• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mang khát vọng chia sẻ yêu thương lên bức tranh đá

Văn hoá 12/11/2023 22:35

(Tổ Quốc) - Ngày 12/11, tin từ Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, với tác phẩm "Niềm vui của em" được làm từ những vật liệu có sẵn như đá cuội, tre nứa, vải vụn… đã giành được giải đặc biệt tại Chung kết toàn quốc Cuộc thi sáng tác sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi lần thứ nhất năm 2023 của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Tác giả của bức tranh đá "Niềm vui của em" là ý tưởng của các em Hồ Thị Khoa, Hồ Thị Ngân, Hồ Thị Viểu, học sinh lớp cùng với sự hướng dẫn tận tụy của cô giáo Nguyễn Thị Nhạn – giáo viên môn Mỹ thuật trường PTDTNT huyện Đakrông (Đakrông – Quảng Trị).

Mang khát vọng chia sẻ yêu thương lên bức tranh đá - Ảnh 1.

Các em học sinh với tác phẩm "Niềm vui của em" được làm từ vật liệu đá cuội, tre nứa, vải vụn... đạt giải đặc biệt của cuộc thi

Đối với các em học sinh vùng cao, vùng miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Trị, việc vượt qua những khó khăn của cuộc sống hàng ngày đã là điều hạnh phúc. Các em được quan tâm, được chia sẻ và được đến trường để học chữ luôn là khát vọng, bởi chỉ có đến trường, học cái chữ các em sẽ bước ra với đời vững chãi và tự nuôi sống được chính mình, hỗ trợ gia đình và có thể cống hiến chút kiến thức để đưa bản làng mình có cuộc sống tốt hơn trong tương lai…

Các em học sinh ở huyện Đakrông, với điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhiều phong tục tập quán vẫn đâu đó len lỏi vào cuộc sống như nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn rình rập xung quanh. Rất nhiều học sinh đã hiểu rằng, việc kết hôn sớm làm mất đi cơ hội học tập, việc làm, cơ hội cải thiện điều kiện sống và chăm sóc sức khỏe của bà mẹ và trẻ em, đặc biệt hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng nghiêm trọng đến giống nòi, phát triển trí tuệ, chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số.

Trước sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông cùng nhiệt huyết của những người làm công tác mặt trận đoàn thể của các cấp ở tỉnh Quảng Trị, những tệ nạn này đã được đẩy lùi và các em ở lứa tuổi học sinh đã nhận thức được đó là điều sẽ ảnh hưởng đến tương lai của mình. Bản thân các em đã hiểu được sự cần thiết trong việc ngăn ngừa, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nói chung, trong vùng dân tộc thiểu số nói riêng là trách nhiệm mỗi cá nhân, gia đình cộng đồng và của cả hệ thống chính trị.

Mang khát vọng chia sẻ yêu thương lên bức tranh đá - Ảnh 2.

Đại diện nhóm học sinh nhận giải thưởng đặc biệt

Có thể thấy rằng, trong cuộc sống của mỗi người đều có một quan niệm, một cách nghĩ khác nhau về hạnh phúc, về niềm vui. Các bạn nhỏ trường PTDTNT Đakrông cũng có một niềm vui, niềm mong ước giản đơn, bình dị như thế, đó là được sống với gia đình yêu thương của mình, hàng ngày được cắp sách đến trường, vui chơi cùng chúng bạn, được cha mẹ chăm sóc, nâng niu, được cảm nhận niềm hạnh phúc trên gương mặt của mẹ khi thấy bố cùng san sẻ công việc gia đình…

Xuất phát từ niềm mong ước thiết tha ấy, với khả năng sáng tạo của mình, chỉ từ các vật liệu đơn sơ: những viên đá cuội nhặt bên bờ suối Đakrông, những mảnh vải vụn, những thanh tre nứa…các bạn Hồ Thị Khoa, Hồ Thị Ngân, Hồ Thị Viểu, học sinh lớp 9A trường PTDTNT Đakrông đã làm nên bức tranh đá Niềm vui của em.

Khát vọng sống trong môi trường tốt đẹp nhất đã được các em thể hiện qua bức tranh đá Niềm vui của em. Tác phẩm này đã vượt qua hàng trăm tác phẩm dự thi tại cuộc thi sáng tác sản phẩm truyền thông về Bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi và được ban tổ chức trao giải đặc biệt với phần thưởng 15 triệu đồng.

Vĩnh Quý

NỔI BẬT TRANG CHỦ