• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Màn khoe cơ bắp "không phải dạng vừa" hé lộ toan tính của Thổ: Chiến tranh toàn diện với Hy Lạp?

An ninh trật tự 16/08/2020 19:23

(Tổ Quốc) - Tình hình hai phía đã chạm tới cấp độ nghiêm trọng mới khi vài ngày trước Hy Lạp đặt các lực lượng quân sự của nước này trong tình trạng báo động cao.

Theo nhà phân tích Peter Suciu, tác giả cuốn "A Gallery of Military Headdress", bất chấp thực tế rằng Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đều là thành viên của liên minh NATO và là đồng minh của Mỹ, mối quan hệ giữa hai nước đã trở nên xấu đi trong những tháng gần đây sau một cuộc tấn công mạng nhằm chống lại các lợi ích của Athens, trong khi lại thúc đẩy lợi ích của Ankara.

Bên cạnh đó, cả hai phía đều cáo buộc phía còn lại đã có những hành động hung hăng quá mức ở những vùng biển ngoài khơi của mình.

Tình hình đôi bên đã chạm tới cấp độ nghiêm trọng mới trong ngày 13/8, khi Hy Lạp đặt các lực lượng quân sự của nước này trong tình trạng báo động cao, đồng thời triệu hồi những sĩ quan hải quân và không quân đang vắng mặt.

Điều đó khiến nhiều phía đặt câu hỏi phải chăng Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đang tiến gần đến một cuộc chiến tranh tổng lực? Cuộc chiến tranh toàn diện gần nhất giữa hai nước đã nổ ra gần 1 thế kỷ trước, từ năm 1919-1922.

Ông Suciu cho hay, mức độ căng thẳng gia tăng này là do Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách thăm dò các nguồn dự trữ năng lượng ngoài khơi có tiềm năng sinh lợi trong khu vực.

Trước đó, hồi đầu tháng này, Ankara đã điều tàu Oruç Reis, cùng các tàu pháo đi theo hộ tống, tới vùng biển tranh chấp với Hy Lạp để tiến hành nghiên cứu địa chấn. Athens gọi đó là hoạt động "bất hợp pháp".

Màn khoe cơ bắp không phải dạng vừa hé lộ toan tính của Thổ: Chiến tranh toàn diện với Hy Lạp? - Ảnh 1.

Tàu nghiên cứu Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty Images

"Đất nước của chúng tôi không đe dọa bất cứ ai nhưng cũng không để mình bị đe dọa" – Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis tuyên bố trong một bài phát biểu tối 12/8.

"Tất cả cần hiểu rõ rằng: nguy cơ xảy ra tai nạn đang chực trờ khi có quá nhiều lực lượng quân sự quy tụ trong một khu vực hạn chế" – Tờ Guardian dẫn lời ông Mitsotakis cho hay.

Các quốc gia thành viên khác trong NATO đã phải đứng ra làm trọng tài để giữ cho tình hình không leo thang. Phía Pháp xác nhận sẽ điều 2 máy bay chiến đấu Rafale cùng với 1 khinh hạm hải quân tới Đông Địa Trung Hải.

"Ao làng" của Hy Lạp hay vùng biển quốc tế?

Theo ông Suciu, vấn đề mâu thuẫn xoay quanh việc thăm dò năng lượng nằm ở chỗ lãnh hải của Hy Lạp bắt đầu từ đâu và kết thúc ở đâu. Ankara và Athens hầu như không đạt được thỏa thuận về vùng đặc quyền kinh tế trên các vùng biển chung.

Về phần mình, Hy Lạp duy trì quan điểm rằng, các hòn đảo của họ, dù có nhỏ tới cỡ nào, đều có thềm lục địa riêng. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, nếu nói như vậy thì toàn bộ vùng biển Aegean sẽ là một cái "ao làng" của Hy Lạp.

Màn khoe cơ bắp không phải dạng vừa hé lộ toan tính của Thổ: Chiến tranh toàn diện với Hy Lạp? - Ảnh 2.

Síp - Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang xảy ra tranh chấp đối với các mỏ khí đốt ở Đông Địa Trung Hải. Nguồn: Euromena Energy

Ở phía đông Địa Trung Hải có nhiều mỏ khí đốt dưới đáy biển sâu, những phát hiện gần đây còn cho thấy sự tồn tại của các mỏ khí đốt ngoài khơi Ai Cập và Israel – đây là những mỏ có lượng khí đốt dự trữ lớn tới mức đủ để mỗi phía tự cung tự cấp trong tương lai gần.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng coi mình là một cường quốc trong khu vực và với tâm thế ấy, họ chắc chắn cũng muốn "rơi" vào một tình huống tương tự.

Khoe cơ bắp vừa phải hay quá mức?

Cũng có một chút nghi ngở rằng Ankara muốn nâng cao vị thế của mình trên trường thế giới nên mới có những sự vụ gần đây. Ngoài cuộc đối đầu mới nhất với Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ còn mới thiết lập sự hiện diện quân sự tiếp theo tại khu vực Jabal Al-Akrad, gần thành phố Latakia, Syria.

Hiện không rõ Thổ Nhĩ Kỳ đang có bao nhiêu căn cứ tại Syria nhưng một số chuyên gia đánh giá rằng đây là màn dạo đầu cho kế hoạch "sáp nhập lãnh thổ trong khu vực" của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nước Thổ hiện nay là sự kế thừa của Đế chế Ottoman từng cai trị các vùng đất rộng lớn ở Trung Đông trong nhiều thế kỷ.

Tuy nhiên, Ankara lại tuyên bố rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đang quản lý vùng đất này để bảo vệ người dân Syria khỏi sự tấn công của các lực lượng chính phủ.

Vy Lam

NỔI BẬT TRANG CHỦ