• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lý do sếp ngân hàng “thoát” án vụ Phạm Công Danh

Kinh tế 27/11/2017 20:36

(Tổ Quốc) - Cơ quan điều tra đã có kiến nghị kiểm điểm và xử lý hành chính đối với cán bộ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) liên quan kể trên.

Theo tin từ Vietnamnet, VKSND tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố các bị can trong vụ sai phạm xảy ra tại các ngân hàng: Xây dựng (VNCB), Sacombank; Tiên Phong; BIDV.

(Nguồn: Vietnambiz)

Theo cáo trạng, khi thực hiện đề án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín (sau đổi tên là NH Xây dựng - VNCB), do không có tiền để tăng vốn điều lệ, tháng 9/2013, Phạm Công Danh (Chủ tịch HĐQT VNCB) đã đến NH BIDV gặp 2 lãnh đạo cấp phó để đặt vấn đề về việc Danh giới thiệu sang BIDV các DN muốn vay vốn kinh doanh vật liệu xây dựng.

Trường hợp khách hàng do Danh giới thiệu không đủ tài sản đảm bảo, VNCB sẽ hỗ trợ dùng tài sản của mình để cầm cố, thế chấp, đảm bảo khoản vay.

Sau khi nhận được cái gật đầu của lãnh đạo BIDV, Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới dùng chính những công ty do Phạm Công Danh thành lập, nhờ nhân viên bảo vệ, lái xe của tập đoàn Thiên Thanh hoặc người nhà của các nhân viên này đứng tên Giám đốc để ký hồ sơ vay.

Dù biết rõ 12 công ty trên không có bất kỳ hoạt động kinh doanh gì, nhưng theo chỉ đạo của Phạm Công Danh, cấp dưới đã lập khống hồ sơ vay vốn cho 12 công ty để nộp cho BIDV.

Phạm Công Danh là người quyết định dùng tài sản đảm bảo gồm 6 lô đất SVĐ Chi Lăng ở Đà Nẵng, đất tại đường Trường Chinh (Đà Nẵng) và 3.070 tỷ đồng tiền gửi của VNCB tại BIDV để bảo lãnh các khoản vay và được BIDV chấp thuận giải ngân vay với tổng số tiền 4.700 tỷ đồng.

Và toàn bộ tiền vay đều được giải ngân chuyển vào tài khoản 4 công ty cung cấp vật liệu xây dựng đầu vào cho 12 công ty vay vốn.

Thực tế, sau khi vay 4.700 tỷ đồng của BIDV, các công ty vay vốn đều không kinh doanh theo phương án vay nợ. Phạm Công Danh khai, số tiền 4.700 tỷ đồng sau đó được dùng để tăng vốn điều lệ cho VNCB, đem trả nợ, dùng để chăm sóc khách hàng và trả lãi các khoản vay của BIDV.

Liên quan đến vụ án, cơ quan điều tra cho rằng, một số cá nhân và cán bộ của BIDV tuy có các sai phạm, nhưng kết quả giám định về thiệt hại không xảy ra tại BIDV.

Hơn nữa, chưa đủ căn cứ xác định những người trên có vai trò đồng phạm với Phạm Công Danh vì không có tài liệu, chứng cứ, lời khai nào cho thấy những người liên quan này biết các công ty vay vốn tại BIDV là do Danh thành lập, điều hành...

Vì vậy, ngày 26/10/2017, Cơ quan điều tra đã có kiến nghị kiểm điểm và xử lý hành chính đối với cán bộ BIDV liên quan kể trên./.

Hà Giang 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ