(Tổ Quốc) -Câu trả lời trên đã được thốt ra từ không ít các “bà mẹ bỉm sữa” khi được phóng viên Báo Điện tử Tổ Quốc đặt câu hỏi về việc phân biệt các loại sữa khi lựa chọn cho con cái họ.
Một thông tin đang được người tiêu dùng chú ý, Bộ Y tế sẽ ban hành quy định bãi bỏ khái niệm sữa tiệt trùng từng khiến các "thượng đế" nhầm lẫn lâu nay và cũng giúp các doanh nghiệp sữa kiếm khá khá lợi nhuận. Sau rất nhiều ý kiến, tại cuộc họp về sửa đổi Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia sữa dạng lỏng do Bộ Y tế tổ chức mới đây, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và hiệp hội mới đi đến thống nhất bãi bỏ, thay thế bằng khái niệm sữa hoàn nguyên, sữa pha lại và sữa hỗn hợp.
Hiện việc phân loại sữa dạng lỏng được áp dụng theo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng do Bộ Y tế ban hành năm 2010, với 7 loại: sữa tươi nguyên chất thanh trùng, sữa tươi thanh trùng, sữa tươi nguyên chất tiệt trùng, sữa tươi tiệt trùng, sữa tiệt trùng, sữa cô đặc và sữa cô đặc có bổ sung chất béo thực vật. Trong số này, khái niệm sữa tiệt trùng vẫn được nhiều người hiểu nhầm là sữa tươi.
Nhiều "mẹ bỉm sữa" không phân biệt được thế nào là sữa tươi? Thế nào là sữa hoàn nguyên? (Ảnh: Hà Giang) |
Dù vậy, đây chỉ là khái niệm, còn trên thực tế nhiều mẹ đang nuôi con nhỏ nhưng không bao giờ để ý cũng như không phân biệt được các khái niệm trên.
Chị Minh Ánh (34 tuổi – phóng viên một tờ báo điện tử tại Hà Nội) cho biết, chị có hai con trai, một cháu 6 tuổi và một cháu 2,5 tuổi. Kể từ khi cai sữa chị chuyển sang cho các con uống sữa ống hút các loại như: Vinamilk, Mộc Châu, Millo…
Tuy nhiên, điều đáng nói là chị Minh Ánh chưa phân biệt rõ thế nào là sữa tươi? thành phần trong loại sữa chị cho con uống gồm những gì? Lý do là vì khi tìm mua chị không bao giờ đọc kỹ bảng mô tả thành phần sản phẩm.
“Hiện trên thị trường có vô vàn sản phẩm sữa cho trẻ nhỏ với các mẫu mã đa dạng, bắt mắt như: sữa tươi Vinamilk 100%, sữa tươi 100% tiệt trùng Dutch Lady, sữa tươi 100% hỗ trợ miễn dịch, sữa tươi 100% organic, sữa tươi tách béo…khiến tôi thấy loạn cả lên và cứ mặc định cho rằng, sữa dạng lỏng chính là sữa tươi”, chị Minh Ánh cho hay.
Rất nhiều khảo sát đã chỉ ra rằng, người tiêu dùng, đặc biệt là các “mẹ bỉm sữa” đang bị nhầm lẫn tên gọi “Sữa tiệt trùng” trên các hộp sữa nước, tưởng đó là sữa tươi. Tên gọi này trong QCVN 5-1:2010/BYT sẽ được sửa đổi và gọi đúng theo thông lệ quốc tế là sữa hoàn nguyên, sữa pha lại và sữa hỗn hợp.
Chị Phương (38 tuổi, khu Đô thị Times City – Hà Nội) cho hay, khi bước vào siêu thị chị như rơi vào ma trận của các sản phẩm sữa. Vì thế, chị nhằm mua các loại sữa có thương hiệu cho con uống chứ cũng không tìm hiểu rõ từng thành phần.
“Tôi cũng không rõ sữa tươi tiệt trùng và sữa tươi thanh trùng khác nhau như thế nào? Cứ thấy sữa ống hút tiện lợi và uy tín như: Vinamilk, TH True Milk, Mộc Châu…thì tôi chọn mua. Dù biết sữa ống hút cũng có rất nhiều loại khác nhau nhưng in ấn trên vỏ hộp cũng rất nhập nhèm nên tôi cũng chỉ biết chọn loại ít đường, chứ đi “soi” từng thành phần trong sữa thì rất mất thời gian”, chị Phương cho biết.
Trong khi đó, tại một tòa soạn của một tờ báo điện tử khác tại Hà Nội, hầu hết các nhân viên đang độ tuổi làm mẹ ở đây đều cho rằng, trên thực tế họ đều biết rằng do thiếu nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu sữa bột về để pha thành sữa nước, còn gọi là sữa hoàn nguyên. Loại sữa này thường được đóng thành từng vỉ gồm 4 hộp (110ml, 180ml) hoặc đóng thành túi… Dù vậy, khi mua sữa cho con uống họ cũng đành chọn sữa này vì sự thuận tiện và hạn sử dụng lâu dài.
“Khái niệm trên tôi cũng chỉ nắm được qua loa như vậy, còn thực tế sữa thanh trùng, sữa tiệt trùng khác nhau như thế nào tôi cũng không rõ ràng vì mẫu mã của vỏ hộp tạo cảm giác rất dễ nhầm lẫn. Tôi luôn chọn sữa theo sở thích của các con. Tôi cũng biết sữa tươi nguyên chất rất tốt cho trẻ nhưng hạn sử dụng ngắn quá, lượng sữa bán trên thị trường cũng không nhiều nên không phải lúc nào cũng tranh thủ đi mua sữa cho con được”, chị Hiếu – một trong những phóng viên trên chia sẻ./.
Hà Giang