• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Màu tình yêu xanh mãi

Văn hoá 22/01/2020 20:07

(Tổ Quốc) - Tôi vừa biết tin tác giả bài thơ "Tình em" nổi tiếng - Đại tá, nhà thơ Hồ Ngọc Sơn vừa rời cõi tạm trước thềm Xuân Canh Tý (ngày 18-1-2020, tức 24 tháng Chạp, năm Kỷ Hợi), hưởng thọ 88 tuổi. Tôi xin dâng nén tâm nhang nhà thơ Hồ Ngọc Sơn và chia sẻ những kỷ niệm với tác giả phần lời bản tình ca hay nhất mọi thời đại: Ca khúc "Tình em" do nhạc sĩ Huy Du phổ nhạc.

Khi tiến hành Luận án Tiến sĩ về thơ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi xin ý kiến thầy hướng dẫn: NGND-PGS Nguyễn Văn Long viết Chương IV: Nghệ thuật thêm một luận điểm "Sự cộng hưởng thơ – nhạc". Được thầy đồng ý, tôi đã đến gặp NGND-GS Dương Viết Á - giảng viên Học viện Âm nhạc Việt Nam. Vốn là chuyên gia hàng đầu về Mỹ học âm nhạc Việt Nam, giáo sư rất đỗi mừng vui và truyền cảm hứng cho tôi về thơ kháng chiến phổ nhạc. Bài thơ đầu tiên ông nhắc đến là "Tình em" và ông gọi điện ngay giới thiệu tôi với nhạc sĩ Huy Du. Tôi đã có mặt ngay tại tư gia nhạc sĩ Huy Du và gặp rất nhiều nhạc sĩ đang đàm đạo ở phòng khách. Nhạc sĩ Huy Du rời bàn trà xúc động nói với tôi về những ca khúc phổ thơ kháng chiến của ông như "Đường chúng ta đi", "Anh vẫn hành quân", "Tình em"...đều được chắp cánh từ thơ. Nhạc sĩ ngồi xuống bên cây đàn dạo nhạc và hát bài "Tình em". Điệu pha thăng thứ cùng tiết tấu 6/8, nhạc sĩ Huy Du đã chuyển tải một cách sâu sắc nhất, lắng đọng, uyển chuyển, thiết tha, nâng bài thơ bay xa. Sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Bắc Kinh về nước (năm 1962), ông được giao nhiệm vụ làm Trưởng đoàn Ca múa quân đội (Tổng cục Chính trị). Tình cờ đọc báo Văn nghệ, chạm mắt vào bài thơ "Gửi em dưới quê làng" (Tình em) của Hồ Ngọc Sơn nhạc sĩ Huy Du đã chạm đến nốt nhạc thăng hoa. Ám ảnh, trăn trở với bài thơ cùng cảnh ngộ, tâm trạng của mình và nói hộ nhiều lứa đôi xa cách trong chiến tranh khi đó, ngay trong đêm nhạc sĩ đã phổ nhạc thành công ca khúc "Tình em". Ngay sau khi phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam "Tình em" đã trở thành một trong những bản tình ca hay nhất. Cơ duyên, "cộng hưởng" thơ nhạc đã chắp cánh "Tình em" bay xa:

Màu tình yêu xanh mãi - Ảnh 1.

Nhà thơ Hồ Ngọc Sơn và vợ

Khi chiếc lá xa cành/ Lá không còn màu xanh/ Mà sao em xa anh/ Đời vẫn xanh rời rợi/ Có gì đâu em ơi/ Tình yêu là sự sống/ Có gì đâu em ơi/ Tình yêu là sự sống/ Nên nắng hửng trong lòng/ Mạch đời căng máu nóng

Anh chị Hồ Ngọc Sơn - Trần Thị Mỹ Hiên đón tiếp tôi nồng hậu, ấm áp tại tư gia tầng 2 trong khu tập thể Nhà máy Rượu Hà Nội. Chị Hiên tóc bạc như cước, bước đi chậm chạp, lụi cui pha nước mời khách. Anh Sơn lặng lẽ vào giá sách lấy ra tập tư liệu được cất cẩn thận đưa tôi xem. Anh giở từng kỷ vật và giới thiệu cho tôi. Biết tôi quan tâm bài thơ "Tình em", anh chậm chãi kể "Tôi quê Quảng Ngãi. Năm 1961, khi tôi đang là Đại đội trưởng pháo binh thuộc Tiểu đoàn 300, Trung đoàn 14, Sư đoàn 324 thì nhận lệnh vào Nam chiến đấu. Lúc đó, chúng tôi mới cưới nhau. Hiên quê Nghệ An, là chiến sĩ văn công cùng Sư đoàn 324. Nghe tin, tôi nhìn vào đôi mắt Hiên thấy nỗi buồn lặng. Nhưng em đã động viên tôi ngay "anh lên đường mạnh khỏe, đừng lo gì cho em. Em đợi ngày anh về". Tôi không biết nói gì động viên vợ, đành lặng giấu nước mắt vào trong…".

Chị xúc động, rơm rớm nước mắt nghe từng lời anh kể. Số phận bài thơ thật kỳ diệu. Từ chiến trường gửi ra, qua đạn bom, được đăng trang trọng trên báo Văn nghệ và được nhạc chắp cánh bay xa. Nếu không là người trong cuộc thấm thía cảm giác xa cách, nhớ nhung khó có thể thăng hoa được cảm xúc đó. Nhà thơ kể tiếp "Tôi viết bài thơ Tình em đề tặng H là tặng Hiên vợ tôi vào cuối thu 1962 khi ở chiến trường Gia Lai. Một ngày đầu thu năm 1962, tôi hành quân từ Kon Tum vào Gia Lai. Tự nhiên thấy lòng bồn chồn, tai nóng bừng như có linh tính mách bảo, tôi liền ghé qua trạm giao liên. Một niềm vui, bất ngờ, sung sướng không có gì tả xiết, tôi nhận được thư của Hiên. Đọc đi đọc lại lá thư đầu tiên của vợ thuộc từng câu từng chữ, lòng tôi xa xót, nặng trĩu. Dòng chữ Hiên viết ám ảnh tôi không dứt: "Giá mà có với nhau một đứa con, giữ lại cho nhau một báu vật của tình yêu chúng mình, một kỷ niệm thiêng liêng suốt cả đời người, thì dù anh có xa cách bao lâu, có ở phương trời nào em cũng đành lòng...". Anh thương lắm người vợ ở hậu phương vò võ đợi chồng "Khổ tâm nhất là những tối thứ bảy ở Thủ đô, từng đôi bạn trẻ rủ nhau đi chơi, còn em thì thui thủi một mình trong căn phòng trống vắng. Em tủi thân lắm chỉ biết khóc thầm. Em mong anh mạnh giỏi, làm tốt nhiệm vụ trên chiến trường và anh đừng ngã xuống nơi tiền phương. Nếu anh hy sinh, em không biết sẽ phải sống như thế nào. Em sẽ chờ anh cho đến ngày toàn thắng...". Sau bài "Tình em", anh tặng chị bài thơ "Nếu có một lần em phải khóc" da diết, nhớ thương: "Nếu có một lần em phải khóc/ Thì em ơi/ Chính ngày ấy anh về…". Chị Hiên đứng dậy chấm chấm nước mắt. Một mong ước rất đỗi bình thường, nhưng anh chị đã chưa kịp có được. Để rồi sau Hiệp định Pari, anh trở về, ở tuổi 35 chị mới sinh cho anh đứa con gái đầu tiên và cũng là duy nhất. Cô văn công tuổi 23 suốt 12 năm vò võ đợi chồng, rồi anh lại đi "biệt tháng ngày" từ chiến trường khu V đến biên giới Tây Nam năm 1979… Cho tới năm 1981, anh chị mới được sống bên nhau. Lúc này, chị Hiên tuổi cao, lại mắc bệnh, ốm đau liên miên, nên chị rất tiếc đã không đủ sức khỏe sinh để sinh cho anh thêm đứa con nữa cho có chị có em…

Màu tình yêu xanh mãi - Ảnh 2.

Nhà thơ Hồ Ngọc Sơn/ daidoanket.vn

Phút lặng. Bứt khỏi phút lặng im đó, tôi lên tiếng trước: "Em đọc bài thơ Tình em trong tuyển tập "Thơ miền Nam chọn lọc 1961-1965" và sách giáo khoa chương trình nghiên cứu bình giảng văn học cách mạng miền Nam bài thơ lại có tên "Gửi em dưới quê làng?". Anh chưa đưa tôi bản thảo chép tay bài thơ "Tình em" có lời đề "Gửi H" (tôi đã đưa vào phần bút tích các nhà thơ trong chuyên luận "Thơ với cuộc kháng chiến chống Mỹ" của tôi). Anh mỉm cười hiền hiền "Em là cán bộ Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương chắc hiểu rõ điều này. Năm 1964, tôi gặp nhà thơ Thu Bồn ở chiến trường Khu V mới biết bài thơ đã "ngụy trang cho an toàn" dưới cái tên đó. Cũng phải thôi. Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt mà thơ nói đến tình yêu đôi lứa thì quả cũng chưa phù hợp với không khí chính trị xã hội chung ngày ấy. Và thế là "Tình em" được mang tên mới "Gửi em dưới quê làng"...".

Trên đường hành quân, anh nhớ vợ da diết. Nỗi nhớ riêng chung cháy bỏng đan quyện. Anh ghi vội cảm xúc của mình vào cuốn sổ tay những dòng thơ đầu tiên:

Tình em

Gửi H.

Khi chiếc lá xa cành

Lá không còn màu xanh

Mà sao em xa anh

Đời vẫn xanh rời rợi?

Có gì đâu em ơi

Tình yêu là sự sống

Tôi đã có thêm tư liệu để viết trong chuyên luận "Thơ kháng chiến chống Mỹ là nguồn hiện thực sinh động, gợi cảm xúc cho tâm hồn nghệ sĩ thăng hoa. Những bài thơ viết trong những năm tháng hào hùng của dân tộc được phổ nhạc đã trở thành những bài ca đi cùng năm tháng, đạt đến trình độ cao, có sức sống mãnh liệt, lâu bền trong đời sống âm nhạc, ngân vang đến bây giờ, dẫu đời sống âm nhạc hiện nay khá sôi động, phong phú và có nhiều hơn sự lựa chọn. Phổ nhạc thơ kháng chiến chống Mỹ ít gặp trường hợp ca khúc chỉ thuần túy bộ lộ tình yêu riêng tư như nhạc trẻ sau này. Tình yêu là đề tài vốn được coi là "cấm kỵ" ở thời điểm ấy, nhưng vẫn được phổ nhạc ngay sau thời điểm thơ ra đời. Đó là trường hợp bài thơ Tình em (ban đầu có tên Gửi em dưới quê làng) của Hồ Ngọc Sơn, được nhạc sĩ Huy Du trên nền cảm xúc mãnh liệt ấy sáng tác Tình em. Tình em ra đời ngay trong những năm tháng khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Âm thanh hòa quyện với lời thơ khiến Tình em như một bản nhạc do cuộc sống sinh ra, như sự giao hòa giữa con người với thiên nhiên, như tiền tuyến với hậu phương, như Anh và Em. Nhưng cũng khá nhiều bài thơ tình yêu ra đời ngay thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhưng phải sau 1975 mới sáng tác: Hương thầm (thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nhạc Vũ Hoàng), Thuyền và biển (thơ Xuân Quỳnh, nhạc Phan Huỳnh Điểu ), Làng Quan họ quê tôi (thơ Phan Hách, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo), Sợi nhớ sợi thương (thơ Thúy Bắc, nhạc Phan Huỳnh Điểu)…

Màu tình yêu xanh mãi - Ảnh 3.

Bản chép tay bài thơ "Tình em" do nhà thơ tặng tác giả bài viết

Bài thơ được nhạc sĩ Huy Du phổ nhạc thành ca khúc cùng tên vào cuối năm 1962 khi nhà thơ Thân Như Thơ – tác giả bài thơ "Tháng Ba Tây Nguyên" gửi ra từ miền Nam. Nhà thơ Tế Hanh đã biên tập lại bài thơ "Tình em" ngắn gọn và bay bổng hơn so với nguyên bản rồi gửi Báo Văn nghệ. Rồi sau đó nhà thơ Tế Hanh đã chọn lọc, giới thiệu đưa bài thơ "Tình em" vào tập "Thơ ca miền Nam 1955-1970" – tập thơ được tặng giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu. Năm 1973, nhân dịp ra Bắc, nhà thơ Hồ Ngọc Sơn đã đến thăm, cảm ơn nhà thơ Tế Hanh khi đó đang giữ cương vị Giám đốc Nhà xuất bản Giải phóng và nhận được 20 đồng nhuận bút. Cơ duyên thơ nhạc là vậy nhưng phải hơn một phần tư thế kỷ, hai tác giả của "Tình em" mới gặp nhau lần đầu tiên khi nhà thơ Hồ Ngọc Sơn từ Quân khu 5 về nhận công tác ở Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị). Sự gặp gỡ thơ – nhạc đã thăng hoa cảm xúc sáng tạo, đưa tên tuổi nhạc sĩ Huy Du và nhà thơ Hồ Ngọc Sơn đi cùng năm tháng. Nói như nhạc sĩ Nguyễn Đình San "Tình em" là một bản tình ca hoàn chỉnh giữa lời ca và âm nhạc. Tình cảm lứa đôi diễn tả trong bài hát mềm mại, tha thiết, đắm say nhưng không mềm yếu, ủy mị mà rất cao đẹp, đầy vị tha. "Tình em" của Huy Du và Ngọc Sơn cũng như "Tình ca" của Hoàng Việt và rất nhiều bài khác trong nền âm nhạc cách mạng luôn gắn tình yêu lứa đôi với bối cảnh của đất nước".

Ngoài nhạc sĩ Huy Du, bài thơ "Tình em" đã được nhiều nhạc sĩ, như Hoàng Việt, Hoàng Vân, Phạm Đình Sáu, Phan Huỳnh Điểu… cùng phổ nhạc. Mỗi ca khúc có số phận riêng. Cho đến nay hơn gần 60 năm ca khúc "Tình em" của nhạc sĩ Huy Du phổ thơ Hồ Ngọc Sơn vẫn được coi là bản tình ca hay nhất, có sức sống lâu bền nhất trong nền âm nhạc dân tộc:

Anh đi xa bao núi…

Tình em như khe suối

Lưu luyến và nhớ thương

Chảy theo anh khắp rừng

Anh đi xa càng xa

Tình em như cỏ hoa

Âu yếm và thiết tha

Theo anh dài nương rẫy

Anh đi biệt tháng ngày

Tình em như sông dài…


Lê Thị Bích Hồng

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ