• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Lý luận Văn học”- Cuốn sách kinh điển của phê bình mới

05/08/2009 15:49

(Toquoc)- Cuốn sách là một trong những công trình lý luận văn học căn bản, do hai học giả nổi tiếng người Mỹ, René Wellek và Austin Warren viết, sẽ mang đến nhiều kiến thức cho nền lí luận của Việt Nam, mà trước hết, cuốn sách đó sẽ có tác động ít nhiều đến sinh hoạt lí thuyết văn học đương đại.

(Toquoc)- Cuốn sách là một trong những công trình lý luận văn học căn bản, do hai học giả nổi tiếng người Mỹ, René Wellek và Austin Warren viết, sẽ mang đến nhiều kiến thức cho nền lí luận của Việt Nam, mà trước hết, cuốn sách đó sẽ có tác động ít nhiều đến sinh hoạt lí thuyết văn học đương đại.


Cuốn sách kinh điển của phê bình mới

Một trong những công trình lí luận văn học căn bản có ảnh hưởng lớn trong các trường đại học Anh - Mỹ thập niên 50, 60 vừa được Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và Nhà xuất bản Văn học cho ra mắt. Cuốn sách này chủ yếu do TS Nguyễn Mạnh Cường dịch từ bản tiếng Nga, Tạ Hương Nhi dịch Lời giới thiệu phần V (chương XX) vốn chỉ có ở bản in tiếng Anh. PGS.TS. Trịnh Bá Đĩnh đã nâng cao chất lượng bản dịch để cuốn sách sớm đến được với độc giả Việt Nam. Ở bản dịch lần này, ngoài Lời nói đầu do GS.TS. Mai Quốc Liên viết và cấu trúc vốn có 5 phần của công trình, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học còn tuyển in thêm bài viết có tính phê phán của Viện sĩ A. Anikst, mở đầu cho bản in tiếng Nga.

Cuốn sách mà chúng tôi đề cập ở trên do hai học giả nổi tiếng người Mỹ, René Wellek và Austin Warren viết, mang tên Lý luận văn học, công bố lần đầu vào năm 1949 ở Mỹ. Sau đó nó nhanh chóng trở thành loại sách “kinh điển” trong sinh hoạt lí thuyết văn học thời phong trào Phê bình mới phát triển mạnh.

Lý luận văn học của Wellek và Warren không trình bày “những nguyên lí cảm thụ văn học cơ bản” mà hướng đến “những nghiên cứu có hệ thống về các thể loại văn chương, về phong cách học và nguyên lí phê bình văn học”. Người đọc có thể tìm thấy ở đó sự thống nhất giữa cái tĩnh tại của thi pháp học (lí thuyết văn học) và phê bình (sự định giá văn học) với sự vận động của học thuật (hay nghiên cứu) và lịch sử văn học.

Phần I của Lý luận văn học trình bày các định nghĩa và các sự phân định. Trước hết Wellek phân định hai khái niệm văn họcnghiên cứu văn học (chương I). Sau đó ông chỉ ra bản chất của văn học kết hợp với việc đề cập đến các phương pháp và tiêu chí có thể dùng để xác định cái bản chất đó (chương II). Cạnh đó Wellek còn đặt lại vấn đề chức trách của văn học (chương III). Wellek cho rằng: bất kì một loại nào cũng nhận được một chức trách phù hợp với bản chất, hay các thuộc tính khu biệt của mình và bản chất của hiện tượng này hay khác được xác định bởi chức trách của nó, chúng ta xét đoán một sự vật tuỳ theo chức năng mà nó có. Hai chương tiếp theo - chương IV, chương V tập trung mô tả giới hạn giữa các lĩnh vực nghiên cứu văn học. Wellek phân nhỏ ngành nghiên cứu văn học thành hai lĩnh vực riêng biệt và đưa ra các định nghĩa có cơ sở cho các lĩnh vực đó. Lĩnh vực thứ nhất gồm có: lý luận văn học, lịch sử văn học phê bình. Lĩnh vực thứ hai có: nghiên cứu văn học tổng quát, nghiên cứu văn học so sánh, lịch sử các nền văn học dân tộc.

Ở phần II của công trình, Wellek mô tả giai đoạn phân tích văn học sơ bộ. Ông nhấn mạnh đến các thao tác và nền tảng cần thiết của của bất kì một công trình nghiên cứu văn học nào, rằng người nghiên cứu văn chương không thể không chú trọng thu thập tư liệu và xác lập sự kiện. Có hai cấp độ của công việc chuẩn bị sơ bộ tư liệu: 1- khôi phục và chuẩn bị văn bản từ loại được in ấn đến bản thảo viết tay, và 2- giải quyết các vấn đề về mức trung thực, thời gian ra đời, tác giả và sự tham gia của các tác giả khác,...

Phần III của cuốn sách Lý luận văn học nêu các phương pháp nghiên cứu văn học từ bên ngoài. Bao gồm việc nghiên cứu văn học trong mối quan hệ với tiểu sử, tâm lý học, xã hội, tư tưởng và các nghệ thuật khác. Wellek và Warren khẳng định tiểu sử soi sáng cho tác phẩm nghệ thuật, tạo ra khả năng để giải thích được nó, tiểu sử còn cung cấp tư liệu để nghiên cứu một cách có hệ thống tâm lí của tác giả và bản thân quá trình sáng tác. Warren chỉ rõ, nghiên cứu văn học từ góc độ tâm lí học có nhiều nhiệm vụ, người nghiên cứu phải đi từ việc tìm hiểu quá trình sáng tác, phân loại tâm lí và các quy luật sáng tác các tác phẩm ngôn từ đến phân tích tâm lí nhân cách của nhà văn và nghiên cứu sự tác động của văn học đối với độc giả (tâm lí độc giả). Wellek ghi nhận cách tiếp cận xã hội học đối với việc nghiên cứu văn học rất phức tạp; người nghiên cứu chẳng những phải chỉ ra cội nguồn xã hội của văn học mà còn phải chỉ ra vị trí và ý nghĩa của văn học trong xã hội. Đối với Wellek, người nghiên cứu còn có thể tìm thấy ở văn học những tài liệu thuộc về lịch sử các tư tưởng, thuộc về triết học bởi vì lịch sử của văn học phản ánh lịch sử của trí tuệ và chúng phát triển song song với nhau; trong một ngữ cảnh thích hợp, rõ ràng tư tưởng triết học nâng cao giá trị nghệ thuật, tuy nhiên ở một số trường hợp nhất định nó có thể gây trở ngại cho người viết, chẳng hạn nếu tư tưởng đó không đan bện hữu cơ vào tấm vải nghệ thuật. Wellek đưa ra dẫn chứng sinh động về mối quan hệ tương hỗ biện chứng giữa văn học và các nghệ thuật khác, để nhấn mạnh rằng văn học thỉnh thoảng cũng có ý thức cố gắng đạt tới sự tác động mà hội hoạ hay âm nhạc gây được, thậm chí đôi khi thi ca còn muốn biến thành điêu khắc; văn học và các nghệ thuật khác có thể tiến triển đồng thời, theo đường thẳng song song hoặc đan chéo nhau chằng chịt; nhà nghiên cứu không chỉ nhằm vào xây dựng một hệ thống các khái niệm đặc trưng đối với mỗi nghệ thuật mà còn phải có một kĩ thuật phân tích mới, kĩ thuật này có thể được tạo nên bởi một sự dịch chuyển đơn giản đến lĩnh vực các nghệ thuật tạo hình… chứ không phải chỉ nương theo nguyên tắc “tinh thần thời đại định ra” chúng. Wellek và Warren không chỉ nêu tổng quan các lí thuyết khác nhau về văn học và về sự phân tích chúng từ “điều kiện bên ngoài”, mà còn phê phán mạnh mẽ một số quan điểm sai lầm, hoặc còn khiếm khuyết trong các trường phái và phương pháp luận trước đó. Và rõ ràng ở chỗ, Wellek và Warren đã phản bác quan niệm và phương pháp của chủ nghĩa thực chứng, của trường phái văn hoá - lịch sử hoặc của phương pháp tiểu sử học… Họ không tán đồng các phương pháp của khoa học tự nhiên, ở chỗ chỉ giải thích văn học bằng những điều kiện kinh tế, xã hội…

Phần IV - một phần quan trọng đặc biệt của cuốn sách - tập trung vào các bình diện nội tại của văn học. Wellek cho rằng, nhà nghiên cứu cần giải thích và phân tích tác phẩm văn học chứ không phải “nghiên cứu các điều kiện sáng tác tác phẩm”. Chính các tác phẩm biện giải cho sự quan tâm đến cuộc đời của tác giả của chúng, đến môi trường xã hội xung quanh họ, và đến quá trình phát triển của văn học nói chung. Nhận định đó của Wellek đã tái hiện được đúng đắn phương pháp và bước chuyển trọng tâm trong lịch sử nghiên cứu văn học, và cho thấy rõ ràng, cả Wellek và Warren đều không đề cao việc phân tích những nguyên nhân bên ngoài của văn học.

Trong các chương XII - XIX, hai tác giả của Lý luận văn học đã đụng chạm đến vấn đề “phương thức tồn tại của tác phẩm”; tiếp đó soi sáng các bình diện luật hài âm, nhịp điệu, vần luật trong một tổng thể nghệ thuật có ý nghĩa độc đố. Nói cách khác họ đã đề cập đến mối quan hệ hết sức chặt chẽ giữa văn học và ngôn ngữ. Wellek đề nghị, nhà nghiên cứu văn học cần xét đến các hiệu quả mĩ học của ngôn từ (tu từ học). Sự phân tích tu từ học có thể được thực hiện bằng hai cách: xem xét có hệ thống ngôn ngữ của tác phẩm, giải thích hệ thống đó trong mối liên hệ với nhiệm vụ mĩ học của tác phẩm và nghiên cứu tổng số các đặc điểm cá thể của hệ thống ngôn ngữ làm cho hệ thống này khác với các hệ thống khác. Song song với việc phân tích tu từ học, nhất thiết phải lưu ý đến phân tích phong cách học. Ở chương XV, Warren phân tích 4 thuật ngữ quan trọng (hình ảnh, ẩn dụ, biểu tượng, huyền thoại) và khẳng định “ngành nghiên cứu văn học cũ nghiên cứu hình ảnh, ẩn dụ, biểu tượng và huyền thoại chỉ từ bề ngoài… từ phía của mình - chúng ta cho rằng… trong ẩn dụ và trong huyền thoại nhiệm vụ và chức năng của văn học mới được bộc lộ. Phạm vi hoạt động của con người bao gồm cả tư duy ẩn dụ và tư duy huyền thoại”. Chương XVI, XVII phân tích tính chất và các loại trần thuật văn xuôi, các thể loại văn học. Chương XVIII của cuốn sách bàn về bản chất và chức năng, phương pháp và tiêu chí, nguyên tắc và sự đánh giá văn học. Chương XIX đề cập đến các quan niệm và phương pháp được tiến hành rất khác nhau trong việc mô tả “lịch sử văn học”. Quan điểm thứ nhất, đồng nhất lịch sử văn học với lịch sử đời sống xã hội, hoặc lịch sử tư tưởng xã hội, theo đó văn học trở thành sự minh hoạ, một tập hợp những ấn tượng và đánh giá về tác phẩm này hay khác, được sắp xếp theo trật tự biên niên. Quan điểm thứ hai xem văn học trước hết là nghệ thuật, nhưng lại không có một quan niệm rõ ràng, đúng đắn và đầy đủ về “tiến trình văn học”, do đó lịch sử văn học ở đây được mô tả qua các tiểu luận về các quan hệ của nhà văn này với nhà văn kia. Wellek tuyên bố, lịch sử văn học có nhiệm vụ chỉ ra quá trình giải thích, phân tích và bình giá tác phẩm văn học, đồng thời lại phải chỉ ra được sự phát triển của các tác phẩm nghệ thuật trong thành phần của các nhóm lớn và nhỏ, được lựa chọn theo một cơ sở chung nào đó (nguồn gốc, thể loại, kiểu phong cách, truyền thống ngôn ngữ chung) và cuối cùng bên trong sơ đồ của nền văn học chung. Lý luận văn học của Wellek và Warren khép lại bằng chương XX đề cập đến tình thế học thuật sau đại học ở Anh, Đức, Pháp, Mỹ và Nga.

Đến nay, cuốn Lý luận văn học (Theory of Literature) của R. Wellek và A. Warren đã được giới thiệu rộng rãi trên 20 quốc gia, riêng ở Liên Xô được tái bản đến 14 lần. Ở Pháp sau một số công trình của chủ nghĩa hình thức Nga được công bố rộng rãi, mãi đến năm 1971 cuốn sách của Wellek và Warren mới được giới thiệu, và điều này đã chứng tỏ rằng - Antoine Compagnon nói - ngành nghiên cứu văn chương Pháp đã tỏ ra quá chậm trễ. Ở Việt Nam, bản dịch tiếng Việt của cuốn Lý luận văn học còn đến chậm hơn rất nhiều so với yêu cầu của thực tiễn và bước đi của lí luận văn chương hiện đại. Song, cũng cần thấy rằng, sự lựa chọn cơ bản và việc làm thiết thực của TS. Nguyễn Mạnh Cường, Tạ Hương Nhi và PGS.TS. Trịnh Bá Đĩnh sẽ đem lại nhiều điều bổ ích cho nền lí luận của chúng ta, mà trước hết, tôi tin rằng, cuốn sách đó sẽ có tác động ít nhiều đến sinh hoạt lí thuyết văn học đương đại.

Trần Thiện Khanh

NỔI BẬT TRANG CHỦ