(Tổ Quốc) - Sáng 9/5, tại Trung Tâm Hội nghị quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam 2019 với chủ đề Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm quan một số doanh nghiệp khởi nghiệp bằng ứng dụng công nghệ
Qua 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên mọi lĩnh vực nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và còn nhiều khó khăn, hạn chế. Động lực tăng trưởng dựa vào tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ, tăng vốn đầu tư...không còn nhiều dư địa trong nền kinh tế số. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn hiện hữu.
Vì vậy, để thực hiện mục tiêu năm 2030 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao, Việt Nam có nền kinh tế hiện đại, năng động, phát triển nhanh, bền vững, độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế rất cần có động lực tăng trưởng mới có tính đột phá.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Diễn đàn
Thực hiện Nghị quyết phiên họp Chính phù thường kỳ tháng 03/2019, để góp phần phát triển các giải pháp đột phá phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam 2019.
Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam 2019 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chỉ đạo.
Với chủ đề: "Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường" và với khẩu hiệu hành động "Make in Vietnam", Diễn đàn Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức sẽ là một khởi đầu quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ, sớm hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển.
Diễn đàn tập trung vào các nội dung như: Chia sẻ tầm nhìn, định hướng của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam; thực trạng, nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ Việt giải quyết bài toán Việt; kinh nghiệm thoát bẫy thu nhập trung bình bằng phát triển doanh nghiệp công nghệ; chính sách và giải pháp phát triển doanh nghiệp công nghệ; chia sẻ giải pháp, kết nối doanh nghiệp công nghệ. Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tạo ra những giá trị gia tăng Việt Nam trên cơ sở huy động mọi tiềm năng và sức mạnh trí tuệ của con người Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới, nhanh và bền vững.
Diễn đàn thu hút đông đảo doanh nghiệp Việt Nam tham dự
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định việc tăng năng suất lao động, phát triển nhanh, bền vững, thoát bẫy thu nhập trung bình... là câu hỏi đặt ra cho Việt Nam hiện nay với khát vọng về một đất nước hùng cường, phát triển. Công nghệ chính là lời giải cho những bài toán này. Sự phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra cơ hội, thời cơ "có một không hai" cho Việt Nam.
"Nhiều quốc gia trên thế giới đã hóa rồng trên cơ sở phát triển công nghệ ở một số doanh nghiệp lớn. Việt Nam rất cần các khởi nghiệp công nghệ, cần rất nhiều và khả thi hơn những công ty khởi nghiệp sử dụng từ công nghệ để từ đó lan tỏa ra trong toàn xã hội", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.
Cơ hội hóa rồng cho Việt Nam đang đến với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số ICT, lĩnh vực mà người Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tương lai và triển vọng kinh tế của mỗi quốc gia không nằm trên đường kéo dài của quá khứ, nên một quốc gia đang phát triển, với ít hành trang của quá khứ, hoàn toàn có thể đi nhanh hơn và đuổi kịp các nước phát triển. Vì vậy, ứng dụng và phát triển công nghệ, xây dựng cộng đồng 100.000 doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ là một trong các giải pháp đột phá để kinh tế Việt Nam bứt phá, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045./.