(Tổ Quốc) - Liên quan đến Quyết định miễn thị thực cho công dân 5 nước châu Âu trong thời hạn 3 năm của Thủ tướng Chính phủ mới đây, phóng viên Báo điện tử Tổ quốc đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Thanh Hồng Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội.
- 07.04.2018 Thị thực 'ngáng' đường du lịch: Thu phí lẻ, mất ngoại tệ lớn
- 14.04.2018 Lại “mỏi cổ” ngóng visa cho khách Tây Âu
- 19.04.2018 TP.HCM kiến nghị gia hạn và miễn thị thực thêm cho nhiều nước
- 19.04.2018 Chính sách thị thực “không giống ai” gây khó cho du lịch Việt
- 21.04.2018 Chính sách visa “phập phù” khiến du khách mất niềm tin
- 04.05.2018 Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Phải tiếp tục cải cách vấn đề visa để thu hút khách quốc tế
- 08.05.2018 Bản tin audio VHTTDL số 9: Việt Nam tiếp tục miễn visa cho 5 nước Châu Âu
- 08.05.2018 Chính sách Visa du lịch nhìn từ “thành phố đáng sống nhất Việt Nam”
PV: Thưa ông, Thủ tướng vừa cho phép gia hạn miễn visa cho 5 nước Tây Âu lên 3 năm. Ông đánh giá như thế nào về quyết sách này của Thủ tướng và Chính phủ?
Ông Nguyễn Thanh Hồng: Tôi cho rằng, quyết định này là cần thiết, đây là một bước rất tích cực để thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về việc phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Ông Nguyễn Thanh Hồng Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội. |
Đây cũng là quyết định thể hiện việc bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, thực hiện đường lối chính sách đối ngoại của Đảng, khẳng định vị thế của Việt Nam trong giai đoạn mới.
PV: Quyết định này được cho là sẽ góp phần giúp ngành Du lịch Việt Nam tạo những bước chuyển mạnh mẽ hơn nữa trong tăng trưởng khách quốc tế. Để đảm bảo mục tiêu mà Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đề ra, theo ông, các chính sách nới rộng visa nên tiếp tục sửa đổi như thế nào?
Ông Nguyễn Thanh Hồng: Cũng như nhiều quốc gia khác, chính sách về visa là một trong những tiêu chí để đánh giá xếp loại sự cạnh tranh du lịch. Xung quanh chúng ta, các nước có truyền thống về làm du lịch như Thái Lan, Philippine, Malaysia người ta cũng đã có nhiều chính sách rất cởi mở về chính sách visa để thu hút khách du lịch. Việc mở rộng đơn phương miễn thị thực là mục tiêu chúng ta nhắm tới để kích cầu du lịch, thu hút khách du lịch đến với Việt Nam chúng ta.
Theo đó, cần phải có các giải pháp tổng thể, thay đổi các chính sách liên quan chứ không chỉ đơn thuần là đơn phương miễn thị thực. Tôi cho rằng, vừa rồi, Chính phủ có trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30 năm 2016 về cấp thị thực điện tử cho 46 quốc gia, đây cũng là giải pháp rất tích cực để thu hút khách du lịch đến Việt Nam.
PV: Các bộ ngành cần làm gì để phối hợp với Bộ VHTTDL trong việc phát huy thế mạnh của những chính sách cởi mở về visa, tránh các nút thắt về thủ tục hành chính khác, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Hồng: Theo tôi chính sách visa phải đồng bộ với chính sách phát triển kinh tế xã hội khác.
Ngoài việc tính toán liên quan quan đến đơn phương miễn thị thực thì chúng ta phải thay đổi toàn diện về chính sách visa. Như vừa trao đổi thì cấp thị thực điện tử cũng là một cách làm rất hiệu quả trong việc thu hút khách du lịch, vừa quản lý được người nước ngoài khi vào Việt Nam để đảm bảo yêu cầu bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Phải tăng cường hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực này đồng thời hoàn chỉnh Luật nhập cảnh xuất cảnh của người Việt Nam thì tôi nghĩ sẽ đồng bộ hơn về chính sách visa.
Các bộ ngành phải có sự thống nhất trong việc hoàn thiện các chính sách liên quan đến chính sách visa. Đồng thời, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, bởi vì đối với khách nước ngoài khi đến Việt Nam có rất nhiều hình thức liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh.
Ví dụ như các ngành Hải quan, Y tế, Hàng không, Công an, Bộ đội Biên phòng cần phải tiếp tục phối hợp để làm sao khách đến Việt Nam cảm nhận được sự thân thiện, thanh bình nhưng đồng thời phải chấp hành luật pháp Việt Nam.
PV: Với các doanh nghiệp du lịch trong nước, ông kỳ vọng gì vào việc phát huy các chính sách mới này trong thu hút khách nước ngoài
Ông Nguyễn Thanh Hồng: Chính sách thúc đẩy du lịch hiện nay phải nói là rất thuận lợi cho các doanh nghiệp để phát triển ngành kinh tế này. Các doanh nghiệp phải vươn lên tầm khu vực, làm thế nào phải có chính sách đầu tư vào hạ tầng du lịch để thu hút khách.
Thực ra tài nguyên du lịch của Việt Nam rất phong phú, tuy nhiên việc khai thác sử dụng đang còn lãng phí, thậm chí chưa mang lại hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp đang còn tư tưởng ngắn hạn, chưa có tầm nhìn chiến lược. Chúng ta cũng phải cố gắng khắc phục những tồn tại trong lĩnh vực này như môi trường, an toàn…, chính vì vậy các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch và chính quyền địa phương cần có sự phối hợp, tạo môi trường tốt để tăng tỷ lệ khách du lịch quay trở lại Việt Nam.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!
Thái Linh – Thế Công (thực hiện)