(Tổ Quốc) - Nhấn mạnh ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí, tắc nghẽn giao thông, xử lý rác thải, ngập úng… là những vấn đề nổi cộm của Thủ đô, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần phải nghiên cứu, rà soát thêm, có những quy định phù hợp để giải quyết được những vấn đề này.
Ô nhiễm không khí, tắc nghẽn giao thông, xử lý rác thải, ngập úng… là những vấn đề nổi cộm của Thủ đô
Ngày 14/3, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 31 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này đã cơ bản bám sát đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn trong xây dựng và phát triển Thủ đô, cũng như thể chế được các chủ trương lớn của Đảng, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các nội dung của dự thảo Luật đã cơ bản đạt được sự thống nhất và thông suốt cả về quan điểm, tư duy và tầm nhìn giữa các cơ quan. Nếu Luật Thủ đô hiện hành chủ yếu mang tính chất khung, thì dự thảo Luật sửa đổi lần này đã đi vào những nội hàm rất cụ thể liên quan đến phân cấp, phân quyền.
Liên quan đến nội dung xin ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, về nguyên tắc áp dụng pháp luật, dự thảo Luật đã được chỉnh sửa thêm một bước. Tuy nhiên vẫn cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, biên tập và thể hiện chặt chẽ hơn, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật…
Nhấn mạnh ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí, vấn đề tắc nghẽn giao thông, vấn đề xử lý rác thải, ngập úng… là những vấn đề nổi cộm của Thủ đô, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, dự thảo Luật lần này cần phải nghiên cứu, rà soát thêm để có những quy định phù hợp trong phân cấp, phân quyền, thẩm quyền khai thác các nguồn lực, trao quyền linh động… để làm sao Thủ đô giải quyết được những vấn đề này.
Ngoài ra, về các biện pháp, giải pháp thu hút, huy động nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, Chủ tịch Quốc hội cho cần phải rà soát, làm rõ, đảm bảo thể chế hóa Nghị quyết số 19 của Trung ương. Đồng thời, cân nhắc việc sử dụng thuật ngữ "doanh nghiệp khởi nguồn".
Đối với nội dung về liên kết vùng hiện dự thảo Luật đã bỏ khái niệm "vùng Thủ đô", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, quy định như vậy là rất mới. Tuy nhiên đây là vấn đề quan trọng liên quan đến Luật Quy hoạch và Luật Xây dựng, do vậy, cơ quan soạn thảo cần phải lý giải một cách thật đầy đủ, thuyết phục, rõ tính khoa học trước Quốc hội…
Liên quan đến nội dung về việc xác định cụ thể giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ nghiêng về phương án 02. Bởi Phương án 01 vừa không có cơ sở thực tiễn, chính trị, pháp lý, vừa tạo ra cơ chế xin cho, không minh bạch. Còn đối với việc mở rộng mức tiền phạt, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đã đảm bảo phù hợp.
Cần đảm bảo sự đồng bộ, nhất quán trong phân cấp phân quyền
Nêu ý kiến thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh hoan nghênh TP. Hà Nội đã có cam kết rất mạnh mẽ thực hiện phát triển y tế thủ đô về chăm sóc sức khỏe, các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội vượt trội so với các địa bàn trên cả nước.
Về đối tượng thụ hưởng của các chính sách này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhận thấy, quy định đối với khám bệnh sức khỏe miễn phí hàng năm cho người cao tuổi thường trú trên địa bàn TP. Hà Nội, tuy nhiên không nói đến tất cả các đối tượng trên địa bàn TP. Hà Nội mà chỉ đề cập đến đối tượng "thường trú trên địa bàn TP. Hà Nội". Do đó, đề nghị cần làm rõ thêm vì TP. Hà Nội có đối tượng nhập cư rất nhiều, số lượng người từ các địa bàn khác đến rất đông.
"Nếu bao phủ thêm cho các đối tượng này thì sẽ rất tốt để đảm bảo những người từ nơi khác đến thủ đô Hà Nội tham gia vào lao động, sản xuất, góp phần làm giàu cho thủ đô Hà Nội cũng được hưởng các chính sách như những người thường trú tại Hà Nội. Quy định như vậy sẽ toàn diện hơn, tốt hơn", Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phân tích rõ.
Thảo luận tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thống nhất với các nội dung giải trình, đề xuất trình Quốc hội cho ý kiến như đã nêu trong báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng thông tin và nêu quan điểm về một số nội dung của dự thảo luật liên quan đến thu nhập tăng thêm; thẩm quyền của Hội đồng nhân dân quyết định một số vấn đề được quy định trong dự thảo luật; về áp dụng pháp luật…
Về thu nhập tăng thêm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị cân nhắc khi thu nhập tăng thêm cho một số cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội như Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện và cũng có nguồn lực thực hiện.
Liên quan đến thành lập cơ quan chuyên môn tổ chức hành chính và thẩm quyền của Hội đồng nhân dân thành lập các cơ quan chuyên môn, các ban thuộc Hội đồng và cơ quan hoặc sở ban ngành thuộc thành phố, Bộ trưởng đề nghị hết sức cân nhắc ý này, khi cho phép điều gì nên quy định cụ thể luôn vào luật để làm được ngay và không phải xin phép.
Đối với quy định về áp dụng pháp luật, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị rà soát thêm một bước nữa, để tạo sự đồng thuận, tránh gây xáo động của cơ quan nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi khi áp dụng trong thực tiễn.
Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cảm ơn Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội trong thời gian vừa qua đã phối hợp với Hà Nội, Bộ Tư pháp trong hoàn thiện dự thảo luật này. Các ý kiến của các đại biểu cơ bản đã đồng tình với các nội dung cơ bản trong dự thảo luật.
Về nội dung phân cấp phân quyền cho thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, các ý kiến đóng góp của các đại biểu là rất đúng đắn. Cần rà soát kỹ và đầy đủ những vấn đề về định mức, đơn giá, quy chuẩn, tiêu chuẩn trên tất cả các lĩnh vực. Hiện nay quy chuẩn tiêu chuẩn về vấn đề môi trường còn rất thiếu, quy định về định mức, đơn giá còn vướng mắc, dẫn đến khó khăn trong triển khai các công trình đặc biệt của thủ đô. Vì vậy, việc quy định giao thẩm quyền cho thành phố là rất quan trọng.
Ngoài ra, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, cần đảm bảo sự đồng bộ, nhất quán trong phân cấp phân quyền, giao thêm thẩm quyền hợp lý cho thành phố hoặc cho Chính phủ trong vấn đề liên quan đến giới hạn sử dụng không gian ngầm, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn.