẩy lùi. Công tác cai nghiện và hỗ trợ sau cai còn nhiều bất cập, hiệu quả thấp. Tội phạm và tệ nạn ma túy có nguy cơ trở thành hiểm họa, đe dọa đến sự phát triển bền vững của đất nước, làm tổn hại sức khỏe của một bộ phận nhân dân và làm phát sinh nhiều loại tội phạm, gây lo lắng, bức xúc.

Luật Phòng chống ma túy 2021 được kỳ vọng sẽ giúp công tác cai nghiện có hiệu quả, qua đó giảm nguồn "cầu" về ma túy - Ảnh 1.

Bắt nhóm đối tượng thuê phòng tại khu đô thị cao cấp để sử dụng ma túy tại Thừa Thiên Huế. Ảnh minh họa

Mặc dù thời gian qua đã có nhiều chương trình, văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý những vấn đề liên quan tới tội phạm và tệ nạn ma túy tuy nhiên, tội phạm ma túy là tội phạm ẩn, được coi là "tội phạm của các loại tội phạm", hoạt động ngày càng manh động, tinh vi, có trang bị vũ khí nóng, câu kết chặt chẽ với các đối tượng truy nã, đối tượng người nước ngoài lập nên các đường dây, tổ chức tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép ma túy xuyên quốc gia.

Đặc biệt, các đối tượng phạm tội về ma túy triệt để lợi dụng tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện và che giấu hành vi phạm tội.

Luật Phòng, chống ma túy 2008 chưa có quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy trong khi tình hình sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng phức tạp, đặc biệt là việc sử dụng ma túy tổng hợp. Sự phát triển bùng nổ của các loại hình kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự như vũ trường, quán Bar, karaoke, sự kiện âm nhạc… đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng tổ chức sử dụng trái phép ma túy tổng hợp. Nhiều trường hợp sử dụng ma túy tổng hợp, ngay từ lần sử dụng đầu tiên đã gây ra nguy hiểm cho chính bản thân mình và gây mất an ninh, trật tự, không kiểm soát được hành vi, gây ra các vụ thảm án, tai nạn giao thông kinh hoàng, có những vụ đối tượng giết chính người thân trong gia đình mình.

Tiếp nữa, Luật Phòng, chống ma túy 2008 quy định về công tác cai nghiện còn một số bất cập. Từ 2009 đến 2019, số người nghiện trong cả nước tăng 60% (từ 146.731 người lên 235.314 người). Công tác lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gặp nhiều khó khăn, người nghiện ở ngoài xã hội nhiều, ảnh hưởng nghiệm trọng đến tình hình trật tự, an toàn xã hội; đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chủ yếu kiêm nhiệm, không được đào tạo bài bản, hiệu quả không cao, nhiều địa phương làm hình thức, điều kiện về cơ sở vật chất không có hoặc không đảm bảo; công tác quản lý sau cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện không còn phù hợp; chưa có quy định về cai nghiện ma túy với người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài bị trục xuất về nước do nghiện ma túy. Xã hội hóa công tác cai nghiện còn nhiều khó khăn.

Thứ ba: Một số quy định của Luật Phòng, chống ma túy 2008 không thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác.

Ngoài ra còn một số vấn đề mới của thực tiễn đang đặt ra chưa có quy định, như: chính sách ưu đãi đối với lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, cai nghiện ma túy và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, một số loại thuốc có chứa chất ma túy, tiền chất chưa đưa vào kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy…

Luật Phòng chống ma túy 2021 được kỳ vọng sẽ giúp công tác cai nghiện có hiệu quả, qua đó giảm nguồn "cầu" về ma túy - Ảnh 2.

Các đối tượng bị bắt quả tang tại Đà Nẵng khi đang "mở tiệc" ma túy. Ảnh min họa

Với những lý do này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy.

Sau một thời gian chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, ngày 30/3/2021, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 14 đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Cả 2 dự án Luật này đã khắc phục được khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác phòng, chống ma túy, đặc biệt là công tác cai nghiện, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Các nhà làm luật kỳ vọng, quy định của Luật sát với thực tiễn sẽ giúp cho công tác cai nghiện có hiệu quả, qua đó giảm nguồn "cầu" về ma túy.

Được biết, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 gồm 8 chương và 55 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. Để triển khai thi hành Luật có hiệu quả, đi vào cuộc sống, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống ma túy gồm 3 Nghị định và 01 Thông tư. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành 03 Nghị định, Bộ Y tế ban hành 01 Thông tư./.

Thái Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ