• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mẹ bệnh nhân khóc nghẹn cảm ơn tấm lòng của bác sĩ Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương

Thời sự 13/08/2018 13:26

(Tổ Quốc) - Trước ca mổ vi phẫu thuật tái tạo khuyết hổng hàm mặt cho con gái mình, mẹ của bé Nguyễn Giang Ly (Thái Nguyên) đã khóc nức nở cảm ơn tấm lòng của đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương.

Đài thọ hoàn toàn mọi chi phí cho bệnh nhân

Gần 10 năm trước, bé Nguyễn Giang Ly được gia đình đưa đến khám tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương do có sự phát triển bất thường ở vùng hàm mặt.

Mẹ bệnh nhân Nguyễn Giang Ly (Thái Nguyên) xúc động cảm ơn tấm lòng của bác sĩ Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương.

Tại Bệnh viện, các bác sĩ đã chẩn đoán bé bị u xơ men, trên phim có thể thấy xương hàm dưới bị phồng lên, phá hủy hết, không còn chỗ nào là nguyên vẹn. Chỉ mỗi một lồi cầu nhưng rất đau đơn, bội nhiễm, nếu để lâu thì nó tiếp tục lan rộng vùng khác.

Sau khi họp thảo luận, các bác sĩ có kế hoạch mổ chia làm 2 kỳ, do phần xương hàm cắt bỏ dài nên phải lấy xương mác ở hai bên. Khi xương phát triển bình thường, các bác sĩ sẽ tiếp tục cấy răng lên để cháu có thể ăn nhai.

Theo đề nghị của bác sĩ chuyên khoa Nguyễn Mạnh Hà – Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt, bệnh viện sẽ đài thọ tất cả kinh phí giường bệnh, chăm sóc, thuốc men, dịch chuyền, máu, quá trình gây mê trong phòng mổ, hậu phẫu.

Được sự nhất trí của Ban Giám đốc, hai cả mổ của cháu Ly sẽ được bệnh viện hỗ trợ hoàn toàn chi phí.

Phải đợi cả chục năm mới có thể mổ

Trước thắc mắc vì sao lại phải đợi quá lâu để thực hiện ca mổ, BS. Nguyễn Mạnh Hà – Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt, BV Răng Hàm Mặt Trung ương cho biết, tất cả chỉ định cắt bỏ hay tái tạo xương hàm đều phải đợi bệnh nhân qua tuổi trưởng thành, nghĩa là chỉ định mổ bắt đầu phải ngoài 17 tuổi bởi vì nếu mổ sớm sự định hình về giải phẫu của vùng mặt chưa hoàn thiện nên sẽ dẫn đến biến dạng cho người bệnh.

Như trường hợp của bệnh nhân Ly, BV đã điều trị bảo tồn từ khi phát hiện bệnh cho đến khi cháu đủ tuổi để phẫu thuật, trường hợp này lúc đầu chẩn đoán u xương xơ, tuy nhiên sau quá trình theo dõi và làm giải phẫu lần thứ hai thì đây là chẩn đoán u men xương hàm dưới.

“Vì vậy, chúng tôi tái tạo xương hàm dưới phải làm qua hai giai đoạn. Hôm nay, chúng tôi sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ u và tái tạo một nửa xương hàm. Vì xương mác dùng để tái tạo xương hàm không đủ độ đài toàn bộ hàm dưới nên phải thực hiện ca mổ này làm hai giai đoạn. Sau phẫu thuật khoảng sáu tháng, bệnh nhân sễ được gửi để đánh giá.” – BS Hà chia sẻ.

Kỹ thuật vượt trội so với các nước

GS.TS Trịnh Đình Hải – Giám đốc BV Răng Hàm Mặt Trung ương cho biết: “Nếu bệnh nhân cắt bỏ toàn bộ xương hàm sẽ mất 1/3 khuôn mặt dưới, như vậy sẽ méo mó, nói năng phều phào, ăn uống khó, dịch khoang miệng cứ chảy ra ngoài. Thường phải che khăn mùi soa mới dám ra đường và nói chuyện. Đây là vấn đề rất day dứt đối với các y bác sĩ. Việc tìm ra kỹ thuật tái tạo hàm mặt là rất quan trọng.

GS.TS Trịnh Đình Hải – Giám đốc BV Răng Hàm Mặt Trung ương chia sẻ về trường hợp của Bệnh nhân Nguyễn Giang Ly

GS.TS Hải cũng chia sẻ về một ca bệnh cách đây 6, 7 năm, có một bé gái ở TP.HCM bị u men phải cắt bỏ toàn bộ xương hàm dưới, suốt cả nhiều năm gia đình đau khổ, cháu trẻ xinh đẹp nhưng bây giờ không dám đi đâu, ăn uống lại rất khó khăn. Gia đình đã đưa sang Singapore để chữa trị, các bác sĩ đã thay vào một cái nẹp, sau đó bệnh nhân đã khôi phục được khuôn mặt  và có thể giao tiếp được.

Tuy nhiên, thời điểm đó kỹ thuật này đã lạc hậu so với kỹ thuật ở BV Răng Hàm Mặt Trung ương bởi thay nẹp chỉ là tiểu phẫu. Bởi kỹ thuật này các bác sĩ chỉ cần gây tê, bắt vít khoảng nửa tiếng là đã xong. Tuy nhiên, sau đó khoảng 1, 2 năm thì kim loại lại chọc vào da khiến miệng chảy nước, rất khó chịu.

Ở thời điểm đó, BV đã làm kỹ thuật cao cấp hơn đó là cắt xương sườn thay ghép vào xương hàm dưới. Kỹ thuật này so với nẹp kim loại đã là một bước tiến nhưng vẫn không ổn bởi xương sườn bé, dễ gãy, sau này có thể bị thoái hóa.

Từ năm 2007 – 2008, BV triển khai kỹ thuật vi phẫu, tức là lấy xương mác cẳng chân, uốn thành hình xương hàm dưới. Phương pháp này quan trọng là  lấy được cuống mạch nuôi, mô mềm động mạch để cấp máu và tĩnh mạch để thoát dịch ra.  

Mỗi ca phẫu thuật như thế này mất từ 8 – 10 tiếng, trường hợp đặc biệt sẽ mất khoảng 15 tiếng. Một ca mổ thường mất 3 kíp: 1 Kíp phẫu thuật cẳng chân và một kíp cắt bỏ xương hàm và một kíp gây mê hồi sức. Đến nay, BV đã thực hiện được 500 ca tái tạo khuyết hổng hàm mặt không để lại biến chứng.

Thế Công

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ