• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mẹ 2 con chỉ ra sai lầm nhiều phụ huynh mắc phải khi con bị bạo lực học đường: Quan trọng nhất là con CẢM THẤY thế nào, chứ không chỉ là "Nó đánh con mấy cái?"

Giáo dục 29/04/2023 08:10

(Tổ Quốc) - “Các cơn bão đều bắt nguồn từ áp thấp nhiệt đới, nên cha mẹ hãy dạy con ngay từ khi trời còn yên biển còn lặng”, cô nhấn mạnh.

Môi trường học đường là nơi an toàn, bình đẳng để cung cấp cho chúng ta kiến thức, kỹ năng cùng các hành trang cần thiết để bước vào đời. Tuy nhiên, môi trường học đường - nơi an toàn và được coi là ngôi nhà thứ hai của mỗi người đang thay đổi. Nó bị phủ bóng đen bởi những lời nói tục chửi bậy, những hành vi vô lễ… nhưng nghiêm trọng hơn cả vẫn là vấn nạn bạo lực học đường.

Không ít những bộ phim đã lên án tình trạng này nhưng chúng vẫn còn tồn tại trong xã hội. Tuy nhiên, hiện nay nhiều cha mẹ vẫn chưa có những hiểu biết thực sự đầy đủ về vấn nạn bạo lực học đường, vẫn loay hoay khi con bị bạn đánh, cô lập, bạo lực…

Là tác giả của loạt đầu sách về phương pháp giáo dục con cái, đồng thời cũng là một người mẹ có hai con từng bị… bạo lực học đường, tác giả Thu Hà (thường được biết đến với danh xưng “mẹ Xu Sim”) thấu hiểu rất rõ những cảm xúc lo lắng, bối rối của bậc cha mẹ khi đối diện với thực trạng đó của con.

Mẹ 2 con chỉ ra sai lầm nhiều phụ huynh mắc phải khi con bị bạo lực học đường: Quan trọng nhất là con CẢM THẤY thế nào, chứ không chỉ là "Nó đánh con mấy cái?" - Ảnh 1.

Tác giả Trần Thu Hà, hay còn được biết đến với danh xưng "mẹ Xu Sim"

Mẹ Xu Sim là tên gọi thân mật của nhà báo Thu Hà. Cô có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc trong nghề báo. Cô còn là tác giả của nhiều đầu sách Best seller như: Con Nghĩ Đi, Mẹ Không Biết; Buông Tay Để Con Bay Ai Cũng Xứng Đáng Được Hạnh Phúc. Bằng cách nhìn nhận thẳng thắn, văn minh và đầy lạc quan, Thu Hà đã đưa ra những đúc kết sâu sắc cùng những lời khuyên bổ ích cho các bậc cha mẹ trong vấn đề nuôi dạy con cái.

Tái định nghĩa lại khái niệm “Bạo lực học đường”

Từ trước đến nay, mọi người thường chỉ nghĩ “bạo lực học đường” là những tác động vật lý của hai hay nhiều cá nhân với nhau dẫn đến tổn thương về mặt thể chất.

Tuy nhiên, theo tác giả Thu Hà, với bạo lực học đường, nếu chỉ bàn nhau về việc cho con học võ tự vệ, bày con cách chống trả dao côn, gạch đá, bày cách la lớn, chạy trốn… là không còn đúng đắn nữa. Bạo lực học đường thời nay, nhất là với trường chuyên, trường điểm, trường quốc tế, với những học sinh thông minh, học giỏi, lễ phép, thì cái đáng sợ nhất là bạo lực ngầm, bạo lực “lạnh”.

Từ bà mẹ có 2 con bị bạo lực học đường: "Quan trọng nhất là con CẢM THẤY thế nào, chứ không chỉ là “nó đánh con mấy cái?” - Ảnh 2.

Phần lớn các vụ bạo lực học đường thời này không có vũ khí, không có vết bầm tím thân thể, không có video đánh đập, nhưng các giáo viên, hiệu trưởng và cả công an vẫn giữ suy nghĩ rất truyền thống. Họ cho rằng chỉ khi bị đánh, đấm, tát hoặc chửi rủa nhau trong trường mới được gọi là... bạo lực học đường.

WHO cũng định nghĩa bạo lực học đường rộng hơn nhiều so với việc tổn thương về thể chất, gồm có: Bạo lực lời nói, bạo lực thân thể, bạo lực xã hội, bạo lực trên mạng.

Với giai đoạn hiện nay, tình trạng bạo hành học đường đang có dấu hiệu gia tăng và diễn biến phức tạp trong môi trường học tập trên khắp thế giới. Theo CDC (Trung tâm kiểm soát chấn thương Hoa Kỳ), bạo lực học đường là một phần trong vấn đề bạo lực giới trẻ, xoay quanh các nhóm đối tượng từ 6 đến 24 tuổi. Đặc biệt là sau dịch Covid-19, các chuyên gia cảnh báo, các vụ bạo lực học đường đang phát triển và chuyển sang dạng thức Internet.

Còn ở Việt Nam, theo thống kê, trung bình mỗi năm nước ta xảy ra gần 2.000 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. So với 10 năm trước, số vụ bạo lực học đường đã tăng gấp hơn 10 lần. Đó chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai vẫn còn thờ ơ trước việc bạo lực học đường của con trẻ.

Là người trong cuộc, trẻ cảm thấy gì?

Bé Xu - con gái đầu tác giả, là người hiểu được phần nào cảm xúc mà các bạn bị bạo lực học đường phải trải qua bởi chính em cũng từng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Là người trong cuộc, Xu chứng thực lời tác giả Thu Hà nói, đó là về việc bạo lực học đường “lạnh” (bạo lực dưới dạng lời nói (verbal), tẩy chay, bắt nạt qua mạng…) hiện tại phổ biến và còn đáng sợ hơn bạo lực “động tay động chân”.

“Những hình thức đó phổ biến hơn vì khó nhận diện khi đánh vào tâm lý của nạn nhân chứ không phải là thể xác nữa. Em có biết rất nhiều bạn bị bắt nạt nhưng chưa bao giờ bị tác động vật lý, dù vậy thì bạn vẫn rất đau khổ và cô đơn”, cô bé chia sẻ.

Trước sự phức tạp của nạn bạo lực học đường, cộng thêm với đó là cái nhìn phiến diện rằng “chắc nạn nhân phải làm sai gì nên mới bị đánh” hay định kiến “giới trẻ giờ sao thế nhỉ, có thế thôi đã không chịu được”, Xu cảm thấy rất buồn. Bởi theo em, lý do của bắt nạt học đường luôn bắt nguồn từ kẻ bắt nạt chứ không phải nạn nhân. Kể cả trong trường hợp nạn nhân có lỡ làm gì sai thì vẫn có nhiều cách khác để góp ý thay vì bắt nạt. Đó không bao giờ là giải pháp để “chỉnh lỗi sai” cho người khác hết.

Từ bà mẹ có 2 con bị bạo lực học đường: "Quan trọng nhất là con CẢM THẤY thế nào, chứ không chỉ là “nó đánh con mấy cái?” - Ảnh 3.

Xu cũng chỉ ra những nguyên nhân chính mà nhiều nạn nhân bị bắt nạt không dám nói ra, bao gồm:

- Chia sẻ nhưng không được gia đình, thầy cô lắng nghe, thậm chí bị mắng mỏ, trách móc ngược

- Sợ cha mẹ lo lắng nên tự tìm cách giải quyết

- Vì nghĩ sẽ không nhận được giúp đỡ nên giấu đi

“Theo em, không phải người trẻ yếu đuối về cảm xúc, mà do hiện tại tụi em có thời gian, có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn và có những mối quan tâm khác hơn, đó là tâm lý, là giới tính, là sắc tộc, rồi cả công nghệ... Vì có mạng xã hội, tụi em dễ thể hiện bản thân hơn, trong đó bao gồm cả thể hiện cảm xúc. Có thể người lớn cũng có những cảm xúc như tụi em, nhưng họ không thể hiện ra nhiều bằng tụi em.

Điều quan trọng hơn cả là các bạn trẻ bây giờ có rất nhiều áp lực, không chỉ từ công việc, học tập mà còn là áp lực phải giỏi hơn người khác, phải thành thạo nhiều kỹ năng và hiểu biết nhiều lĩnh vực. Tụi em có khi không chỉ lo chuyện gì đang xảy ra trong khu phố, mà còn bàn luận cả về vấn đề thế giới. Tụi em cũng dễ bị chi phối cảm xúc khi tiếp xúc với quá nhiều thông tin từ mạng xã hội, Internet. Hơn nữa, nhiều Gen Z vẫn đang trong độ tuổi dậy thì, hóc-môn thay đổi liên tục làm cảm xúc cũng bất ổn theo. Tất cả chúng tụ lại khiến nhiều bạn tâm lý yếu sẽ có nguy cơ đi đến suy nghĩ tiêu cực nhiều hơn”, Xu nói thêm.

Cha mẹ nên - không nên làm gì khi con bị bạo lực học đường?

Theo tác giả Thu Hà, cha mẹ phải luôn quan tâm sát sao con cái của mình, nếu một buổi sáng con tình cờ nói những câu sau thì rất có thể con đang phải đối mặt với vô số vấn đề và đó chính là dấu hiệu giải cứu “ét o ét” khi bị bắt nạt, bị bạo lực học đường:

- Con không muốn đi học

- Con muốn chuyển lớp/chuyển trường

- Con không ngủ được

- Con không ăn trưa.

- Con muốn đi học muộn

- Con không tham gia hoạt động của lớp/của nhóm nữa.

- Con không muốn đi tập thể thao…

Khi đối diện với việc con bị bạo lực học đường, chắc hẳn bố mẹ sẽ trải qua rất nhiều trạng thái cảm xúc từ lo lắng, bồn chồn đến thương xót… Tuy nhiên, điều quan trọng nhất khi đối diện với cả 4 loại bạo lực theo WTO tái định nghĩa ở trên, phụ huynh hãy lắng nghe con, công nhận, tôn trọng nỗi đau của con và cùng tìm cách giải quyết. “Sơ cứu” cảm xúc còn quan trọng hơn cả việc băng bó tay chân nữa đó!

Và thậm chí, khi những cách đó không hiệu quả thì vẫn còn một cách: chuyển lớp, chuyển trường, thậm chí nghỉ học. Hãy nhớ việc học không phải là quan trọng nhất, con được sống an toàn, hạnh phúc, an yên mới là quan trọng. Phụ huynh đừng khuyên con phải nhịn đi hay phải hy sinh an toàn bản thân đi để học cho xong.

Từ bà mẹ có 2 con bị bạo lực học đường: "Quan trọng nhất là con CẢM THẤY thế nào, chứ không chỉ là “nó đánh con mấy cái?” - Ảnh 4.

Dưới đây là những cách ứng xử cụ thể cha mẹ nên - không nên thực hiện khi con là nạn nhân của bạo lực học đường:

- Không nhịn, không xuề xòa, cần giải quyết triệt để.

- Con sẽ học từ phản ứng của mẹ, nên mẹ đừng có cà cuống lên, nước mắt nước mũi, cũng đừng “hô mưa gọi gió”, khiến bé ỷ lại rằng mẹ có thể sai khiến tất cả.

- Hãy để con nói! Khi con đang tổn thương, mẹ nói càng ít càng tốt. Lắng nghe vô điều kiện, đồng cảm vô điều kiện và tôn trọng con vô điều kiện: “Ừ, buồn thật, mẹ cũng thấy tức giận/sợ hãi/buồn/bối rối…

- Đừng bao giờ đổ lỗi: “Đấy thấy chưa”, “mẹ đã nói rồi mà!”. Hoặc là lên giọng: “Chuyện có gì đâu mà trầm trọng, ngày xưa mẹ còn bị đánh nặng hơn nhiều”. Hoặc là: “Ai chả từng bị bắt nạt, mọi người vẫn sống đó thôi!”

- Đừng vội vàng đưa khuyên răn, rằng phải thế này hay phải thế khác.

- Quan trọng nhất là: “Con CẢM THẤY thế nào?”, chứ không chỉ là “nó đánh con mấy cái?”. Vết thương trong tim quan trọng hơn vết thương ngoài da nhé!

- Trẻ con vốn rất ghét kẻ mách lẻo, và cũng ghét bị mang tiếng mách lẻo. Phải cho con hiểu: Việc con nói ra là rất tốt, rất dũng cảm, sẽ giúp được cho con và nhiều bạn khác.

- Không trả đũa. Bạo lực sẽ leo thang không biết tới lúc nào mới ngừng và không thể kiểm soát được hậu quả.

- Với bắt nạt trên Facebook thì có thể bày con cách chặn, chặn để con không bị nhiễu bởi những đòn tào lao của bên kia nữa.

- Báo với cô giáo và nhà trường, đi đúng quy trình.

Tóm lại tiêu chí là: An toàn, và An toàn Lâu Dài!

Và cuối cùng tác giả kết luận: “Dạy con hơn người còn dễ hơn là dạy con biết thua người!”

Từ bà mẹ có 2 con bị bạo lực học đường: "Quan trọng nhất là con CẢM THẤY thế nào, chứ không chỉ là “nó đánh con mấy cái?” - Ảnh 5.

Cách phòng chống bạo lực học đường

“Các cơn bão đều bắt nguồn từ áp thấp nhiệt đới, nên là cha mẹ hãy dạy con ngay từ khi trời còn yên biển còn lặng”, nữ tác giả nhấn mạnh.

“Dạy con ngay từ khi trời còn yên biển còn lặng” ở đây không là hình ảnh ẩn dụ về những thứ quá cao siêu, mà chỉ là những điều đơn giản nhưng từng chút từng chút một, sẽ hạn chế khả năng con trở thành “con mồi” của bạo lực học đường hơn.

Thứ nhất: Luyện tập thể thao, học võ, học 1 môn năng khiếu nào đó như hát, múa,... để con tự tin hơn bởi một người tự tin ít khi thu hút kẻ bắt nạt. Tuy nhiên chúng ta cần phân biệt rạch ròi giữa tự tin và tự cao bởi lằn ranh của nó là vô cùng mong manh.

Thứ hai: Có nhiều bạn thân và đồng minh mạnh, có hậu phương vững chãi, chẳng hạn mẹ luôn ủng hộ con, luôn tin con.

Thứ ba: Học kỹ năng giao tiếp, rèn sự bình tĩnh,...

Thứ tư: Hiểu mình, hiểu người chính là thể hiện người EQ. Để con hiểu và phân biệt được: lúc nào thì nên thưa cô, lúc nào thì nên cãi lại... Nếu có người nghe thì hãy hô hoán, còn nếu gặp phải đứa khùng điên, có hung khí, thì cần cắn răng mà nhịn cho qua “cơn bão”...

Tuy nhiên cha mẹ cũng phải chấp nhận cả việc dù đã dạy con rất nhiều mà cuối cùng con… chả làm được gì sáng suốt hết. Đó là trạng thái “đông cứng”, một cơ chế của não bộ, làm con không thể phản ứng, không thể suy nghĩ, không thể cảm nhận gì. Do đó, cha mẹ hãy luôn dịu dàng để trở thành hậu phương vững chãi của con.

Từ bà mẹ có 2 con bị bạo lực học đường: "Quan trọng nhất là con CẢM THẤY thế nào, chứ không chỉ là “nó đánh con mấy cái?” - Ảnh 6.

Huỳnh Đức - Design: Huyền Trang

NỔI BẬT TRANG CHỦ