• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

MC Thảo Vân: "Đại dịch đã đánh thức lương tri, sự nhân văn, nhân hậu sẵn có trong trái tim mọi người"

Văn hoá 24/03/2020 06:59

(Tổ Quốc) - "Tôi thấy đây là cơ hội dậy cho chúng ta những bài học về tình người, về sự nhân văn trong cuộc sống", MC Thảo Vân chia sẻ.

- Dịch bệnh bùng phát ở khắp nơi, là một người đang sống giữa "tâm dịch", cuộc sống của chị đã xáo trộn như thế nào?

Đến bây giờ tôi vẫn nhớ cảm xúc của những ngày đầu tiên khi nghe tin dịch bắt đầu lan ra ở Vũ Hán. Cảm giác tim mình thắt lại vì cứ dự cảm một cái gì đó không ổn. Và đúng là sau đấy thì nó diễn biến ngày càng phức tạp hơn.

Những ngày ngày, con đường tôi đi mỗi ngày chỉ từ nhà đến cơ quan, rồi từ cơ quan trở về. Mọi thứ đều hết sức cẩn trọng, giữ gìn.

Nhìn đường phố vắng vẻ trong lo âu, tôi cứ ước giá như được trở lại cuộc sống ngày thường. Mặc dù đông đúc, tắc đường khói bụi nhưng nó là hơi thở của đời sống.

MC Thảo Vân: Đại dịch đã đánh thức lương tri, sự nhân văn, nhân hậu sẵn có trong trái tim mọi người - Ảnh 1.

Đây là sự kiện mà chúng ta - chưa ai gặp bao giờ. Mỗi ngày đều sống trong cảm giác cận kề nguy hiểm và bất an vì nhỡ đâu ngày nào đó mình sẽ bị. Chính vì thế ai cũng phải cẩn thận từng chút một, không thể lơ là chủ quan. Việc sẵn sàng tâm lý rằng nó có thể đến với bản thân chính là đầu tiên giữ cho mình, sau đó là giữ cho mọi người.

Những thiệt hại khủng khiếp và tồi tệ mà dịch bệnh mang đến thì rõ ràng rồi, nhưng bên cạnh đó tôi cũng cảm nhận được những được điều ấm áp của tình người, lòng người mà hơn bao giờ hết hiện lên rõ nét trong những ngày này.

Đó là khi nhân dân đồng lòng tin tưởng vào những chỉ đạo của nhà nước về chống dịch. Câu chuyện chống dịch đi vào suy nghĩ của từng người. Mọi người cùng đồng lòng, "chống dịch như chống giặc!". Đấy là cái lớn nhất.

Còn những cái nhỏ hơn là nhờ có đại dịch này, chúng ta có cơ hội làm những điều chúng ta chưa thể. Vẫn thành phố ấy, vẫn con người ấy nhưng khi cần mọi người hoàn toàn có thể ở trong nhà. Bớt ra ngoài la cà, nhậu nhẹt, từ bỏ những thói quen chưa tốt để chăm lo cho tổ ấm nhiều hơn.

Và nhờ ở nhà nhiều hơn mà chúng ta dành thời gian cho gia đình nhiều hơn và học được nhiều thứ hơn. Trước kia, khi có mâu thuẫn, chúng ta có thể ra ngoài để thoát khỏi nhau, nhưng giờ phải ở cùng nhau trong một thời gian rất dài, chúng ta học cách kiên nhẫn và chấp nhận nhau. Từ đó tìm được tiếng nói chung giữa vợ - chồng, bố mẹ - con cái, để cùng nhau vượt qua khoảng thời gian rất khó khăn này.

Ví dụ như hai mẹ con tôi, nhờ dịp này mà có thể cùng nhau xem một bộ phim dài tập. Đây là điều trước đây không thể nào có được. Ngồi với nhau, trao đổi với nhau. Có lúc cậu ấy giận dỗi chỉ vì quan điểm của hai mẹ con khác nhau. Nhưng nhờ đó mà hai mẹ con hiểu nhau hơn, gần gũi nhau hơn và nuôi lại được rất nhiều cảm xúc mà ngày thường cứ để trôi tuột đi.

MC Thảo Vân: Đại dịch đã đánh thức lương tri, sự nhân văn, nhân hậu sẵn có trong trái tim mọi người - Ảnh 2.

Mọi người trong lúc này cũng sống vì nhau hơn, quan tâm đến nhau hơn, nghĩ đến cái chung chứ không thờ ơ, chỉ nghĩ đến mình nữa. Như câu chuyện đón kiều bào về nước chẳng hạn. Có những ý kiến này khác, nhưng cuối cùng, không ai muốn bỏ rơi con dân người Việt ở nơi khác, mà đều đồng lòng dang rộng vòng tay. Tôi thấy đây là cơ hội cho chúng ta những bài học về tình người, về sự nhân văn trong cuộc sống.

Những điều tốt đẹp đó luôn có sẵn trong trái tim mỗi người nhưng ngày thường chúng ta quên lãng mất. Sự chung tay trong đại dịch đã đánh thức, làm thức tỉnh lương tri, sự nhân văn, nhân hậu ấy.

- Trong những ngày này, việc chung tay đóng góp của cộng đồng với công tác phòng chống dịch Covid -19 đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến trái chiều về số tiền đóng góp của các nghệ sĩ, như chuyện chê ít nhiều. Cá nhân chị nghĩ sao về việc này?

Tôi nghĩ chúng ta đều xuất phát từ mục đích tốt. Việc các nghệ sĩ ủng hộ là việc cực kỳ tốt. Những người chỉ trích nghệ sĩ ủng hộ ít cũng xuất phát từ việc họ quan tâm đến việc từ thiện - nhân đạo xã hội thôi, chỉ có điều cách nhìn nhận và đánh giá có thể có đôi chút chưa hợp lý, đúng đắn lắm, dẫn đến không công bằng với nghệ sĩ.

Đầu tiên chúng ta phải hiểu nghệ sĩ cũng là con người. Họ cũng phải lo cơm áo gạo tiền và những chuyện thường ngày. Họ có những điều mà chúng ta không thể biết được, bởi chúng ta không phải họ.

Nên khi các nghệ sĩ ủng hộ, chúng ta hãy đón nhận với tất cả sự ấm áp chúng ta có. Dù ít hay nhiều họ cũng đã hành động, căn cứ vào điều kiện của chính họ.

Kể cả họ không thể góp được tiền thì có thể góp bằng sức lực, bằng ý tưởng, giống như lời kêu gọi của Thủ tướng. Tại sao mình lại nhìn vào số lượng để phê phán mà không nghĩ rằng đã là tình cảm, là sự chia sẻ thì lấy gì đong đếm được. Đã là tấm lòng và yêu thương thì chỉ có thể đem tấm lòng và yêu thương ra đón nhận thôi.

Việc chỉ trích như vậy sẽ khiến rất nhiều người đáng lẽ muốn ủng hộ nhưng lại ngại. Tôi cũng vậy. Dù không phải là nghệ sĩ nhưng tôi cũng là một người của công chúng. Điều kiện của tôi chỉ có vậy, các khoản đóng góp ấy nếu tính ra cũng đã là lớn với cá nhân tôi rồi, nhưng tôi không dám nói ra, trước hết vì tôi không muốn, và sau đó nhỡ đâu vẫn có người không thấy hài lòng thì sao.

Tôi nghĩ chúng ta nên cổ vũ, khích lệ để nghệ sĩ tiếp tục lan tỏa những hành động đó, thay vì phán xét khiến họ cảm thấy tủi thân, sợ sệt, khép mình lại không dám ủng hộ nữa.

Nếu đều xuất phát từ mục đích tốt thì hãy cứ để lòng tốt dẫn đường, đừng để những suy nghĩ nhỏ nhen che khuất đi những điều tử tế, tốt đẹp hơn.

- Bên cạnh nỗi lo về sức khoẻ, dịch bệnh lần này còn mang đến cho mọi người nỗi lo về kinh tế khi mọi ngành nghề trong xã hội đều bị ảnh hưởng. Chị đã chuẩn bị như thế nào với những khó khăn sẽ phải trải qua?

Hôm qua tôi cũng tâm sự với một chị bạn cùng văn phòng. Cảm giác lòng mình cứ trùng xuống khi thấy tài khoản toàn đi ra mà chưa thấy khoản nào vào. Nó là một nỗi lo đến thắt ruột đấy chứ không phải vừa đâu bởi vì mình còn bao nhiêu thứ phải lo mà. Cuộc sống hằng ngày cơm áo gạo tiền, động đến là phải chi tiêu.

Mà có mỗi mình đâu, còn bao nhiêu người mình phải lo nữa nên chỉ mong đại dịch qua nhanh để mọi người có thể trở lại cuộc sống bình thường.

Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, mọi việc tệ hơn nữa thì tôi cũng chỉ biết phải tiết kiệm. Làm thế nào để tài khoản đừng ra nhiều nữa, mà chỉ ti tí thôi. Nếu trước kia chúng ta tiêu ở mức A thì giờ tiêu mức B, thậm chí là C. Thay vì mua mới, mình sẽ tận dụng tất cả những thứ đang có. Chúng ta phải cân đối cho phù hợp để không bị ảnh hưởng quá lớn.

MC Thảo Vân: Đại dịch đã đánh thức lương tri, sự nhân văn, nhân hậu sẵn có trong trái tim mọi người - Ảnh 4.

Hôm trước tôi nghe thời sự thấy Thủ tướng bảo bằng mọi giá phải đưa giá thịt lợn về 60 nghìn/kg như trước thật sự thấy mừng rơi nước mắt.

Ở đây không chỉ là vấn đề cân thịt, mà nó là câu chuyện bình ổn giá, là câu chuyện hỗ trợ của nhà nước với các doanh nghiệp, với đời sống nhân dân. Vì nếu giờ giá các nhu yếu phẩm cứ tăng lên thì người chịu tác động lớn nhất chính là người dân.

Ai được hưởng lợi thì chúng ta không biết nhưng người dân đang è cổ ra để chống đỡ. Giá thứ này tăng thì sẽ kéo theo thứ khác cũng tăng. Chỉ cần một số mặt hàng thiết yếu giữ được giá bình ổn thì mọi thứ cũng sẽ ổn.

Tôi cũng ước mong mọi người cùng đồng lòng, tương thân tương ái vượt qua cơn đại dịch này, như những ngày qua nghe những câu chuyện rất cảm động: chủ nhà trọ giảm tiền, chủ doanh nghiệp san sẻ với người lao động,...

Giờ nhiều nghệ sĩ giờ đã phải quay ra làm thêm cái này cái khác. Tôi chỉ có thể hỗ trợ bằng cách sẻ chia nho nhỏ, ai làm bánh để bán thì mình mua ủng hộ 1 cái, ai bán gel rửa tay thì mình mua một chai...

Lúc dịch bệnh xảy ra, lúc đối mặt với hiểm nguy, thậm chí là những mất mát quá lớn, thì cái quý giá nhất vẫn là tình yêu, sự sẻ chia và nhân ái của con người với con người, tôi nghĩ vậy!

Vân Anh - Trí thức trẻ

NỔI BẬT TRANG CHỦ