• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lý giải sức hấp dẫn của hài kịch “Lão Hà tiện”

18/09/2017 07:00

(Cinet) - Dùng tiếng cười để “tiễn biệt” thói hư tật xấu trong xã hội, vở hài kịch “Lão Hà tiện” do các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn đã chiếm trọn tình cảm của khán giả thủ đô. Vậy điều gì đã làm nên sức hấp dẫn của vở diễn này?

(Cinet) - Dùng tiếng cười để “tiễn biệt” thói hư tật xấu trong xã hội, vở hài kịch “Lão Hà tiện” do các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn đã chiếm trọn tình cảm của khán giả thủ đô. Vậy điều gì đã làm nên sức hấp dẫn của vở diễn này?



“Lão Hà tiện” là một trong những kiệt tác của Molie – cha đẻ của hài kịch Pháp và từng xuất hiện trên khắp các sân khấu trên thế giới. Để làm mới một tác phẩm kinh điển như vậy, với NSND Tuấn Hải cùng các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam không phải là chuyện dễ dàng. Bởi làm thế nào để vẫn giữ được chất kinh điển, cao cấp nhưng lại vừa hấp dẫn và phù hợp với thị hiếu khán giả hiện nay thực sự là một bài toán khó.



Tiếng cười là vũ khí



Diễn xuất để lấy nước mắt khán giả đã khó nhưng việc chọc cười khán giả thông qua những tình tiết, nội dung quen thuộc là chuyện không đơn giản.

Diễn viên Mai Nguyên trong vai diễn Arpagon

Sân khấu hài kịch lấy tiếng cười để đả kích, chế diễu những thói hư tật xấu, một cách rất nhẹ nhàng và vui vẻ. Tiếng cười chính là “vũ khí” để đạo diễn và các nghệ sĩ tấn công vào những cái rởm đời hợm hĩnh, lố bịch điên rồ, tấn công vào những cái “lệch chuẩn”. Và họ cũng dùng chính tiếng cười để chia tay với các tật xấu, chia tay với cái lạc hậu, chậm tiến.



Trở lại với “Lão hà tiện”, đây là một trong những kịch bản mẫu mực của sân khấu quốc tế. Vở diễn đã “ăn điểm” đầu tiên bởi sự “nắn nót” từ ngôn ngữ đến cách thoại để lôi cuốn khán giả. Cái khó ở đây chính là sự cản trở bởi ngôn ngữ cách biệt giữa phiên bản gốc và phiên bản tiếng Việt. Phải làm sao cho dù là tiếng Việt nhưng vẫn phải ra phong cách châu Âu cũng như chất “Molie” trong đó. Thậm chí câu chửi vẫn là của Molie như “mày là thằng chết đâm, chết chém, chết treo…”



Phải khẳng định, tiếng cười ở “Lão hà tiện” là tiếng cười rất thâm thúy, cười trong ý tưởng, trong sự châm biếm thói lố lăng kệch cỡm. Khán giả phải hiểu,phải thấm thì mới cười, cười ở đây là cười sự lố bịch, cười thói dở hơi, cười sự điên rồ của những người thượng lưu giầu có nhưng bần tiện.



Do đó, đạo diễn NSND Tuấn Hải đã rất sáng suốt khi chọn cho mình phong cách trung thành với chủ nghĩa cổ điển châu Âu thế kỷ 17. Có nghĩa là không phá cách, không Việt Nam hóa. Muốn được như vậy quả là một kỳ công và tốn kém từ trang phục, âm nhạc, cảnh trí, đạo cụ và phương tiện sân khấu...



Âm nhạc, vũ đạo được “đo ni đóng giầy” cho từng lớp diễn



Âm nhạc do nhạc sĩ Phú Quang thực hiện quả thật là sự thành công của vở diễn. Vừa sang trọng vừa đúng chất kinh điển của âm nhạc thế kỷ 17, kể cả những đoạn khiêu vũ như van, tango, pasodop… nhưng cũng rất của Phú Quang bởi những tiết tấu sinh động, với những giai điệu đẹp. Âm nhạc đã được “đo ni đóng giầy” cho từng diễn biến của vở diễn.



Đặc biệt thú vị là hai ca khúc được Phú Quang viết riêng cho vở kịch trên nền thơ Lục bát, rất hiệu quả và hài hước:



Nào mời các người ra đây

Cho ta phân việc rồi vào làm ngay

Nào là quét dọn luôn tay

Nào là rửa bát rửa khay gọn gàng

Rồi con nấu cỗ thật sang

Tiền chi phải ít, thì càng lãi to…



Đó cũng chính là tư tưởng chủ đạo của Harpagon, kẻ quý tộc kệch cỡm, keo kiệt bủn xỉn đến mức ti tiện.

Hình ảnh trong vở diễn

Bên cạnh đó, biên đạo múa Vũ Đỗ Quang Minh – top 20 “so you think you can dance” cũng là biên đạo của nhạc kịch “Góc phố danh vọng” đã xây dựng các màn vũ đạo cho vở diễn.



Với các giới thượng lưu quý tộc,  Molie đánh vào thói dở hơi, dởm đời, kệch cỡm, được  dựng trên tiết tấu của các bản khiêu vũ cổ điển. Còn đối với tầng lớp lao động chân tay, là những người ăn, người ở thì thể loại nhạc sử dụng là hiphop và nhẩy múa bằng vũ điệu đường phố với tiết tấu nhanh, sôi động.



Phá cách để tăng tính hấp dẫn



Điểm mới của tác phẩm sân khấu Lão hà tiện là chuyển cảnh đều được “biểu diễn” lộ thiên, có nghĩa là không tắt đèn, dọn cảnh trước mắt khán giả. Nhưng có điều các diễn viên (Người làm, người ở) chuyển cảnh phải vừa làm vừa nhảy múa hoặc trên nền âm nhạc với tiết tấu khi nhanh khi chậm. Chuyển cảnh trong âm nhạc, diễn xuất và vũ đạo dưới ánh sáng mờ nhận được rất nhiều lời khen từ giới chuyên môn, đồng nghiệp và khán giả bởi sự mới mẻ, sinh động, thú vị mà nó mang lại.

Hình ảnh trong vở diễn



Về trang trí mỹ thuật, NSND Doãn Châu đã xây dựng một không gian lộng lẫy để diễn viên dựa vào đó “tung tẩy”. Mặc dù kịch bản quy định theo luật tam duy nhất, nghĩa là xảy ra ở một nơi, một chỗ và một thời gian. Theo luật cũ thì toàn bộ vở diễn đều xảy ra trong nhà của Arpagon, tuy nhiên trong “Lão hà tiện”, NSND Tuấn Hải  đã chuyển đổi không gian ở nhiều hồi khác nhau, tất nhiên vẫn là ở trong nhà của Arpagon.



Anh chia sẻ: “Mình xin được phá cách một tý”  bởi trong bối cảnh hiện nay với rất nhiều chương trình nghe nhìn đặc sắc, việc giữ nguyên một bối cảnh suốt toàn bộ thời lượng vở diễn 2 tiếng đồng hồ khiến công chúng khó “kiên nhẫn” ngồi yên để thưởng thúc nghệ thuật. NSND Doãn Châu đã vô cùng sáng tạo, bởi anh đã cho cảnh trí có thể quay các góc độ, lắp ghép được với nhau lúc xoáy, lúc thẳng, lúc tròn và tòa lâu đài hiện ra nguy nga trước con mắt người xem.



Diễn xuất quên mình của các diễn viên



Các chi tiết gây cười đắt giá của vở diễn đã đưa khán giả đến với nhiều cung bậc của tiếng cười. Cái hay của vở diễn là ở chỗ tạo tiếng cười vui vẻ nhưng không nhạt, không phản cảm. Như đoạn diễn tả sự ti tiện của Arpagon qua việc hắn giấu chìa khóa ở trong ba cái tráp được khóa chặt, Arpagon hét lên với ba cái tráp, hay cảnh Arpagon nằm trong hòm với ông môi giới cho vay tiền rồi lăn ra ngoài, lúc chui qua lỗ, lúc leo lên nóc nhà, lúc lại đu bay trên không …. Các trò diễn được gắn chặt vào các tình huống và xung đột kịch, để thể hiện bản chất của nhân vật.



Bên cạnh đó cũng không thể quên sự diễn xuất “quên mình” và có nghề của các diễn viên nhà hát trong toàn bộ vở kịch. Các nghệ sĩ đã không tiếc mồ hôi và công sức tập luyện, chuẩn bị, tất cả đều cố gắng đưa đến cho khán giả những sản phẩm đặc sắc, ấn tượng./.



Gia Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ