Ngày 20.11.2024, trong khuôn khổ Đề án khoa học cấp quốc gia “Phát triển nghệ thuật ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đoàn cán bộ Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã có chuyến khảo sát tại Cộng hòa Pháp, thăm và làm việc với đại diện của Viện Pháp (Institut Français). Viện Pháp là tổ chức nằm dưới sự quản lý của Bộ Ngoại giao và Châu Âu, chịu trách nhiệm quảng bá ngôn ngữ, văn hóa và nghệ thuật Pháp trên toàn thế giới. Từ khi hình thành, Viện Pháp đã thực hiện nhiều chương trình văn hóa ngoại giao toàn cầu, góp phần vào đối thoại văn hóa giữa các quốc gia.
Tiếp đoàn tại trụ sở chính ở địa chỉ số 40 rue de la Follie Regnault 75011 tại thủ đô Paris có bà Eva Nguyễn Bình - Chủ tịch Viện Pháp, bà Marie-Cécile Burnichon - Phó Giám đốc Viện Pháp, ông Olivier Delpoux - Trưởng ban Sáng tạo Kỹ thuật số và Nghe nhìn, bà Mathilde Bezard - Giám đốc Dự án Âm nhạc Cổ điển và Đương đại, Bà Laura Davy - Trưởng ban Nghệ thuật Thị giác, Kiến trúc, Thiết kế và Thời trang, ông Paul Abela - Điều phối viên dự án, Phòng hỗ trợ mạng lưới văn hóa Pháp ở nước ngoài.
Đoàn Việt Nam do PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương – Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam dẫn đầu, các thành viên gồm: bà Trần Hải Vân - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; PGS.TS. Đỗ Thị Thanh Thủy - Trưởng ban Nghiên cứu Văn hóa; Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; TS. Trần Thị Thủy, Trưởng phòng Khoa học, Đào tạo, Hợp tác quốc tế, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chuyên viên Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên; Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Buổi làm việc đã diễn ra trong bầu không khí cởi mở và hữu nghị. Đoàn được nghe bà Eva Nguyên Bình giới thiệu tổng quan về mô hình quản trị văn hóa Pháp cũng như vai trò của Viện Pháp, nhìn nhận những cơ chế, chính sách then chốt của chính phủ Pháp trong việc tạo động lực và thúc đẩy một đời sống/cảnh quan nghệ thuật tiên phong và đầy sức sống tại Pháp, cụ thể là các chính sách như: ưu đãi thuế cho các chủ thể đầu tư vào văn hóa nghệ thuật, khuyến khích sự phát triển mạnh mẽ của các các tổ chức phi lợi nhuận (bao gồm các hiệp hội); đầu tư mạnh mẽ của nhà nước Pháp vào các vấn đề then chốt như: giáo dục nghệ thuật, cơ sở hạ tầng và ngoại giao văn hoá. Bên cạnh đó là sự gắn kết trong mạng lưới làm việc giữa các nghệ sĩ, chuyên gia, người thực hành sáng tạo, tính kết nối giữa mạng lưới thiết chế văn hóa ở nhiều cấp độ trung ương đến địa phương cũng như sự thiết lập của các cơ quan điều phối trong từng lĩnh vực nghệ thuật cụ thể. Viện cũng chú ý đến những vấn đề quan trọng khác trong hỗ trợ sáng tạo nghệ thuật và các chương trình hợp tác quốc tế về sáng tạo kỹ thuật số…
Từ trước đến nay, Pháp và Việt Nam đã có truyền thống kết nối và giao thoa mạnh mẽ trong dòng chảy văn hóa nghệ thuật nhưng chưa có nhiều chia sẻ về chính sách, cơ chế cho văn hóa nghệ thuật. Trong bối cảnh đó, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương đề nghị nên gia tăng sự phối hợp trong nghiên cứu, tư vấn chính sách giữa Viện Pháp và Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam – cơ quan tư vấn chiến lược hàng đầu về chính sách của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam, từ đó đem đến những tác động nhiều chiều và xuyên suốt về vai trò của Viện Pháp với Việt Nam.
Ghi nhận những mong muốn từ phía đoàn Việt Nam, đại diện Viện Pháp cam kết sẽ kết nối các chuyên gia về chính sách văn hóa nghệ thuật nước bạn tham gia vào các hoạt động sắp tới của VICAS tại Việt Nam, bao gồm Hội thảo quốc tế "Thực trạng và giải pháp phát triển nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh đương đại vì sự phát triển bền vững" (dự kiến tổ chức năm 2025 tại Việt Nam), đồng thời phía bạn sẽ giới thiệu các chương trình, dự án tiềm năng để 2 bên hợp tác.
Buổi làm việc đã đạt nhiều kết quả tốt đẹp, mở ra những cơ hội hợp tác thiết thực giữa Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam với Viện Pháp trong tương lai.