Miền sơn cước phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế, điểm đến cho những du khách thích sự khám phá
Thực hiện: Lê Chung | 09/12/2023
(Tổ Quốc) - Lưu giữ nhiều lễ hội, nghi lễ, nghi thức truyền thống tiêu biểu, các thể loại dân ca, dân nhạc, dân vũ, văn hóa ẩm thực mang đậm nét đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số, huyện A Lưới là điểm đến hứa hẹn cho những du khách thích sự khám phá.
Huyện A Lưới có diện tích tự nhiên 1.148,5 km2 , là huyện miền núi biên giới nằm phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế. Tổng số hộ dân là 14.051 hộ, 53.034 khẩu với 28 dân tộc anh em đang sinh sống, trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ trên 77,5%.
Đây là vùng đất lưu giữ nhiều lễ hội, nghi lễ, nghi thức truyền thống tiêu biểu, các thể loại dân ca, dân nhạc, dân vũ, văn hóa ẩm thực mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Pa Cô, Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Hy, Bru Vân Kiều…
Trong những năm qua, Đề án về “Bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2021- 2025 tầm nhìn đến năm 2030” được địa phương triển khai thực hiện đã tạo điều kiện thuận lợi để bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số.
Đặc biệt là bảo tồn kiến trúc, hoa văn, họa tiết, trang trí nhà Târ Đah, Roong, Gươl và không gian làng truyền thống; bảo tồn, phát huy giá trị các lễ hội, nghi thức, nghi lễ truyền thống tiêu biểu; phát huy tối đa các nghề truyền thống, dân ca, dân nhạc, dân vũ; ẩm thực; các tri thức văn hóa dân gian… đã giúp nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào. Tạo ra một không gian văn hóa để người dân và du khách có thể trải nghiệm, học tập và nghiên cứu.
Nhiều hiện vật phản ánh văn hóa, đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện A Lưới được sưu tầm, trưng bày phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của người dân và du khách.
Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường. Giao lưu và hợp tác về văn hóa được mở rộng, góp phần tích cực vào việc phát triển đời sống văn hóa của người dân trên địa bàn huyện A Lưới.
Huyện A Lưới cũng đang từng bước xây dựng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch đặc trưng để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, vùng đất và con người A Lưới đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Xác định văn hóa là nhân tố quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm qua, huyện A Lưới luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, chú trọng đến việc kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa và du lịch, tạo được mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu về văn hóa, môi trường cảnh quan, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững.
Nhiều mô hình du lịch đặc trưng như chợ phiên A Lưới, các homestay du lịch cộng đồng, du lịch suối thác... kết hợp quảng bá văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được địa phương khai thác, phát huy trong thời gian qua.
Văn hóa ẩm thực hiện nay đang được người dân bảo tồn và phát huy trong các dịp lễ, tết như: lễ hội A Riêu A Da, A Riêu Piing, A Riêu Car, lễ cưới và giới thiệu, phục vụ thực khách tại các điểm du lịch, homestay, các nhà hàng trên địa bàn huyện.
Ẩm thực A Luới với nhiều món ngon như: cá suối, cơm lam, xôi nếp cẩm, gà thả đồi.... luôn hấp dẫn du khách gần xa tìm đến để được thưởng thức.
Vừa qua, huyện cũng đã phát hành quyển "Cẩm nang 100 món ăn truyền thống nơi miền cao A Lưới", để quảng bá ẩm thực địa phương đến mọi người.
Du khách thưởng thức ẩm thực tại chợ phiên A Lưới.
Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch suối thác tại huyện A Lưới cũng hút khách với những điểm đến như: A Nôr; Pâr Le, A Roàng....
Du khách tham quan thác A Nôr.
Ngoài ra các homestay trên địa bàn cũng là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn để khám phá, trải nghiệm văn hóa, ẩm thực của các đồng bào dân tộc thiểu số...
Khám phá văn hóa, ẩm thực cùng người dân bản địa là trải nghiệm khó quên của nhiều du khách khi đặt chân đến miền sơn cước phía Tây tỉnh Thừa Thiê Huế.
Việc kết hợp phát triển du lịch và quảng bá văn hóa của các dân tộc thiểu số mang lại thu nhập cho nhiều người dân trên địa bàn.
Theo UBND huyện A Lưới, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục gắn công tác bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống và di sản văn hóa với phát triển du lịch bằng cách thường xuyên hợp tác, kết nối với các công ty du lịch, các đơn vị lữ hành; tăng cường truyền thông (website, facebook, internet...); xây dựng và phát triển các chương trình tour hợp lý; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch gắn với các điểm di tích lịch sử.