(Tổ Quốc) - Ma túy đang là một thách thức an ninh phi truyền thống hiện nay đối với các cơ quan, lực lượng bảo vệ an ninh trật tự, cũng như toàn xã hội.
Ma túy nói chung luôn là vấn đề cả thế giới quan tâm, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay với tình hình và diễn biến phức tạp, đặt ra những thách thức mới cho công tác bảo vệ an ninh trật tự xã hội.
Lực lượng chức năng phát hiện một cơ sở sản xuất ma túy (ảnh vov.vn) |
Diễn biến phức tạp
Gần đây trên thế giới cũng như ở Việt Nam, ngoài những loại chất gây nghiện cũ như heroin, ma túy tổng hợp, ma túy đá, đã xuất hiện nhiều loại ma túy dạng mới, như cỏ Mỹ, lá khát, bóng cười, kẹo, tem giấy có chứa chất LSD, muối tắm (cách thường gọi của loại ma túy có tên hóa học là mephedrone hoặc cathinone)… Cùng với đó là việc hình thành những đường dây lớn, buôn bán ma túy xuyên lục địa, xuyên quốc gia, thao túng kinh tế của nhiều nước trên thế giới.
Các đường dây vận chuyển ma túy vào Việt Nam được tổ chức ngày càng tinh vi, xuất hiện nhiều đường dây cũng như các cách thức vận chuyển tinh vi, táo tợn. Ngoài những loại hình ma túy truyền thống, còn xuất hiện việc buôn bán, vận chuyển nhiều chất gây nghiện, tiền chất của ma túy… khiến các cơ quan chức năng phải đau đầu. Tình hình phức tạp này là do Việt Nam là một cửa ngõ quan trọng của vùng Đông Nam Á, là nước có đường biên giới tiếp giáp Lào (là quốc gia có mặt trong vùng ‘tam giác vàng’) và Trung Quốc, nên khối lượng ma túy chuyển từ tam giác vàng qua Lào, Campuchia vào Việt Nam, sang Trung Quốc và ngược lại, luôn mang đến các mối lợi khổng lồ khiến các đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy tìm mọi cách để vượt qua hàng rào kiểm soát của Việt Nam.
Mặc dù thời gian qua các lực lượng chức năng của Việt Nam đã triệt phá nhiều đường dây ma túy nhưng có vẻ như càng triệt phá, càng ngăn chặn thì ma túy càng phát triển và tìm ra những con đường mới thâm nhập vào đời sống Việt Nam. Thêm vào đó là việc sản xuất ma túy từ các tiền chất đang được các đối tượng thực hiện một cách dễ dàng. Thực tế này luôn khiến các cơ quan chức năng phải đặt câu hỏi làm sao để cuộc chiến với ma túy có hiệu quả, làm sao để triệt phá các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy cũ và mới xuất hiện, làm sao để cảnh tỉnh những đối tượng luôn sẵn sàng liều mình với những mối lợi do ma túy mang lại…
Qua thực tế đấu tranh với loại tội phạm này của các lực lượng chức năng, mặc dù các lực lượng chức năng cũng đã tập trung lực lượng và đã có những giải pháp nghiệp vụ sắc sảo, các phương pháp tốt, bắt được nhiều vụ, các lực lượng công an, biên phòng, hải quan, cảnh sát biển, hàng năm trung bình bắt được khoảng 20.000 vụ án, xử lý trên 30.000 đối tượng vi phạm luật pháp, nhưng việc phát hiện đối tượng vi phạm và việc đấu tranh ngày càng tăng lên.
Tem giấy- một loại ma túy mới xuất hiện ở Việt Nam (ảnh Pháp luật TP.HCM) |
Tìm mọi cách giảm thiểu nhu cầu sử dụng
Trước thực trạng này, cần phải đặt công tác tuyên truyền, phòng chống ma túy lên đầu. Để làm tốt công tác phòng chống ma túy thì hệ thống chính trị bao gồm các cấp ủy đảng, chính quyền các ngành, các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ như công an, biên phòng, cảnh sát biển, hải quan cùng các ngành khác phải tăng cường kiểm soát ma túy bằng cách bố trí lực lượng, bố trí phương tiện, đào tạo bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ… làm giảm nguồn cung ma túy cũng như giảm thiểu nhu cầu sử dụng ma túy, khiến số người sử dụng ma túy phải giảm đi; công tác vận động, cai nghiện tại cộng đồng phải tổ chức một cách hiệu quả, cai nghiện trong trung tâm, hệ thống chính trị phải có trách nhiệm mới có thể hy vọng giảm được số người nghiện…
Hàng năm các cơ quan chức năng, các lực lượng phòng chống tội phạm ma túy đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc giải quyết tệ nạn này song, số người nghiện ma túy vẫn tăng và số đối tượng tái nghiện cao. Vì vậy, để giảm đối tượng nghiện và tái nghiện thì đầu tiên vẫn cần phải tăng cường các biện pháp, công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng, qua các hệ thống chính trị, nâng cao trách nhiệm của những người có chuyên môn, các cơ quan chức năng… cùng đó là việc tổ chức các cơ sở chữa bệnh tập trung phù hợp hơn, có như vậy thì công tác xử lý, cai nghiện đối với những người nghiện ma túy mới có tác dụng.
Tiếp đó là cần phải nghiên cứu, ngăn chặn, xử lý kịp thời những kẽ hở của pháp luật mà các đối tượng lợi dụng và chuyển các chất gây nghiện, các chất hướng thần, tiền chất và hóa chất sản xuất ma túy vào Việt Nam. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đề nghị sửa đổi bổ sung pháp luật, như Bộ Công an đang kiến nghị sửa một số nội dung trong Luật Hình sự, Luật Xử phạt hành chính, Luật phòng, chống ma túy, đặc biệt là Nghị định của Chính phủ về danh mục chất ma túy và tiền chất… cho phù hợp với thực tế. Trước tiên là Nghị định 126/2015/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung danh mục các chất ma túy và tiền chất, ban hành kèm theo nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất) quản lý 250 chất ma túy và tiền chất, thế nhưng thế giới đầu năm 2017 đã có hơn 400, vì vậy cần phải nghiên cứu và bổ sung thêm vào danh sách này các chất ma túy, tiền chất ma túy, hướng thần mới mới vào quản lý, từ đó mới có cơ sở để quản lý, xử lý những loại ma túy mới xuất hiện.
A.Toàn (t/h)