(Tổ Quốc) - Vào ngày 13/9, 14 nam nghệ nhân Gia Rai từ nhiều làng khác nhau của huyện Ia Grai và thành phố Pleiku (Gia Lai) sẽ đến tỉnh Jeonbuk để tham gia lễ hội Âm thanh thế giới lần thứ 22.
Theo thông tin của ban tổ chức, lễ hội Âm thanh thế giới lần thứ 22 bắt đầu được người Hàn Quốc tổ chức ở thành phố Jeonju từ năm 2001. Hàng năm, cứ vào mùa thu, Jeonju lại được nhiều người trên thế giới nhắc đến cùng với từ "sori". Sori trong tiếng Hàn có nghĩa là âm thanh và ngôn ngữ của âm nhạc. Đây chính là lý do khiến lễ hội Âm thanh thế giới còn được gọi là Festival Sori Quốc tế Jeonju (Jeonju International Sori Festival).
Lễ hội được tổ chức nhằm đem đến cho công chúng giá trị đích thực của âm nhạc Hàn Quốc đương đại, bảo tồn các hình thức nguyên sơ của nó; quan trọng hơn là "mơ về ngày mai thông qua những thử thách sáng tạo và sự phối hợp của các thể loại".
Đến tham dự lễ hội lần này, ngoài lực lượng chính là các nghệ sĩ, nghệ nhân Hàn Quốc, còn có 14 đoàn/đội đến từ 11 quốc gia ở các khu vực khác nhau trên thế giới như Úc, Nhật Bản, Canada, Ba Lan, Trung Quốc… tham dự sự kiện năm nay. Tại đây, bên cạnh âm nhạc hiện đại, các nghệ nhân đến từ Uzbekistan, Chile và Việt Nam sẽ trình bày dòng nhạc dân gian đặc trưng của mình. Với chủ đề "Cùng bảo tồn và phục hồi" (Co-existence and Resilience), cuộc gặp gỡ lớn năm nay diễn ra trong 10 ngày (từ ngày 15 - 24/9), với 89 chương trình nghệ thuật, 105 buổi biểu diễn và hội thảo…
Đoàn nghệ nhân tỉnh Gia Lai lần này mang sang Hàn Quốc hơn 100 kg hành lý là các nhạc cụ, trang phục và đạo cụ để trình diễn 7 tiết mục. Chương trình của đoàn bắt đầu với bài chiêng "Lời chào đoàn kết", khép lại bằng hòa tấu "Mừng chiến thắng". Nhằm giới thiệu sự phong phú của âm nhạc dân gian địa phương, các bài hát dân ca, đồng dao hay thổi sáo, trình tấu đàn ting ning, đàn bró cũng đã được chuẩn bị công phu.
Các nghệ nhân Gia Rai sẽ mang theo thông điệp mới về văn hóa dân gian Gia Lai: vùng đất giàu bản sắc và đặc biệt phong phú về âm nhạc. Đây cũng là lần đầu tiên, các nhạc cụ làm từ tre nứa, những làn điệu dân ca và nhất là âm thanh trầm hùng của cồng chiêng Gia Lai vang lên trên một sân khấu lớn của Hàn Quốc./.