• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mẹ bỉm sữa chia sẻ kinh nghiệm chống chọi với “trầm cảm sau sinh”

Sức khỏe 17/06/2017 11:20

(Tổ Quốc) - Trên các trang mạng xã hội, đề tài “trầm cảm sau sinh” của các mẹ bỉm sữa bỗng trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. 

Thông tin một em bé mới 35 ngày tuổi bị sát hại mà nghi phạm không ai khác chính là mẹ đẻ bị cho rằng mắc “trầm cảm sau sinh” đã khiến không ít người đau xót và tỏ ra hoang mang. 

Phần lớn phụ nữ từng trải qua giai đoạn sau sinh đều thừa nhận không chỉ cơ thể bên ngoài thay đổi mà về tâm sinh lý cũng ít - nhiều thay đổi. Vì thế khi nhắc đến “Trầm cảm sau sinh” nhiều bà mẹ bỉm sữa tỏ ra không quá xa lạ, nhưng tới mức không nhận thức được bản thân mà có thể giết ngay chính con đẻ của mình thì khiến không ít người cảm thấy sốc.

Trên các trang mạng xã hội, đề tài “trầm cảm sau sinh” của các mẹ bỉm sữa bỗng trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Các mẹ bỉm sữa đã đưa ra các nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh. Các mẹ bỉm sữa cũng cảnh báo, nếu phụ nữ trước khi sinh con đã có dấu hiệu mắc trầm cảm hoặc đã mắc trầm cảm thì nguy bị trầm cảm sau sinh càng tăng.

Ảnh minh họa. Nguồn:suckhoedoisong.vn

Đầu tiên phải kể đến sự mệt mỏi, đau đớn chưa phục hồi sau cơn vượt cạn của phụ nữ. Dù phụ nữ sinh thường hay sinh mổ thì đều mất rất nhiều sức lực, cần được nghỉ ngơi nhưng con lại quấy khóc dẫn đến tình trạng căng thẳng, không được nghỉ ngơi nên mất kiểm soát cảm xúc.

Cùng với đó là do người phụ nữ thể chất và tinh thần yếu đuối, dễ xúc động, khó kiềm chế. Việc có thêm thành viên trong gia đình cũng khiến tuýp phụ nữ này dễ mất kiểm soát.



Một nguyên nhân nữa không kém phần quan trọng được các bà mẹ đưa ra là không nhận được sự chia sẻ cả về vật chất và tinh thần của những người xung quanh, thậm chí còn bị đay nghiến, hành hạ. Khi gia đình có thêm em bé trở thành một thành viên mới của gia đình kéo theo rất nhiều công việc đi kèm, từ ăn ngủ, bỉm, sữa… Vì thế nếu chỉ đơn giản cho rằng bà mẹ đã được nghỉ sinh 6 tháng có mỗi việc chăm con nên người thân phó mặc là sự quá tải, thiếu chia sẻ, khiến phụ nữ vô cùng mệt mỏi. Nếu không làm tốt, người thân lại đay nghiến, nói ra nói vào thì sức chịu đựng của phụ nữ càng bị đi quá giới hạn.  

Sau sinh, phụ nữ bị mặc cảm về sự xấu xí, béo phì, thay đổi hình dáng cơ thể khiến họ thất vọng, tự ti trước người thân và các mối quan hệ… đây là nguyên nhân nhiều phụ nữ không nói ra mà âm thầm chịu đựng, ít chia sẻ.

Nguyên nhân nữa được các bà mẹ kể ra, dù không phổ biến nhưng mức độ “tàn nhẫn” cũng khá lớn, đó là không nhận được sự đồng thuận từ người thân, thậm chí bản thân mẹ cũng bất mãn vì giới tính của con không như mong muốn.

Phổ biến hơn cả là các bà mẹ sau sinh bị thay đổi giờ giấc sinh hoạt, phải cho con ăn bất kỳ lúc nào con đói, con ngủ ngày, thức đêm, thay tã cho con lúc tiểu tiện vào giờ mẹ đang ngủ… khiến nhiều bà mẹ không theo kịp, không thích nghi được với sự thay đổi giờ giấc này.

Lý do nữa mang tính sinh học đối với phụ nữ sau sinh là hoóc môn trong cơ thể thay đổi cũng dễ dẫn đến những xáo trộn đối với phụ nữ.

Một bà mẹ đang nuôi con chia sẻ, chỉ riêng chuyện cho con ăn đã khiến mình không ít lần dễ dàng “phát điên”: Sinh con xong, chưa hết mừng vì có đứa con đẹp như tranh sau bao ngày tháng mong đợi thì một nỗi lo lắng ập đến khi nhận ra mẹ ít sữa, không đủ cho con ăn, phải ăn thêm sữa ngoài. Rồi sau 3 tháng thì con bỏ bú, hết sữa hẳn. Thế là những tháng ngày gò lưng ra pha sữa. Nhiều khi con ăn cả tiếng mới hết bình sữa. Có khi pha ít thì con ăn nhiều, pha nhiều thì con ăn ít. Có khi vừa đổ đi, rửa bình thì con lại đòi ăn. Rồi trớ ọe liên tục, ngày 2-3 lần ộc ra, cứ điệp khúc cho ăn rồi thay áo quần ga gối. Ngày không ngủ, đêm chỉ ngủ khoảng 2-3 tiếng. Tay bế con, tay đổ nước, pha sữa. Lại còn phải thức canh, nhỡ không pha kịp nó khóc ọe cả ra bữa trước. Đến nỗi không còn cảm giác buồn ngủ là gì. Không thể tả được hết những tháng ngày đằng đẵng mệt mỏi đó…

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Rồi nguyên cái chuyện ăn sữa thừa cũng làm gia đình bà mẹ này cãi nhau không ít. Bà nội thì bảo theo kinh nghiệm các cụ, muốn con hay ăn chóng lớn mẹ phải ăn đồ thừa của con. Nhưng mẹ quá mệt rồi, không muốn ăn vì ban đêm uống sữa rồi thì phải đánh răng, nhờ bố ăn thì bố không ăn, đổ đi thì tiếc, thì sợ mẹ chồng. Cái vòng luẩn quẩn, không được chia sẻ, cảm thông này từ người thân cũng khiến nhiều bà mẹ mệt mỏi, khó kiềm chế bản tính.

Với kinh nghiệm của người đã từng và đang nuôi con nhỏ, bà mẹ này mong muốn chia sẻ với những người sắp làm mẹ rằng, thứ nhất, hãy chuẩn bị cho mình một tâm thế thật chủ động trước khi làm mẹ. Đừng bao giờ để cho mình bị rơi vào thế bị động. Bị động, nó sẽ kéo theo rất nhiều thứ không mong muốn.

Thứ hai, nên chuẩn bị cho mình một nền thể chất và tinh thần thực sự khỏe mạnh. Nếu cả tinh thần và sức khỏe mà không dẻo dai, không bền bỉ thì không có cách nào mà chống chịu nổi với một "trận chiến" khi sinh con xong, và kéo dài tầm 2-3 năm sau đó.

Thứ ba, tránh đừng bao giờ nghĩ đến những điều tiêu cực. Hãy để đầu óc mình thảnh thơi, thậm chí là vô lo vô nghĩ. Trong lúc đẻ, ai nói gì mặc kệ, đừng để bụng, đừng suy nghĩ. Vì nghĩ nhiều sẽ thành nghĩ quẩn.

Thứ tư, mẹ và gia đình nên chuẩn bị cho mình một vốn tài chính kha khá, để khi sinh đẻ đừng quá phụ thuộc, bị động về chuyện tiền bạc. Vì lệ thuộc vào người khác về chuyện tiền bạc cũng sẽ rất dễ gây nên tâm lí ăn bám, bị khinh thường và càng trầm cảm thêm.

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ