(Tổ Quốc) - Có lẽ trên văn đàn đất nước, Minh Chuyên là nhà báo, nhà văn duy nhất “đặt cược” đời mình vào thể loại ký viết về đề tài chiến tranh và những hậu hoạ sau chiến tranh. Tên tuổi Minh Chuyên đã xuất hiện như một hiện tượng đặc biệt.
Cuối năm 1971, từ Báo Quân khu Tả Ngạn về Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình làm cán bộ sáng tác văn học. Với Báo Thái Bình. Với bầu bạn đồng nghiệp, tôi có duyên với nhà văn, nhà báo Minh Chuyên ngay từ những buổi đầu gặp gỡ.
Ngày ấy, tôi và Minh Chuyên còn rất trẻ. Tôi từ quê hương Vĩnh Bảo chuyển về Thái Bình. Minh Chuyên, người Vũ Thư. Anh trở về làm phóng viên ở một tờ báo Đảng, sau mười năm lăn lộn chiến đấu trên khắp chiến trường Nam bộ.
Dường như, có gì đó trong “thần giao cách cảm,” trong cái “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.” Tôi yêu Minh Chuyên và gắn kết với anh trong thẳm sâu của cái gốc, cái nền: “Minh Chuyên con nhà thi thư, Nho học. Minh Chuyên đẹp trai. Minh Chuyên dịu lành, chân thật. Minh Chuyên giống như hạt lúa đồng, thật chân mộc, thảo thơm. Minh Chuyên viết báo. Viết Văn.” Rồi, gớm nữa. Minh Chuyên lặng lẽ sáng tác thơ. Thơ Minh Chuyên từng xuất hiện trên Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam. Thơ của một hồn thơ giàu chất trữ tình. Giàu thi vị. Giàu hình ảnh hình tượng. Giàu sức động ở vệt loang thấm, chảy dài.
Có một cái cớ làm tôi và Minh Chuyên có thêm nhiều nút buộc chặt bền. Đấy là, tôi công tác ở cơ quan Văn học. Minh Chuyên là Phóng viên Báo Đảng, nhưng nhiều khoá, Minh Chuyên “có chân” trong Ban Chấp hành, Ban thường vụ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh.
Ai đã từng gặp, từng sống cùng Minh Chuyên mới cảm thấm và hiểu sự hòa nhập, thống nhất của “Con người Minh Chuyên” với cái tên từ “thiên định, tại trời?” Hay, từ mẹ cha, đã thương yêu và đặt cho anh, là vậy.”
Hình ảnh Minh Chuyên, một “người trai” của đất làng Thọ Lộc nhỏ nghèo ở một vùng quê lúa. Minh Chuyên hiếu học. Thương cha kính mẹ. Hiếu thuận, đùm bọc đàn em.
Minh Chuyên không sợ gian lao, sớm đem mình quăng quật trước những khó khăn, vất vả đời thường. Nhiều năm làm phóng viên ở một cơ quan báo, đồng nghiệp nhìn Minh Chuyên làm việc mà “gật gù”, nể trọng.
Với chiếc xe đạp cà tàng, Minh Chuyên suốt ngày “chạy” xuôi ngược trên đường. Anh bám các “cơ sở,” hăm hở với những chuyến “Đi và viết”.
Tôi có dịp đi “thực tế” cùng Minh Chuyên về các làng quê, các đơn vị trong tỉnh, cả những chuyến đi dài ngày tới Sơn La, Lai Châu hay nhiều miền đất khác.
Thật khó học được cái kiểu “tác chiến” của Minh Chuyên. Với công việc làm báo. Minh Chuyên luôn xông xáo, lao vào hỏi chuyện, lấy tin. Rồi, khi ngồi họp, lúc người ta nghỉ ngơi, Minh Chuyên vẫn tựa lưng vào góc tường, kê giấy lên đùi, vừa nhẩm đọc vừa hí hoáy viết.
Minh Chuyên viết để kịp nộp cho Ban Biên tập Báo, cho đủ kế hoạch được giao. Viết để trả nợ bài “com-măng” của Đài Phát thanh, của Tập san Ty Thông tin Văn hóa...
Rồi, còn nữa, nhiều bạn viết, từng hỏi: “Nhà văn đã “cày” vào lúc nào mà, ngoài báo chí còn bao nhiêu Bút ký, truyện ngắn, kịch bản sân khấu, điện ảnh rồi lại trực tiếp dàn dựng, quay phim?…
Là người cầm bút, cái đáng nói không phải ở lượng đầu sách hay ở số lượng trang viết. Nhưng, nhìn vào công cuộc lao động sáng tạo của Minh Chuyên đủ thấy một sức vóc lao động thật tâm huyết của tâm hồn, trí tuệ với tài năng có được của anh.
(Ảnh minh họa từ clip nhà văn Minh Chuyên) |
Minh Chuyên đã có 15 tập sách, bao gồm bút ký, truyện, tiểu thuyết, 105 kịch bản sân khấu, điện ảnh, phim tài liệu được dàn dựng, công diễn và phát sóng truyền hình. Anh đã đoạt 9 giải thưởng văn học nghệ thuật trong nước và quốc tế. Trong đó, có 32 giải nhất (hai giải nhất văn chương) và 10 Huy chương Vàng. Từ thành công ở thể loại bút ký với vệt quan tâm riêng biệt, những năm qua, đã có 4 công trình khoa học nghiên cứu về bút ký văn học của Minh Chuyên trong luận văn sinh viên đại học.
Là bạn thân, lại là bạn cầm bút, tôi hiểu, Minh Chuyên luôn ý thức rất rõ về vai trò, sứ mệnh với trách nhiệm cao cả trên mỗi trang viết của mình. Anh nói, “Đứng trước nỗi đau của con người, của nhân loại, không thể nhắm mắt, thờ ơ, né tránh, tự mình tước đi cái thiên chức thiêng liêng của người cầm bút…” Và, anh đã thực sự đắm mình vào những cuộc săn tìm với không ít gian lao, vất vả.
Có tới hai mươi năm lại đây, từ cơ quan báo Thái Bình về làm đạo diễn chính phim tài liệu Đài truyền hình Việt Nam, trên văn đàn đất nước, Minh Chuyên là nhà báo, nhà văn duy nhất “đặt cược” đời mình vào thể loại ký viết về đề tài chiến tranh và những hậu hoạ sau chiến tranh. Tên tuổi Minh Chuyên đã xuất hiện như một hiện tượng đặc biệt.
Có thể kể, từ bút ký “Thủ tục để làm người còn sống” in trên Báo Văn nghệ tháng 5/1988 là tác phẩm đầu tiên của Minh Chuyên làm xôn xao dư luận cả nước. Tiếp đó là “Người không cô đơn”, “Nước mắt làng”, “Vào chùa gặp lại”, “Đứa con màu da thú”, “Cha con người lính”… Rồi, gần đây là “Gió lành, gió dữ” hay bộ phim tài liệu mang tên “Linh hồn Việt cộng”… Giữa dòng chảy lớn, Minh Chuyên đã chọn cho mình một vệt đi, làm nên gương mặt riêng, được khẳng định, được coi là “cây viết ký hiếm hoi trong làng báo, làng văn của đất nước”…
Toàn bộ trang viết của Minh Chuyên đều bám sâu vào đề tài chiến tranh, đặc biệt là những hậu hoạ, những bức xúc lớn sau cuộc chiến. Bằng tấm lòng nhân ái, cảm thấm trước nỗi đau, trước sự hy sinh cao cả của đồng đội, những người đã hiến dâng xương máu đời mình cho Tổ quốc, Minh Chuyên gần như đã dành cả quãng dài của đời người cầm bút, bền bỉ và mải miết đi tìm những cảnh ngộ xót đau, bi kịch. Những số phận đầy éo le, oan trái. Những bóng dáng ly kỳ, khủng khiếp của những cuộc chiến đổ xuống đã phá huỷ, tiêu diệt và làm biến dạng bao sinh mệnh phế tàn, đau đớn. Hình ảnh anh thương binh Trần Quyết Định chịu bao cảnh cực kỳ bi đát trong “Thủ tục để làm người còn sống”. Rồi, Thắng, một chiến sĩ bị thương, lạc đường sống giữa bầy vượn nơi cánh rừng hoang vắng. Rồi, bé Thịnh, bé Thoa… cảnh kinh hoàng, rùng rợn trong “Đứa con màu da thú”. Rồi, cảnh ngậm ngùi, xót đau của những nữ thanh niên xung phong đã tìm đến cửa thiền gửi mình, trước những hy sinh, mất mát, trước những hoàn cảnh riêng tư gây xúc động đến hàng triệu cõi lòng…
Có được trang viết đầy ắp tư liệu như vậy, với Minh Chuyên không phải chỉ một ngày, một tuần hay một tháng. Không ít người cùng làm việc với anh phải “chịu” Minh Chuyên cái sức đi và những “mánh” đào tìm các tình tiết, sự kiện. Minh Chuyên kể, đôi khi bài viết chỉ “tung lên” được vậy. Nhưng, tài liệu lấy về thì nhiều tới cơ man. Bởi, anh là người say đi. Phần nữa, những con người, sự việc anh gặp đã làm anh trở trăn, đau đáu đến mất ăn, mất ngủ. “Làm thế nào để góp phần cứu được những con người, những cảnh ngộ, giúp họ vơi đi nỗi xót đau của thân phận con người?…” Minh Chuyên đến với nhân vật mình viết như sự cảm thấm, sẻ chia và sự an ủi nào đó của lương tâm và trách nhiệm “người đứng về phía nước mắt”.
Minh Chuyên đẹp, lành như con gái. Nhưng, “gan” Minh Chuyên cũng chẳng phải loại vừa. Nhiều bài viết của Minh Chuyên đã gây chuyện “động trời”. Còn nhớ, khi bút ký “Thủ tục để làm người còn sống” xuất hiện trên báo. Lúc ấy, không khí xã hội chưa được “cởi mở”, Minh Chuyên lại đang ở cơ quan báo tỉnh. Minh Chuyên “bị đe” đã bôi nhọ hậu phương Thái Bình, gây ảnh hưởng xấu cho lực lượng quân đội. Các cuộc “phán xét” diễn ra căng thẳng. Từ tỉnh đội, Ban tuyên giáo tỉnh đến Bộ Quốc phòng… Minh Chuyên đương đầu với quá nhiều rắc rối, nhưng anh vững tin vào bản lĩnh và hiện thực trang viết.
Cùng với sự đương đầu trước búa rìu phức tạp của dư luận, Minh Chuyên còn nhiều phen gánh chịu nỗi gian nan, cơ cực. Anh đã cùng Trần Quyết Định (nhân vật trong bài viết) lặn lội hàng tháng trời vào tận nghĩa trang miền Nam, nơi có ngôi mộ mang tên Trần Quyết Định. Anh lại cùng Định tìm về Hà Bắc, gặp gia đình người đồng đội, “Trần Quyết Định trùng tên”. Năm tháng này, mọi người còn nghèo. Minh Chuyên từng chịu đói. Giấc ngủ vạ vật dọc đường. Có bữa trong túi hết tiền, anh cùng “nhân vật” phải nhảy tàu trốn vé, bị “bắt giữ”. Nhưng ở chính “vụ” này, anh lại gặp may, được “nhà tàu” giúp đỡ, coi như khách quý, bởi nhà báo Minh Chuyên đang trên đường đi làm việc nghĩa.
Quả tình, từ những trang bút ký, Minh Chuyên đã chịu nhiều “sóng gió” đổ xuống đầu mình. Trước nhất là sự kỳ công, khó nhọc ở tư liệu săn đuổi. Sau nữa, những vấn đề đặt ra thường gây dư luận lớn, kèm theo đó là tháng ngày Minh Chuyên phải cùng mọi người, có khi là cả tổ chức xã hội trong việc giải quyết các liên quan đến chế độ, chính sách… Những gì diễn ra ở phía sau trang viết.
Cái hay của bút ký Minh Chuyên là những hiện thực đời sống được mô tả, phản ánh hết sức điển hình. Là mảng đề tài mà chỉ có anh mới có được sự quan tâm đến độ đậm, độ trội vượt như vậy. Bút ký Minh Chuyên, chẳng những giàu chất văn, ở đấy còn là cả tài năng tái tạo và sáng tạo, làm sống dậy những cảnh đời khắc khoải, thương tâm. Điều cao cả, cốt lõi, là mấu chốt làm nên điểm sáng xuyên suốt Minh Chuyên - Bút ký, là tấm lòng nhân ái, là tình thương mà người viết luôn đứng bên “những cuộc đời - nước mắt”, những nỗi khổ đau với ý thức “đền ơn đáp nghĩa hay uống nước nhớ nguồn.”
Bằng ngòi bút, qua bút ký sống động, hữu ích vì ý nghĩa to lớn con người, những trang viết của Minh Chuyên đã thực sự tác động mạnh mẽ tới công chúng rộng lớn trong xã hội, cuốn hút nhiều loại hình nghệ thuật khác ở khả năng riêng trong tái tạo, sáng tạo, đẩy tới nhiều hiệu quả mới mẻ và thiết thực.
Cũng từ bút ký của Minh Chuyên, một Trần Quyết Định trong “Thủ tục để làm người còn sống” đã vượt qua những bi đát, có được cuộc sống đẹp đời thường. Anh thương binh Nguyễn Đình Thúc sau nhiều năm lang thang, đã tìm được quê hương, cùng mẹ cha, anh em, láng giềng đoàn tụ. Rồi, từ thước phim “Linh hồn Việt cộng” còn nóng hổi vừa được trình chiếu trên làn sóng Đài truyền hình Việt Nam (23/7/2008), Minh Chuyên đã cùng gia đình liệt sỹ tìm và đưa được hài cốt liệt sỹ Hoàng Ngọc Đảm trở về quê hương trước sự xúc động không mấy ai cầm nổi nước mắt.
Những năm qua, Minh Chuyên đã nhận được khối lượng thư đồ sộ. 4000 lá thư từ khắp miền đất nước. (Riêng 600 bức thư cho bút ký “Thủ tục để làm người còn sống”). Đấy là tất cả tâm tình, lời sẻ chia, cảm phục một nhà báo, nhà văn vì con người, vì sự công minh và chân lý trước sự quý yêu, trân trọng của họ.
Hoà thượng Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch Hội Phật giáo Việt Nam đã cảm rung từ bút ký “Người không cô đơn” của Minh Chuyên, năm 1992, ông đã khởi xướng “Quỹ người không cô đơn” sau đổi thành “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” có số tiền lên tới hơn 170 tỷ đồng. Cũng từ những bút ký về di hoạ chất độc hoá học, di hoạ chiến tranh, những trang viết của Minh Chuyên đã và đang tác động tích cực tới chính sách xã hội. Bước đầu, hàng triệu nạn nhân nhiễm chất độc do chiến tranh trên đất nước đã được trợ cấp hàng tháng từ 85.000 đồng đến 300.000 đồng… Những tác phẩm của Minh Chuyên còn góp phần giúp các nạn nhân có thêm cứ liệu khởi kiện các công ty sản xuất chất độc hoá học của Mỹ đã gây nên thảm hoạ kinh hoàng cho đất nước và nhân dân Việt Nam …
Minh Chuyên xứng đáng là một nhà văn xuất sắc của thể loại bút ký trên văn đàn đất nước. Anh là nhà báo, nhà văn thật trân trọng và đáng yêu của người lính thời hậu chiến trên đất Việt chúng ta.
Vâng. Có tới, gần hai mươi năm cùng Minh Chuyên chung sống trên mảnh đất Thái Bình. Rồi, từ buổi Minh Chuyên về Đài Truyền hình Việt Nam. Tôi trở về Hải Phòng, đất mẹ. Minh Chuyên trong tôi vẫn đặn đầy tình bạn, thủy chung, ân nghĩa.
Mỗi lần về đất Cảng, Hải Phòng, Minh Chuyên thường không quên gọi tôi, hoặc tìm đến tận căn nhà nằm khuất sâu bên dòng sông Dế. Chúng tôi lại sum vầy, tri kỷ.
Minh Chuyên thật xuất sắc trong nghề báo, nghề văn.
Với tôi, Minh Chuyên mãi là người tôi quý yêu, nể trọng.
Kim Chuông