(Tổ Quốc) - Phân tích từ The Economist về cơ sở dữ liệu thời gian thực chỉ ra rằng các giải pháp phục hồi nền kinh tế có thể dễ dàng đi chệch hướng do tâm lý người tiêu dùng đang đề phòng và lo sợ đại dịch có khả năng bùng phát trở lại trong tương lai.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã tiến hành mở cửa nền kinh tế. Tuy nhiên, các quốc gia phát triển đang phải đối mặt với những khó khăn nhất định trong công cuộc này.
Hầu hết các nhà dự báo cho rằng sau khi nền kinh tế liên tiếp sụt giảm trong nửa đầu năm 2020, GDP của các nước tiên tiến sẽ dễ dàng đạt được mức trước khủng hoảng trong một thời gian ngắn. Nhưng không phải sự phục hồi nào cũng dễ dàng.
Các chuyên gia cho rằng nền kinh tế của hai quốc gia Đức và Hàn Quốc sẽ có khả năng phục hồi hình chữ V. Lý do là các chuyên gia nhận định đường GDP của các quốc gia khác hầu như là mô hình chữ L hoặc W. Phân tích từ The Economist về cơ sở dữ liệu thời gian thực chỉ ra rằng các giải pháp phục hồi nền kinh tế có thể dễ dàng đi chệch hướng, do tâm lý người tiêu dùng đang đề phòng và lo sợ một đại dịch mới có khả năng bùng phát trong tương lai.
Từ tháng 2 đến nay, khi chính phủ các nước bắt đầu thực hiện đóng cửa nền kinh tế, sản lượng liên tục giảm và không có dấu hiệu tích cực đáng kể. GDP trong quý hai có thể sẽ bị điều chỉnh bởi nhiều yếu tố từ suy thoái nền kinh tế. Cơ cấu ngành chỉ là một yếu tố nhỏ. Khảo sát về hoạt động kinh tế tại Đức chỉ ra rằng, các chính sách về điều chỉnh nền kinh tế giữa tháng 3 và tháng 5 được làm tốt hơn khi so với Pháp, Ý hoặc Tây Ban Nha.
Điều này có thể do cơ cấu ngành công nghiệp của các quốc gia khác nhau. Đức là quốc gia đứng đầu về sản xuất công nghiệp, vì vậy việc vừa tiếp tục duy trì sản lượng, vừa đảm bảo giãn cách xã hội có thể được thực hiện dễ dàng hơn so với các quốc gia có nền kinh tế tập trung vào ngành dịch vụ, du lịch, nhà hàng – khách sạn. Một chuyên gia tư vấn của Capital Economics đã lập luận rằng Ba Lan là đất nước ít chịu tổn thương nhất trong thời điểm suy thoái kinh tế năm nay, khi mà GDP của đất nước này phụ thuộc rất ít vào lượng khách du lịch người ngoài.
Chính phủ các quốc gia đã thực hiện đóng cửa nền kinh tế, đóng góp một vai trò lớn trong việc thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân. Nghiên cứu của ngân hàng Goldman Sachs đã chỉ ra rằng các quy định nghiêm ngặt về đóng cửa nền kinh tế cũng như giãn cách xã hội có mối tương quan chặt chẽ với tình hình tài chính. Theo khảo sát, Ý là quốc gia đóng cửa nền kinh tế lâu nhất. GDP trong nửa đầu năm 2020 của đất nước này giảm xuống khoảng 10% - một mức được coi là rất lớn đối với một quốc gia đang còn gặp nhiều khó khăn ngay cả trước đại dịch. GDP của Hàn Quốc có khả năng cao sẽ giảm tới 5%.
Mở cửa nền kinh tế là một cơ hội cho các quốc gia thúc đẩy hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có những chính sách thúc đẩy nền kinh tế khác nhau. Dữ liệu về thời gian thực chỉ ra rằng Hoa Kỳ và Tây Ban Nha là các quốc gia đang đi sai hướng, không chỉ ở trong cách ngành dịch vụ mà còn thấy rõ từ dữ liệu ở các trạm giao thông công cộng.
Có thể thấy rõ một số quốc gia khác đang có những chính sách hồi phục kinh tế đúng hướng. Điển hình như ở Đan Mạch và Na Uy, đến cuối tháng 6, đời sống kinh tế đã trở lại ổn định. Doanh số bán lẻ của Đan Mạch tăng hơn 6% so với cùng kỳ trong tháng 5, trong khi ở Anh, con số này đã giảm ở mức hai chữ số. Tại Đức, tất cả các nhà hàng đã đóng cửa vào tháng 5. Nhưng trong những ngày gần đây, họ bắt đầu mở cửa và hoạt động hết công suất.
Rất nhiều yếu tố có thể ảnh hướng đến tốc độ phục hồi của một nền kinh tế. Một trong số đó là tình trạng tài chính của các hộ gia đình. Chính phủ ở nhiều quốc gia đã có những chính sách hỗ trợ các hộ gia đình trong thời gian này: do vậy người dân có thể tiết kiệm tiền trong thời gian nền kinh tế đóng cửa và bắt đầu chi tiêu khi nền kinh tế mở cửa.
Đây cũng là một chính sách kích thích chi tiêu của chính phủ, và tập trung vào đối tượng là những hộ gia đình. Ví dụ như ở Hàn Quốc, các hộ gia đình đã chi 80% số tiền được hỗ trợ khẩn cấp trong giai đoạn đại dịch này, tương đương với 10 ngàn tỷ won hay 0,5% trên GDP cả nước. Kết quả là, nền kinh tế phục hồi nhanh hơn so với nền kinh tế ở một số quốc gia tiên tiến khác.
Dự đoán tổng thu nhập các hộ gia đình ở Nhật Bản trong năm nay sẽ tăng, một phần nhờ vào các khoản hỗ trợ khẩn cấp từ chính phủ. Ngược lại, chính phủ Ý đã áp dụng chính sách tài khoá để kích thích nền kinh tế. Tuy nhiên, Ý là một quốc gia có nợ công cao ở mức đáng báo động, do vậy chính sách này vẫn không đủ mạnh để kích thích nền kinh tế.
Những chính sách này sẽ không được áp dụng hiệu quả nếu chỉ số niềm tin người tiêu dùng ở ngưỡng đáng báo động. Điển hình như ở Hoa Kỳ, mặc dù người dân được hỗ trợ khẩn cấp đáng kể, họ vẫn rất thận trọng trong chi tiêu. Khảo sát cho thấy rằng, nếu chỉ số niềm tin người tiêu dùng thấp, thì dù mở cửa nền kinh tế, tình trạng cũng sẽ không khả quan hơn. Báo cáo phân tích các quận ở Hoa Kỳ bởi Austan Goolsbee và Chad Syverson thuộc Đại học Chicago cho thấy, tỷ lệ tử vong do Covid-19 tăng có liên quan đến hoạt động tiêu dùng tiết kiệm của người dân.
Đây là một dấu hiệu đáng báo động. Theo phân tích của The Economist sử dụng các dữ liệu từ Google về các trạm giao thông công cộng, những quốc gia có tỷ lệ tử vong thấp do Covid-19 sẽ dễ dàng hơn trong việc khôi phục nền kinh tế. Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng cũng ảnh hưởng bởi thời gian nền kinh tế đóng cửa. Na Uy chỉ mất 10 ngày để kích thích nền kinh tế đang từ mức thấp nhất sau khi đóng cửa. Tuy nhiên, nhiều quốc gia châu Âu khác lại phải mất đến 10 tuần. Đây cũng là lý do tại sao người dân ở Anh và Tây Ban Nha vẫn phải thận trọng trong chi tiêu.
Các dữ liệu di động mới nhất cho thấy rõ ràng chỉ số niềm tin của người tiêu dùng mong manh đến mức nào. Các khu vực nóng tại Hoa Kỳ như Arizona, Florida và Nevada, những bang có tỷ lệ nhiễm bệnh tăng cao, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng ở những khu vực này đều rất thấp. Chính sách kích thích chi tiêu qua thẻ tín dụng được phát hành bởi Ngân hàng JPMorgan Chase ở Hoa Kỳ đã ngừng tăng trưởng vào ngày 21/6 năm nay.
Phân tích cũng chỉ ra rằng doanh số bán lẻ hàng tuần hầu như không hề tăng kể từ tháng 5. Đáng lo ngại hơn, thị trường lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang giảm đi đáng kể. Hoa Kỳ đang đứng trước nguy cơ cao sẽ rơi vào tình trạng suy thoái một lần nữa.
Đầu tháng 7, các nhà hàng Úc cũng cho biết rằng lượng khách hàng của họ giảm đi rõ rệt khi một đợt bùng phát dịch bệnh xảy ra ở tiểu bang Victoria.
Sẽ không có gì chắc chắn cho đến khi dịch bệnh hoàn toàn được dập tắt. Hiện tại, chúng ta chỉ có thể chắc chắn một điều rằng cơ cấu nền kinh tế sẽ dịch chuyển theo hướng khác trong tương lai.