(Tổ Quốc) -Sáng 8/11, tại Đại học Y Hà Nội, GS.TS Carl Latkin của Mỹ đã chia sẻ về những vấn đề điều trị nghiện bằng thuốc cho người tiêm chích ma túy.
Theo ông Lê Minh Giang, Điều phối viên chính, Trung tâm Chuyển giao Công nghệ Điều trị Nghiện chất và HIV, Trường Đại học Y Hà Nội, thời gian qua có những thông tin cho rằng, điều trị methadone không còn hiệu quả nữa gây ảnh hưởng tới thành quả của việc dùng methadone với người nghiện ma túy. Nhưng những bằng chứng khoa học đưa ra lại không phải như vậy.
GS.TS. Carl Latkin, Phó Chủ nhiệm bộ môn sức sức khỏe, hành vi và xã hội thuộc trường ĐH John Hopkins Bloomberg, School of Public Health, Mỹ đã chia sẻ về việc điều trị nghiện bằng thuốc cho người tiêm chích ma túy: Một số kết quả quan trọng và bài học kinh nghiệm cho quá trình mở rộng chương trình. Chương trình do Trung tâm chuyển giao công nghệ điều trị nghiện chất và HIV thực hiện.
Tỷ lệ cắt cơn nghiện cao
Theo GS.TS Carl Latkin, sử dụng chất dạng thuốc phiện là tình trạng mạn tính tương tự như bệnh nhân tiểu đường. Hầu hết, người sử dụng chất gây nghiện sẽ tái nghiện một vài lần trước khi dừng thuốc methadone hẳn. Vì vây, người nghiện càng tham gia điều trị thường xuyên bao nhiêu, ngay cả sau khi đã tái nghiện, thì khả năng họ thành công càng cao bấy nhiêu.
"Methadone vẫn mang lại hiệu quả điều trị tích cực với người nghiện ma túy"- GS.TS. Carl Latkin cho biết. Ảnh: Nam Nguyễn |
Điểm quan trọng nhất khi sử dụng methadone là giúp người nghiện cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần cũng như giảm khả năng lây nhiễm bệnh như HIV, viêm gan C… Một số yếu tố về xã hội như tỉ lệ tội phạm giảm, có việc làm tăng lên, quan hệ gia đình, xã hội của người nghiện được cải thiện.
“Tại Trung Quốc, họ triển khai điều trị methadone từ 2004, khảo sát một số lượng lớn bệnh nhân xem hiệu quả điều trị không chỉ với cá nhân bệnh nhân mà với cả xã hội và gia đình”- GS.TS Carl Latkin chia sẻ.
Kết quả cho thấy, đa số bệnh nhân đã dừng dùng thuốc gây nghiện khi điều trị bằng methadone với tỷ lệ duy trì điều trị từ 20-70%.
GS.TS. Carl Latkin. Ảnh: Nam Nguyễn |
“Mục đích của nghiên cứu trên là làm tăng tỷ lệ người tham gia điều trị, không bỏ giữa chừng. Một kết quả quan trọng khác của nghiên cứu nữa là, phải duy trì liều lượng methadone nhất định, phù hợp cho từng bệnh nhân để đảm bảo hiệu quả khi điều trị”- GS.TS Carl chia sẻ.
Thời gian gần đây, người nghiện ma túy có thể điều trị bằng burprenorphine với hiệu quả cao hơn, đặc biệt với người nghiện đang dùng ARV điều trị HIV. Tuy nhiên, chi phí cho loại thuốc này rất cao, khiến bệnh nhân phải chịu một gánh nặng kinh tế lớn. Do vậy, methadone vẫn là loại thuốc phổ thông trong điều trị. GS.TS Carl cho hay, trong tình huống bệnh nhân vừa điều trị HIV, vừa cai nghiện thì nên để cho bệnh nhân dùng ARV trước, sau đó hãy sử dụng methadone.
Tránh kỳ thị, tăng cường chia sẻ nhóm để giảm trầm cảm
Cũng theo GS.TS Carl, dùng methadone tỉ lệ tử vọng của người nghiện thấp hơn rất nhiều so với các loại thuốc khác, bệnh nhân cũng sống lâu hơn so với người sử dụng thuốc điều trị nghiện khác.
Ngoài ra, “người nghiện có nhu cầu lớn về tiền để mua thuốc, vì thế mà họ bán dâm hoặc bán ma túy để kiếm tiền. Nhưng nghiên cứu chỉ ra rằng, tỷ lệ tội phạm và bán dâm khi tham gia điều trị bằng methadone thì giảm đáng kể, tỷ lệ có công ăn việc làm của người sử dụng methadone tăng lên rất nhiều, quan hệ gia đình và xã hội được cải thiện. Do họ không phải trải qua hội chứng cai nghiện, họ vẫn làm việc bình thường”- GS.TS Carl Latkin nói.
Ông Lê Minh Giang, Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Nam Nguyễn |
Về hướng điều trị, theo vị giáo sư này, sự hỗ trợ của gia đình là rất quan trọng, cần tuyên truyền cho gia đình của bệnh nhân trong việc hỗ trợ cùng họ cai nghiện. Bệnh nhân có thể hỗ trợ lại cho gia đình khi điều trị methadone ổn định, họ có thể tìm kiếm công việc, thêm thu nhập để hỗ trợ cho gia đình.
“Đặc biệt, khi điều trị cho người nghiện ma túy, chúng ta cần chú ý điều trị chứng trầm cảm với người nghiện. Họ thường bị kỳ thị, ngại tới các buổi chia sẻ đông người. Vì vậy, chúng ta nên tổ chức những buổi riêng cho họ để có những thông tin cụ thể với từng đối tượng, truyền tải suy nghĩ tích cực cho các bệnh nhân, làm thế nào để họ duy trì sự bình tĩnh, lạc quan yêu đời”- GS.TS. Carl nói.
Thêm nữa nên thay đổi thái độ của đội ngũ nhân viên y tế trong điều trị cai nghiện, tìm kiếm người có ảnh hưởng với người nghiện để hỗ trợ bệnh nhân điều trị, cơ quan chức năng cũng cần đào tạo nghề cho bệnh nhân, hỗ trợ tìm kiếm việc làm, phòng chống HIV… cho người nghiện ma túy.
Ông Lê Minh Giang cũng cho biết thêm, thời gian tới, người cai nghiện ma túy tại Việt Nam sẽ có thể được điều trị bằng burprenorphine./.
Thái Tùng