• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lục bát - Ngôi làng thiêng cho nghệ thuật thơ

08/11/2008 02:34

(Toquoc)- Cuộc thi bình chọn 99 bài thơ lục bát hay của thế kỷ XX do báo Điện tử Tổ Quốc tổ chức đã kết thúc. Với 3.687 bài dự thi của các tác giả ở nhiều độ tuổi từ khắp mọi miền đất nước chứng tỏ thơ Lục bát vẫn dành được sự quan tâm và có chỗ đứng trong lòng người yêu thơ.

(Toquoc)- Cuộc thi bình chọn 99 bài thơ lục bát hay của thế kỷ XX do báo Điện tử Tổ Quốc tổ chức đã kết thúc. Với 3.687 bài dự thi của các tác giả ở nhiều độ tuổi từ khắp mọi miền đất nước chứng tỏ thơ Lục bát vẫn dành được sự quan tâm và có chỗ đứng trong lòng người yêu thơ.

Nhân tổng kết và trao giải cuộc thi, PV báo Điện tử Tổ Quốc thực hiện một cuộc trao đổi quan điểm và tìm hiểu ý nghĩa của thơ Lục bát trong dòng chảy văn học đương đại với hai tác giả đoạt giải: ông Phạm Hoài Ngọc (Giải nhất) và nhà thơ Đỗ Trọng Khơi (Giải nhì).

 

PV: Đây là một cuộc thi bình chọn thơ lục bát thế kỷ XX chứ không phải là một cuộc thi sáng tác như nhiều cuộc thi đã và đang diễn ra trên khắp cả nước, vậy lý do ông tham dự cuộc thi của báo Điện tử Tổ Quốc?


Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi

Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi: Trước đây đã có tuyển thơ Lục bát Việt Nam xuất bản và tuyển tập này cũng đã được sự đón nhận nồng hậu của bạn đọc. Nay báo Điện tử Tổ Quốc làm tuyển mới  lại cho bạn đọc gần xa tham gia bình chọn, là cách rất hay. Hy vọng với cách tuyển chọn này sẽ đạt được hai điều, tính chuyên nghiệp và tính phổ quát. Tôi nghĩ, mọi sáng tác nghệ thuật mà đáp ứng được cả hai yêu cầu vậy thì quý lắm. Sức sống, sự ảnh hưởng của nó sẽ mạnh mẽ hơn, lâu bền hơn. Tôi đã vui vẻ tham gia và còn cổ vũ bạn bè tham gia bình chọn.

Phạm Hoài Ngọc: Tôi tham gia cuộc thi một cách tình cờ, khi bố tôi đang sưu tầm tư liệu để tuyển chọn tôi mới biết thể lệ cuộc thi và khi thi cũng không nghĩ mình cố gắng đoạt giải mà chỉ mong muốn nhờ diễn đàn này bày tỏ tình yêu của mình với cốt cách và tinh thần của cha ông mà thôi.

PV: Trong quá trình tham dự cuộc thi ông gặp những thuận lợi và khó khăn gì để có thể tìm được các bài thơ lục bát của cả một thế kỷ đã qua?

Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi: Thuận lợi thì có đấy. Là người làm thơ, tôi hay nhận được các sáng tác thơ mới do bạn bè gửi tặng. Và từ lâu tôi cũng có một số tuyển tập thơ trong tay.

Điểm khó khăn là tôi không có được đọc nhiều các sáng tác của các tác giả ở xa quê Thái Bình, các tác giả trẻ. Nên chắc chán còn nhiều những bài thơ Lục bát hay mà tôi không được biết tới.


Ông Phạm Hoài Ngọc

Phạm Hoài Ngọc: Tuy tôi sinh ra trong gia đình không có ai làm văn học nghệ thuật nhưng lại có nhiều người yêu  văn thơ, bạn bè của gia đình cũng vậy. Ông nội tôi là thầy đồ làng, trong di cảo có bài thơ lục bát rất đặc sắc, trong đó mỗi câu thơ đều có tên một loài vật, nói về tâm trạng của mình sau sửa sai cải cách ruộng đất. Bố tôi mặc dù xuất thân là bác sĩ y khoa nhưng rất yêu văn học, từ khi nghỉ hưu ông tham gia nhiều Câu lạc bộ Thơ ở địa phương và Trung ương, ông có nhiều bài thơ đăng báo và đã xuất bản 2 tập thơ. Còn mẹ tôi thường đem đến những lời ru cho anh em tôi bằng thơ Kiều, thơ Nguyễn Bính, thơ Tố Hữu… Tất cả những thứ đó có lẽ là nguồn sữa mát nuôi lớn tâm hồn chúng tôi.

Khó khăn lớn nhất là có nhiều bài thơ lục bát hay mà lại chỉ được chọn có 99 bài thôi. Những bài hay vượt qua thời gian thì dễ tìm, còn những bài thơ đương đại thì thật khó. Lẽ thứ nhất không biết có bài thơ nào hay mà mình chưa biết không? Lẽ thứ hai bởi chưa có sự “trợ giúp” của người hâm mộ, sự sàng lọc qua thời gian.

PV: Cảm nhận của ông về thơ lục bát, có gì khác so với các thể thơ khác?

Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi: Từ bé tý tôi đã được tập hát í ì i... các điệu chèo, chầu văn mà ca từ của các bài ca này hay được viết theo câu 6 - 8. Và có thể nói, tác phẩm thơ hay nhất của thơ Việt cho đến nay vẫn là Truyện Kiều - thể lục bát. Các tác giả xuất sắc của nền thơ thế kỷ XX Việt Nam, như Nguyễn Bính, Huy Cận, Tố Hữu, Hồ Dzếnh, Trần Huyền Trân, Bùi Giáng, Nguyễn Duy v.v... thì có thể xem phần sáng tác thơ Lục bát là phần quan trọng làm nên sự nghiệp. Vì vậy có thể nói, thơ lục bát là tiếng nói nghệ thuật rất thân gần, phù hợp với giọng điệu tâm hồn người Việt. Đặc biệt người sống ở các miền quê, người mang vóc tình đậm chất quê. Về điểm này các tác phẩm thơ thành công ở các thể loại thơ khác khó so bì được.

Phạm Hoài Ngọc: Cảm nhận về thơ lục bát so với các thể thơ khác đó là một thể thơ dễ làm và khó hay. Đối với riêng tôi, tôi thấy hình như chỉ riêng lục bát là thuần Việt, nó không chịu ảnh hưởng của nền văn học nước ngoài nào mà lại hay, lại mới. Hoá ra cái mới không phải cứ từ nơi khác đến, cái mới ở trong tâm hồn mình, ở trong tinh hoa của cha ông.

Một điều nữa, thơ lục bát vừa có trong văn học dân gian vừa có trong văn học bác học, chính điều đó có lẽ đã làm nên sức trường tồn của nó. Có thể khẳng định thơ lục bát không bao giờ cũ, chúng ta đã thấy lục bát của Nguyễn Du vẫn rất hay và mới trong thời đại của mình.

PV: Kết quả được công bố, bạn đọc hơi tò mò và bất ngờ vì nhiều giải thưởng cao dành cho tác giả Thái Bình. Vậy ông có thể cho độc giả biết các hoạt động thơ của địa phương cũng như trên cả nước tác động đến ông như thế nào?

Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi: Người Thái Bình được nhiều giải trong cuộc bình chọn này, có lẽ do đôi ba lý do. Vì có nhiều người Thái Bình còn yêu thích thơ và thơ Lục bát chăng? Tôi thấy, một số vùng đất khác tác giả sáng tác thơ Lục bát hay, còn hay hơn cả tác giả người Thái Bình nữa, nhưng người tham dự thi để được giải lại không có nhiều, vì họ chưa biết đến có cuộc thi này, cũng có lẽ họ bận công việc nên chỉ đứng từ xa xem xét thôi.

Tôi có quan hệ bạn bè với nhiều cây bút ở nhiều địa phương khác. Chúng tôi hay gặp gỡ, thư từ, hay gọi điện cho nhau. Với tôi, bạn bè cũng là những người thầy, là trường học. Tôi học được nhiều từ họ. Ông Nguyễn Minh Châu bảo: “Mỗi người bạn là một cánh cửa mở ra với cuộc đời”. Thật đúng với tôi.

Phạm Hoài Ngọc: Tuy không phải là người của văn chương nghệ thuật, tôi làm nghề dạy học, cũng không dạy văn mà dạy môn tự nhiên. Tuy thế tôi rất quan tâm đến đời sống văn học. Những tác động trực tiếp cụ thể thì chẳng biết nói thế nào, nhất là nói từ đâu? Chỉ có thể nói rằng mặc dù chưa tham dự Ngày thơ nào tại Văn Miếu nhưng hoạt động tinh thần ấy đã khích lệ chúng tôi rất nhiều, ngoài ra chương trình tiếng thơ của Đài tiếng nói Việt Nam cũng vậy.

Còn ở Thái Bình, thì dù không tham gia CLB Thơ địa phương nào nhưng ở Đông Hưng là quê hương và Hưng Hà là nơi công tác đều có CLB Thơ sinh hoạt đều đặn. Bố tôi, ông Phạm Minh Trâm là một trong những người sáng lập CLB Thơ Đông Hưng và thành viên tích cực của cuộc thi tuyển chọn này.

Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, nơi có các nhà thơ, nhà văn: Đỗ Trọng Khơi, Nguyễn Long, Tống Trung, Đặng Thành Văn… là nguồn động viên, khích lệ, hướng dẫn chúng tôi trong các hoạt động văn học. Tôi rất vui khi biết Thái Bình có nhiều người được giải trong cuộc thi này, điều đó cũng trở thành động lực đưa chúng tôi gần nhau hơn nữa trong sinh hoạt văn nghệ và trong cuộc sống.

PV: Cuộc thi 6+8=99 đã góp phần tôn vinh giá trị của thể thơ Lục bát từng có thời được coi là “quốc hồn quốc túy” của thơ Việt, đánh thức văn hóa đọc thơ vốn đang dần bị lãng quên trong giới trẻ ngày nay. Ý kiến của ông như thế nào về nhận định này?

Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi: Như tôi, một người quanh năm chỉ ở làng quê ấy vậy mà bên cạnh giường bệnh Internet cũng đã vào tận nơi rồi. Hàng ngày tôi vẫn thường đọc thơ văn qua mạng, thú là đọc được cả những tác phẩm hót nhất nữa chứ. Nhưng để đọc kỹ, đọc thưởng thức lấy cái hay thực sự sâu sắc của thơ văn thì nhất khoát cứ phải đọc bằng mắt, bằng chữ in trên giấy. Có một quyển Kiều in trên giấy để đầu giường vẫn thú hơn có Lục bát Kiều chấm com chứ... Chả riêng tôi nghĩ vậy đâu.

Phạm Hoài Ngọc: Chúng tôi rất cảm ơn báo Điện tử Tổ Quốc đã có sáng kiến tổ chức cuộc thi bình chọn 99 bài thơ lục bát hay này. Nhờ có sáng kiến ấy, chúng tôi có dịp bộc lộ tình yêu dân tộc một cách cụ thể và thiết thực. Cũng là dịp để một trong những giá trị văn hoá dân tộc được khẳng định sức sống của mình, nhất là trong thời đại các phương tiện nghe nhìn đang chiếm ưu thế. Tôi mong rằng với vị thế của mình, báo Điện tử Tổ Quốc trong tương lai sẽ có nhiều sáng kiến góp phần cổ vũ, khơi dậy trong lòng người đọc những tình cảm lành mạnh, trong sáng qua những hoạt động tìm về cội nguồn như thế này.

PV: Theo quan điểm của ông thì thơ Lục bát có vị trí như thế nào trong đời sống văn học đương đại, khi nhiều nhà thơ thành danh và các cây bút trẻ đang đi tìm cho mình những phong cách riêng như hiện đại, thậm chí hậu hiện đại mà không đi theo thể thơ truyền thống lục bát?

Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi:  Để viết được bài Lục bát hay vẫn là mơ ước, là thách thức với mọi cây bút, cả già lẫn trẻ. Sáng tác theo các hình thức thể hiện ngôn ngữ thơ khác, như thơ tự do, hiện đại, ở cách thể hiện thơ này dung lượng và độ mở của hình thức dễ cho việc chuyển tải ý tưởng, khả năng khái quát, cả việc đưa chi tiết đời thường vào thơ. Và thơ hiện đại còn có một thế mạnh lớn là dễ dịch ra tiếng nước ngoài. Tuy vậy, theo tôi thơ Lục bát vẫn có vị trí quan trọng trong nền thơ Việt Nam. Thơ Lục bát đã và sẽ tồn tại làm một chiếc nôi, một ngôi làng thiêng cho nghệ thuật thơ - tiếng Việt cư trú.

Phạm Hoài Ngọc: Theo tôi thơ hay không phải do thể loại. Trong thực tế có rất nhiều thơ lục bát hay, không phải chỉ trong quá khứ mà ngay cả trong thời điểm hiện nay. Không chỉ với các đề tài tình yêu, tình cảm quê hương, đất nước ngay cả các đề tài mang tính thời sự trong thời gian qua thể thơ lục bát cũng có nhiều bài hay và mới. Ở Thái Bình có rất nhiều người tìm đọc và thuộc bài thơ Thường dân của nhà thơ Nguyễn Long, đó là một minh chứng. Tất nhiên sự cách tân về hình thức cũng là một xu thế trong hành trình kiếm tìm bản ngã của mình.

Việc sáng tạo, theo tôi không giống ai cả, vì nếu giống nhau thì còn gì là sáng tạo nữa. Nếu trên phương diện người đọc, tôi chỉ yêu những bài thơ hay, rồi sau đó mới có thể tìm hiểu ai là người sáng tác ra nó, nó có thể thức, vần điệu gì. Và như vậy theo tôi - mượn cách nói của tiền nhân thì: Lục bát còn thì Tiếng Việt còn, Tiếng Việt còn thì nước ta còn. Tôi nhấn mạnh rằng không những chỉ còn mà sẽ rất hay, rất độc đáo trong nền văn minh nặng tính kỹ trị sau này.

 

Xin cảm ơn các ông đã tham gia cuộc trò chuyện văn thơ ý nghĩa này.

 

HIỀN NGUYỄN (thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ