1. Những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, thơ Việt phát triển trong những điều kiện lịch sử - xã hội - văn hóa và tâm lý có nhiều biến đổi.
1. Những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, thơ Việt phát triển trong những điều kiện lịch sử - xã hội - văn hóa và tâm lý có nhiều biến đổi.
Một số nhà thơ trở về với truyền thống thơ ca dân tộc nhưng đa phần là hướng về phía trước, cách tân táo bạo, hòa nhập vào mặt bằng thơ hiện đại thế giới. Nhiều thể nghiệm thành công của Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Ý Nhi, Dương Thuần, Y Phương, Inrasara, Nguyễn Quang Thiều, Tuyết Nga, Phan Huyền Thư, Trương Huyền Chi ... gây ấn tượng cho người đọc. Có người nhìn lại thơ một thời để đoạn tuyệt, có người quyết liệt khẳng định tư duy nghệ thuật mới, có người nhọc nhằn đi tới những vùng sâu, vùng xa của vô thức, tiềm thức. Họ cố thoát ly mỹ học truyền thống, nhưng kết quả không như mong muốn và ngoài sự trông chờ của người đọc. Như thế cũng có nghĩa thị hiếu, trình độ thẩm mỹ của người đọc, của thời đại là bền vững, cách tân cũng cần phải kiên trì. Và cũng nên lưu ý: không phải bao giờ cách tân, hiện đại cũng đồng nghĩa với thành công.
Đội ngũ nhà thơ có sự nối tiếp và luôn được bổ sung ngày càng đông đảo. Các nhà thơ lớp trước vẫn hăng hái trong cảm hứng và cách viết quen thuộc, các nhà thơ lớp trẻ gây được sự chú ý bằng những tìm tòi theo hướng hiện đại, đi sâu vào bản thể con người với ''khát vọng thành thực'' (Nguyễn Quang Thiều, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Văn Cầm Hải ...) nhờ thế thơ phong phú về giọng điệu, đa dạng về khuynh hướng, cố gắng cách tân về thi pháp.
2. Khuynh hướng sử thi hiện rõ trong các trường ca và các bài thơ viết về chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Ở đây chúng ta thấy những trải nghiệm cá nhân, những thôi thúc tìm tòi ở từng nhà thơ đã có kết quả tích cực: các khái quát về lịch sử dân tộc, đất nước trong cảm hứng cộng đồng trở nên cụ thể, xác thực và cảm động. Có những lý giải sâu sắc về chiến thắng, về vinh quang của dân tộc: không có những mất mát hy sinh, những đau khổ lớn lao và chồng chất của bao con người, bao số phận thì đất nước không thể hòa bình thống nhất. Bên cạnh không khí sử thi, ý thức cộng đồng, trách nhiệm công dân là khuynh hướng thơ trở về với cuộc sống thế sự đời tư, suy nghĩ cá nhân với khát vọng hạnh phúc đời thường, với những lo âu, nỗi buồn nhân thế. Các nhà thơ tiêu biểu cho khuynh hướng sử thi như Chế Lan Viên, Tố Hữu ... cũng chuyển xuống ''giọng trầm'' hướng vào những vấn đề nhân sinh thế sự (Hoa trên đá, Di cảo thơ, Một tiếng đờn, Ta với ta ...). Cái tôi cá nhân được khẳng định, các nhà thơ nhìn con người từ nhiều phía, tìm mọi bình diện: sự hữu hạn của đời người và cả thế giới tâm linh đầy bí ẩn. Chất đời tư, đời thường nổi trội và da diết nhất là trong thơ của các cây bút nữ: Ý Nhi, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Giáng Vân ... Nhìn chung sự chuyển hướng tư duy nghệ thuật thơ có hiệu quả là thế hệ các nhà thơ sáng tác từ những năm kháng chiến chống Mỹ: Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Bằng Việt, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ý Nhi, Hoàng Nhuận Cầm, Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương, Anh Ngọc, Nguyễn Đức Mậu, Phùng Khắc Bắc, Vương Trọng ...
Khuynh hướng thế sự đã gợi lên cảm hứng thức tỉnh nhìn lại, xác định lại những gì đã qua như một lời sám hối để hướng tới dù có phải đối mặt với xót xa, đau đớn: Anh Ngọc, Nguyễn Trọng Tạo, Thanh Thảo, Nguyễn Duy ...
Với ý thức tự do tìm tòi sáng tạo, một số nhà thơ cố gắng đưa thơ đi theo khuynh hướng hiện đại chủ nghĩa gây sự chú ý ở người đọc và thu hút các nhà thơ trẻ trưởng thành từ sau 1975. Sự thực khuynh hướng này là tiếp tục tìm tòi của thơ Việt từ cuối những năm 30 đầu những năm 40 của thế kỷ XX. Những năm cuối thế kỷ, các cây bút trẻ càng có ý thức cách tân quyết liệt. Vi Thùy Linh, Văn Cầm Hải, Phan Huyền Thư, Nguyễn Bảo Chân, Phan Hoàng, Ly Hoàng Ly, Lê Thị Mỹ Ý… triển khai ý tưởng đến tận cùng, bản ngã được mở ra nhiều hướng, ngôn ngữ thơ phóng túng như ngựa hoang trên ''đại lộ tư duy''. Họ nỗ lực làm biến đổi những thói quen, thị hiếu thẩm mỹ truyền thống tạo ra diện mạo mới, thi pháp mới cho thơ:
- Biểu hiện cuộc sống bằng những ám thị, ẩn dụ.
- Tư duy gián đoạn, không liên tục.
- Tự do ghép chữ, tạo hình theo biểu tượng.
- Sử dụng câu thơ vắt dòng.
Thơ trẻ có nhiều tìm tòi, đi vào vùng sâu, vùng xa của vô thức, tiềm thức, có những liên tưởng độc đáo, vừa là hiện thực đời sống, vừa chứa đựng yếu tố tâm linh. Cũng có sự ngộ nhận hồn nhiên về tính hiện đại của thơ muốn vứt bỏ truyền thống, muốn vùng vẫy tự do, tạo ra những ly kỳ khác lạ, rối rắm, không đầu không cuối để rơi vào nghi ngờ xa lánh, không có sự đồng cảm vì không ai hiểu nổi. Thơ trẻ có trường hợp quá sa đà, khai thác tình dục như một thách thức dư luận. Với nghệ thuật, tình dục không phải là điều cấm kỵ. Cái chính là cần hiểu, cần tài năng thể hiện điều đó, tạo nên những khoái cảm thẩm mỹ, nếu không ngược lại sẽ là dung tục hóa, gây phản cảm. Và một điều không nên quên là sáng tạo gì thì cũng cần dựa trên giá đỡ tâm lý và mỹ tục dân tộc. Không thể bất chấp, lại càng không thể phá phách hư vô.
3. Đổi mới nội dung cảm hứng, đổi mới quan niệm thơ dẫn tới hệ quả đổi mới nghệ thuật biểu hiện: thể loại thơ đa dạng về cấu trúc. Và qua đó chúng ta có thể thấy được sự vận động trong tư duy sáng tạo của nhà thơ. Sự vận động này thể hiện ở nhiều cấp độ: quan niệm về quan hệ giữa thơ và cuộc sống, thái độ nhà thơ với cuộc đời, tư thế cảm thụ và cách bộc lộ cảm xúc thông qua một hệ thống nghệ thuật như đối tượng thẩm mỹ, ngôn ngữ, giọng điệu ...
Những bài thơ ngắn, có khi cực ngắn xuất hiện, cả bài thơ chỉ có hai, ba câu, có khi một câu thơ tự do. Thơ tự do, thơ không vần, thơ văn xuôi phát triển đem lại thuận lợi cho việc thể hiện cảm xúc Câu thơ xuống dòng, vắt dòng, leo thang tạo dáng mới. Có thể thơ cổ điển được phục hồi, tất nhiên là có nâng cao, sáng tạo. Đặc biệt thể thơ lục bát trở lại và thể hiện sức sống, vị trí quan trọng của thể thơ truyền thống này trong tiến trình văn học dân tộc. Có nhà thơ dành cả tập cho thơ lục bát, có những cuộc thi lục bát được hưởng ứng rộng rãi. Và nhiều nhà thơ đã tạo thêm sức hấp dẫn của lục bát: Nguyễn Duy, Lê Đình Cánh, Phạm Công Trứ, Đồng Đức Bốn ...
Thơ văn xuôi cũng khẳng định vị trí của mình. Câu thơ dài rộng chứa chất nhiều tâm sự, có bộc bạch những trải nghiệm cá nhân, có lúc trầm tư suy nghĩ hoặc triết luận về thế sự. Thơ văn xuôi thích hợp cho việc thể hiện những tìm tòi, khai mở nội dung. Cũng có những bài thơ hình thức là văn xuôi thơ nhưng thực chất là những bài thơ nằm trong thể thơ quen thuộc được viết liền thành câu gợi cảm giác mênh mang, xa rộng.
Các tác phẩm trường ca (chính xác hơn nên coi đây là thể 1oại thơ kết hợp nhiều thể thơ) thường vận dụng tổng hợp thơ lục bát, thơ 7 chữ, 8 chữ, thơ tự do, thơ không vần, thơ văn xuôi, thơ kịch… Qua các trường ca của Thu Bồn, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Anh Ngọc, Trần Vũ Mai, Nguyễn Đức Mậu, Trần Anh Thái ... người đọc thấy rõ những tìm tòi, đóng góp của các nhà thơ ở thể loại này. Các nhà thơ, trước hết muốn tổng kết một giai đoạn lịch sử đã qua và đặt ra những vấn đề mới của dân tộc. Hai là, ở thể loại trường ca, các nhà thơ bộc lộ khả năng muốn vươn lên một tầm cao khái quát, một độ sâu triết học của tư tưởng nhận thức về nhân dân và đất nước. Và ba là với kết cấu dài rộng hoành tráng, ở đây nhà thơ thể hiện được vốn sống phong phú, đa dạng, phức tạp với một tay nghề vững vàng đã trải qua những thử thách.
Như vậy, cùng với việc tồn tại những thể thơ dân tộc, dựa vào các thể thơ dân tộc, các nhà thơ có những tìm tòi về thể loại để thơ có dáng vẻ hiện đại hơn và nhất là để thơ biểu hiện đúng hơn nội dung cảm xúc đầy những phức tạp, có khi đối cực trong tâm trạng chủ thể trữ tình trước cuộc sống sôi nổi, nhiều biến động.
(Bản tin Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật)