• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Miền xa thẳm" - lời tri ân đặc biệt tới các anh hùng liệt sĩ

Văn hoá 31/07/2024 08:05

(Tổ Quốc) - Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), tối 30/7, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội), Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội đã tổ chức chương trình nghệ thuật chính luận đặc biệt mang tên “Miền xa thẳm”.

Chương trình "Miền xa thẳm" là một lời tri ân chân thành tới các anh hùng liệt sĩ, và là một dịp để chúng ta cùng nhau nhắc nhớ và ghi ơn những người đã hy sinh vì Tổ quốc. Thông qua chương trình, mỗi người sẽ ý thức được trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc, tri ân và nhớ ơn những người đã hy sinh để đất nước có được hòa bình và độc lập như ngày hôm nay.

"Miền xa thẳm" - lời tri ân đặc biệt tới các anh hùng liệt sĩ - Ảnh 1.

Chương trình "Miền xa thẳm" là một lời tri ân chân thành tới các anh hùng liệt sĩ

Chương trình "Miền xa thẳm" được kết nối từ Hà Nội với 5 điểm cầu trên khắp cả nước: Đền thờ Anh hùng Liệt sĩ điểm cao 468 (Thanh Thủy, Hà Giang), Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang), Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 (Quảng Trị), Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị), Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo). Đây đều là những nơi linh thiêng, ghi dấu những hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ. Việc lựa chọn những địa điểm này nhằm tạo ra một không gian kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp khán giả cảm nhận sâu sắc hơn về ý nghĩa của sự hy sinh và lòng biết ơn đối với những người đã ngã xuống.

Biểu tượng của chương trình được lấy cảm hứng từ tượng đài "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" được đặt tại vườn hoa Vạn Xuân, Hà Nội. Hình ảnh một người phụ nữ mặc áo dài, cầm kiếm và một chiến sĩ cảm tử quân ôm bom ba càng tượng trưng cho tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

"Miền xa thẳm" - lời tri ân đặc biệt tới các anh hùng liệt sĩ - Ảnh 2.

Trong 120 phút, chương trình "Miền xa thẳm" đã giới thiệu khoảng 20 tác phẩm sống mãi với thời gian

Chia sẻ về lý do chọn hình tượng này, Giám đốc Trung tâm các chương trình giải trí của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, Tổng đạo diễn chương trình, nhà báo Ngô Thanh cho biết: "Tượng đài này không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là một biểu tượng mạnh mẽ về tinh thần yêu nước, về sự hy sinh cao cả của thế hệ cha anh. Dải cờ đỏ phía sau tượng đài như một lời nhắc nhở về truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc, đồng thời tượng trưng cho dòng máu nóng của các anh đã xả thân vì nước. Chúng tôi mong muốn thông qua hình ảnh này, truyền tải đến khán giả thông điệp về lòng biết ơn sâu sắc đối với các anh hùng liệt sĩ, đồng thời khơi dậy ý thức trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc trong mỗi người hôm nay".

Trong 120 phút, chương trình "Miền xa thẳm" đã giới thiệu khoảng 20 tác phẩm sống mãi với thời gian, được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật. Những tác phẩm này được chuyển soạn và phối khí lại cho dàn nhạc bán cổ điển, nhằm mang đến cho khán giả những cảm xúc sâu lắng, xen lẫn niềm tự hào. Qua đó, người xem càng thấu hiểu và trân trọng hơn giá trị của hòa bình. Đó là các ca khúc: "Màu hoa đỏ," "Biết ơn chị Võ Thị Sáu," "Bài ca bên cánh võng," "Miền xa thẳm," "Tổ quốc gọi tên mình"…

"Miền xa thẳm" - lời tri ân đặc biệt tới các anh hùng liệt sĩ - Ảnh 3.

Những tác phẩm này nhằm mang đến cho khán giả những cảm xúc sâu lắng, xen lẫn niềm tự hào.

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên bản gốc của ca khúc "Hát Giang trường hận" - tiền thân của bản nhạc "Hồn tử sĩ" nổi tiếng - được trình diễn trên sân khấu với tư cách một tác phẩm nghệ thuật độc lập. Điều này sẽ mang đến một góc nhìn mới, đầy bất ngờ cho khán giả. Tác phẩm của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước có hoàn cảnh sáng tác khá đặc biệt, gắn liền với những năm tháng tăm tối của đất nước, khi mà dân tộc vẫn chìm trong cảnh vong nô, mất nước.

Việc được nghe lại bản gốc "Hát Giang trường hận" trong một không gian âm nhạc hiện đại, với bản phối khí mới mẻ, đầy bi tráng giúp khán giả cảm nhận chiều sâu và ý nghĩa của tác phẩm âm nhạc vốn rất quen thuộc này.

"Miền xa thẳm" - lời tri ân đặc biệt tới các anh hùng liệt sĩ - Ảnh 4.

Qua đó, người xem càng thấu hiểu và trân trọng hơn giá trị của hòa bình

Ngoài các bài hát, chương trình còn có các tuyến phóng sự và tiểu phẩm kể về những câu chuyện hy sinh của các anh hùng liệt sĩ. Đó là ca mổ đau đớn nhất trong đời người của bác sĩ Vũ Đình Tụng (Bộ trưởng Thương binh, Cựu binh đầu tiên). Đó là "Vụ hành quyết Sài Gòn" (nhân vật chính Bảy Lớp trong bức ảnh gây chấn động thế giới mang tên "Vụ hành quyết Sài Gòn). Tiểu phẩm Bức tâm thư gửi cho hậu thế cũng sẽ là điểm nhấn có thể lấy nước mắt của người xem thông qua câu chuyện cảm động về bức thư được tìm thấy sau chiến tranh giữa rừng già Nam Bộ.

"Miền xa thẳm" - lời tri ân đặc biệt tới các anh hùng liệt sĩ - Ảnh 5.

Chương trình “Miền xa thẳm” tại điểm cầu Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo).

Chương trình "Miền xa thẳm" do nhà báo Ngô Thanh, Giám đốc Trung tâm các chương trình giải trí của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội làm Tổng đạo diễn và tác giả kịch bản; phối khí, dàn dựng công phu bởi Giám đốc âm nhạc, nhạc sĩ Thành Vương cùng phần biểu diễn của Dàn nhạc thính phòng Thăng Long và nhiều nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng trong nước như: NSND Tấn Minh, NSND Mai Hoa, NSƯT Vũ Thắng Lợi, Đông Hùng, Bảo Yến, Viết Danh…/.

Thương Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ