• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Luật Thủ đô (sửa đổi): Cần nhiều cơ chế đặc thù, đột phá để phát huy giá trị văn hóa

Thực hiện: Bảo Trân | 23/05/2024

(Tổ Quốc) - Ông Trương Minh Tiến đề xuất cần có nhiều cơ chế đặc thù, đột phá để phát huy giá trị văn hóa được đưa vào Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Đồng thời, tin tưởng Luật Thủ đô (sửa đổi) khi được Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ hội cho Hà Nội phát triển toàn diện, trong đó điểm nhấn là sự phát triển đột phá của các giá trị văn hóa trên mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến.

Luật Thủ đô (sửa đổi): Kỳ vọng sự phát triển đột phá của các giá trị văn hóa - Ảnh 1.

Hình minh họa

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến được trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua. Dự Luật này đã thể chế hóa một số cơ chế đặc thù mới nhằm giúp Hà Nội bảo tồn, phát huy bản sắc, giá trị văn hóa của Thủ đô.

Một nội dung quan trọng của dự Luật là chính sách phát triển, phát huy giá trị văn hóa Hà Nội. Đó là những quy định góp phần xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; đưa văn hóa, con người Hà Nội trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững Thủ đô; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Tại Tọa đàm “Sửa Luật Thủ đô: Tạo cơ chế đặc thù, đột phá trong phát huy giá trị văn hóa” diễn ra mới đây, câu chuyện về sự tiên phong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, các chính sách đặc thù để đầu tư cho văn hóa, nhằm tạo phát triển vượt trội, mang tính dẫn dắt… được các chuyên gia nhiều lần nhấn mạnh.

Văn hóa Hà Nội chính là nguồn cảm hứng, là định hướng dẫn dắt sự phát triển của nền văn hóa đất nước

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Hà Nội luôn được xem là trái tim của cả nước, văn hóa Hà Nội chính là nguồn cảm hứng, là định hướng dẫn dắt sự phát triển của nền văn hóa đất nước, PGS. TS Bùi Hoài Sơn khẳng định, văn hóa là chính sách trọng tâm, điểm nhấn được đề xuất sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

“Chúng ta luôn tự hào về một Hà Nội ngàn năm văn hiến. Hà Nội cũng luôn có sự quan tâm đặc biệt dành cho văn hoá, một thế mạnh của Thủ đô" - nhấn mạnh điều này, ông Bùi Hoài Sơn cho rằng, khi xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), chúng ta cần có những cơ chế, chính sách vượt trội, phù hợp, ưu đãi để làm nổi bật hơn những đặc trưng này, để văn hóa Thủ đô trở thành "ngọn hải đăng" dẫn dắt.

Cũng theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, thời gian qua, Hà Nội đã ban hành nhiều Nghị quyết về văn hoá, trong đó nhấn mạnh xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hoá.

Trên thực tế, những quan điểm chỉ đạo của Hà Nội về văn hóa đã mang đến nhiều thành quả. Hà Nội đã tham gia vào thành viên Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO năm 2019, tham gia vào các không gian sáng tạo, các sự kiện công nghiệp văn hoá, chứng minh sự quan tâm của lãnh đạo thành phố đối với văn hoá, tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển văn hoá…

Về tiềm năng di sản đồ sộ, khối tài sản vô giá mang đến những cơ hội khai thác, phát huy giá trị văn hóa riêng của Hà Nội, ông Trương Minh Tiến - Chủ tịch Hiệp hội CLB UNESCO TP. Hà Nội cho rằng, với 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, đây chính là tài sản vô giá của Thủ đô và cả nước.

Theo ông Trương Minh Tiến, Thành phố cũng đã có nhiều chính sách bảo tồn di sản văn hóa. Tuy nhiên, ngoài chế độ chính sách đã có, để bảo tồn tốt hơn cho di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội cần có thêm chính sách đặc thù, vượt trội, chẳng hạn như chính sách ưu đãi đối với các nghệ nhân.

Hơn nữa, số lượng đội ngũ hoạt động, trình diễn nghệ thuật dân gian chưa được phong tặng danh hiệu rất lớn, trong Luật Thủ đô (sửa đổi), Sở VHTT cần tham mưu vấn đề chăm lo cho đối tượng này ở cơ sở, sẽ giúp gìn giữ, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể…

Ông Trương Minh Tiến cho rằng, cần có nhiều cơ chế đặc thù, đột phá để phát huy giá trị văn hóa được đưa vào Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Đồng thời tin tưởng, Luật Thủ đô (sửa đổi) khi được Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ hội cho Hà Nội phát triển toàn diện, trong đó điểm nhấn là sự phát triển đột phá của các giá trị văn hóa trên mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến.

Quan tâm đến công nghiệp văn hóa bằng chính các hoạt động hết sức cụ thể

Theo bà Phạm Thị Lan Anh - Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở VH&TT Hà Nội, xác định tầm quan trọng của xây dựng, phát huy sức mạnh mềm văn hóa trong phát triển tổng thể của Thủ đô, Hà Nội đã ban hành và triển khai nhiều nghị quyết chuyên đề, chương trình phát triển, phát huy giá trị văn hóa.

Rõ nét là các chủ trương, định hướng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Theo đó, mục tiêu của Hà Nội hướng đến phát triển bền vững dựa trên nguồn lực văn hóa mà Thành phố đã cam kết khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo.

Bà Lan Anh chia sẻ thêm, những quy định mới và điểm ưu đãi dành cho phát triển văn hóa đã được nêu trong một số điều của dự Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm tháo gỡ bước đầu cho vấn đề trọng tâm của TP Hà Nội trong phát triển công nghiệp văn hóa.

Cũng theo bà Lan Anh, thành phố Hà Nội đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Vì vậy, dự Luật này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc để thúc đẩy giúp Hà Nội sớm đạt được mục tiêu đã đề ra.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, mong muốn Hà Nội trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa cả nước là có cơ sở. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng trở thành 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước. Chính vì thế, chúng ta mong muốn cụ thể hóa nội dung này vào trong Luật Thủ đô.

Theo ông Bùi Hoài Sơn, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, chắc chắn sẽ tháo gỡ những vướng mắc về quy định pháp luật. Ví dụ như phát triển công nghiệp văn hóa, vai trò của thành phần tư nhân vô cùng quan trọng, Nhà nước chỉ giữ vai trò điều tiết, tạo hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi, thông thoáng. Còn tổ chức các hoạt động cụ thể phải do cả thành phần tư nhân, Nhà nước không thể nào làm hết được và cũng không nên làm. Trong chủ trương, Nhà nước chỉ làm những gì mà tư nhân không làm, Nhà nước đóng vai trò điều tiết thôi, ví dụ như chính sách đối với nghệ nhân mà tư nhân không tham gia, thì Nhà nước cần phải điều tiết.

Hay trong lĩnh vực điện ảnh, có các loại phim về thị trường, nhiều nhà sản xuất tư nhân đã vào cuộc, thì những phim tuyên truyền về kỷ niệm, Nhà nước phải đứng ra làm để tạo ra sự đa dạng, cân bằng cho điện ảnh. Từ sự đa dạng, phong phú của các loại hình nghệ thuật đó, có sự tham gia của cả Nhà nước và tư nhân, chúng ta mới tạo ra một môi trường hỗ trợ cho sự phát triển công nghiệp văn hóa - đó là những cái chúng ta cần phải giải quyết.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, cần phải đưa ra các chính sách phù hợp, Nhà nước làm gì, làm đến đâu, tư nhân làm gì, làm đến đâu, nhà nước hỗ trợ gì cho tư nhân phát triển... và các chính sách này phải cụ thể bằng các quy định pháp luật, không thể chỉ dừng lại ở lời nói.

"Chúng ta quan tâm đến công nghiệp văn hóa bằng chính các hoạt động hết sức cụ thể; từ đó sự phát triển của công nghiệp văn hóa mới trở nên bền vững được, không chỉ dừng lại ở phong trào nữa. Trong đó, giai đoạn đầu tiên, vai trò của Nhà nước rất lớn, chúng ta tạo ra vốn, tạo ra sự định hướng, tạo ra hành lang pháp lý để trên cơ sở đó chúng ta mới huy động được sự tham gia của các thành phần tư nhân.

Tuy nhiên, đây chỉ là giai đoạn đầu tiên, còn giai đoạn sau này, để bền vững, chúng ta phải có sự tham gia của thành phần tư nhân vào đó, Nhà nước không thể làm mãi được. Chính vì thế, sự tham gia của thành phần tư nhân vào phát triển công nghiệp văn hóa sẽ đảm bảo cho sự phát triển văn hóa của chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn và bền vững hơn" - ông Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm./.

NỔI BẬT TRANG CHỦ