(Tổ Quốc) - Với sự tiện lợi, đa năng của mô hình xe Thư viện lưu động, từ đầu năm đến nay, xe Thư viện lưu động tỉnh Yên Bái đã phục vụ tại các đơn vị, trường học 142 buổi với trên 46.800 lượt bạn đọc và gần 90.000 lượt sách báo luân chuyển.
Phát triển văn hóa đọc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Những năm gần đây, Thư viện tỉnh Yên Bái đã thường xuyên tổ chức các chuyến xe thư viện lưu động đa phương tiện, mang ánh sáng tri thức đến với người dân, học sinh vùng sâu, vùng xa, góp phần lan tỏa phong trào đọc sách trong nhà trường và cộng đồng.
Đại diện Thư viện tỉnh Yên Bái cho biết: Để đáp ứng nhu cầu đọc, đặc biệt cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài việc phục vụ bạn đọc là học sinh, Thư viện tỉnh cũng đã có các chuyến xe phục vụ cho nhiều đối tượng, tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng sâu, vùng xa. Một chuyến xe của Thư viện tỉnh thường có trên 3.000 bản sách, truyện các loại, được sắp xếp theo các chủ đề chính là: chính trị, xã hội, pháp luật, khoa học kỹ thuật, nông nghiệp, y học, văn học, thiếu nhi; tài liệu điện tử; tài liệu thư mục… với phương thức vừa phục vụ tại chỗ vừa phối hợp với cơ sở để cho mượn tập thể, đáp ứng nhu cầu đọc sách, tìm kiếm thông tin, phục vụ cho học tập, sản xuất, sinh hoạt, giải trí của người dân ở cơ sở.
Tại mỗi điểm đến, ngoài tuyên truyền văn hóa đọc, các cán bộ Thư viện tỉnh còn thực hiện luân chuyển sách, trao tặng sách cho các thư viện cơ sở, góp phần bổ sung nguồn sách mới giúp độc giả có thêm nhiều lựa chọn phủ hợp. Từ đầu năm đến nay, xe Thư viện lưu động tỉnh đã phục vụ tại các đơn vị, trường học 142 buổi với trên 46.800 lượt bạn đọc và gần 90.000 lượt sách báo luân chuyển.
Bên cạnh đó, dự kiến trong 3 tháng cuối năm 2023, Thư viện tỉnh sẽ tổ chức 30 buổi phục vụ sách thông qua xe Thư viện lưu động đến các trường học, các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giúp cán bộ, chiến sĩ, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là học sinh vùng khó của tỉnh dễ dàng tiếp cận với đa dạng nguồn sách báo và công nghệ thông tin, góp phần thực hiện mục tiêu duy trì thói quen đọc sách, lan tỏa văn hóa đọc trong nhà trường, gia đình và cộng đồng./.