(Tổ Quốc) - Sau văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhằm tháo gỡ cho việc lưu thông phương tiện qua lại các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng, hai Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế hôm nay đã tiếp tục đề nghị các địa phương tạo thuận lợi cho lưu thông phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xe đưa đón công nhân, chuyên gia.
- 25.07.2021 Không thực hiện kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm
- 24.07.2021 Hình ảnh phương tiện xếp hàng dài tại cửa ngõ phía Nam Thủ đô
- 24.07.2021 Hà Nội ngày đầu giãn cách xã hội: 100% phương tiện phải quay đầu tại 22 chốt kiểm soát cửa ngõ, các xe không thuộc "luồng xanh" phải thay đổi lộ trình
Bộ Giao thông vận tải đề nghị địa phương quan tâm chỉ đạo
Sáng sớm nay 27/7, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương về việc tạo thuận lợi cho phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xe đưa đón công nhân, chuyên gia được lưu thông thuận lợi khi đi, đến hoặc đi qua khu vực thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Theo đó, Bộ này đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương thống nhất chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện trường hợp các phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu, vận chuyển công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp đã được cấp Giấy nhận diện phương tiện có mã QRCode còn hiệu lực, người điều khiển phương tiện có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với Sars-Cov-2 còn giá trị trong vòng 72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm, lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát không kiểm tra các phương tiện này khi lưu thông qua chốt theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại Văn bản số 1015 mới đây.
Trường hợp các phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu, vận chuyển công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp chưa được cấp kịp thời Giấy nhận diện phương tiện có mã QRCode nhưng người điều khiển phương tiện này đã có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với Sars-Cov-2 còn giá trị thì lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát cho xe lưu thông qua chốt sau khi đã kiểm tra Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính.
Việc bố trí các chốt kiểm soát được tổ chức thành nhiều điểm, các điểm có khoảng cách và diện tích phù hợp, lực lượng chức năng thực hiện phân loại phương tiện để đưa vào kiểm soát tại từng điểm, không kiểm tra phương tiện trên đường để đảm bảo tuyệt đối không ùn tắc giao thông trên tuyến.
Các đơn vị chức năng của địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải tại các đầu mối hàng hóa, điểm đi, điểm đến.
Văn bản của Bộ Giao thông vận tải cũng nêu, đây là vấn đề cấp bách, cần có sự đồng thuận của UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, Bộ đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương quan tâm chỉ đạo.
Cũng trong sáng 27/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã ký công văn hoả tốc yêu cầu các địa phương thực hiện xét nghiệm test nhanh Covid-19 đối với lái xe để hàng hoá lưu thông.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, TP chỉ đạo tiếp tục phân bổ test nhanh kháng nguyên đã nhận cho các địa phương để lấy mẫu, xét nghiệm cho người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hoá theo hướng dẫn tại công văn số 5753 ngày 19/7/2021 của Bộ Y tế về việc xét nghiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho người vận chuyển hàng hoá.
Sở Giao thông vận tải phối hợp với Sở Y tế các tỉnh, thành phố và địa phương, chỉ đạo tổ chức lấy mẫu xét nghiệm và chứng nhận kết quả xét nghiệm Sars-Cov-2 cho người điều kiện phương tiện vận chuyển hàng hoá tại các địa phương.
Giấy chứng nhận âm tính có thể bằng test nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR được thực hiện trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu.
Vẫn còn nhiều khúc mắc, chưa…"thông"
Những ngày qua, một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng khiến việc lưu thông phương tiện chở hàng hóa thiết yếu, chở cán bộ, công nhân viên, lao động, phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu… gặp nhiều khó khăn.
Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc điều phối vận tải hàng hóa bởi mỗi địa phương quy định một kiểu, nơi chấp nhận mẫu test Sars-Cov-2, nơi yêu cầu xét nghiệm PCR, nơi thực hiện cách ly 14 ngày với tài xế nếu đi từ Hà Nội về…
Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, sau khi có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, doanh nghiệp rất ghi nhận sự tích cực của TP Hà Nội và Tổng cục Đường bộ đã có hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải như quy định rõ điều kiện ra-vào TP Hà Nội, hướng dẫn các cung đường tránh, nên tình trạng tắc nghẽn ở Hà Nội đã cơ bản được giải quyết.
Tuy nhiên, sáng 27/7 doanh nghiệp phản ánh, vẫn còn tình trạng tắc từ hướng Vĩnh Phúc về Hà Nội tầm 10km, vì nhiều xe không có QR code "luồng xanh" (do việc đăng kí trên hệ thống đang trục trặc bởi mạng quá tải) nên bị các chốt chặn không cho đi, mặc dù đây chỉ là nhóm xe đi qua Hà Nội và đã có hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải đêm qua về việc tạm bỏ đăng kí luồng xanh.
Một ví dụ khác doanh nghiệp vừa phản ánh, xe từ Hải Phòng lên Hà Nội chở nguyên liệu vải sản xuất khẩu trang, đồ sơ sinh, đủ giấy tờ nhưng phía Hà Nội bắt quay đầu xe vì cho rằng vải không phải hàng thiết yếu.
Hoặc xe có thẻ QRCode "luồng xanh", lái xe có xét nghiệm PCR 48 giờ đi từ Nội Bài, Hà Nội về trả hàng tại Hải Phòng nhưng Trạm kiểm dịch Quán Toan (QL 5A) không cho thông chốt với lý do, vào Hải Phòng sẽ bị đi cách ly. Cho tới sáng nay, sau khi có nhiều kiến nghị, Hải Phòng mới cho thông xe…/.