• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mở rộng hợp tác phát triển sản phẩm làng nghề Hà Nội và các tỉnh phía Bắc

Văn hoá 22/11/2022 20:35

(Tổ Quốc) - Chiều ngày 22/11, tại trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã tổ chức hội nghị hợp tác phát triển sản phẩm làng nghề Hà Nội và các tỉnh phía Bắc

Hội nghị được tổ chức nhằm tạo điều kiện, cơ hội gặp gỡ giữa các nhà phân phối, người tiêu dùng trong các tỉnh có nhu cầu tiêu dùng lớn; qua đó các đơn vị nắm bắt được thông tin về các sản phẩm và thúc đẩy hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm địa phương. Việc tổ chức các hoạt động hợp tác, kết nối thương mại, tiêu thụ sản phẩm là một trong những hoạt động cần thiết, cụ thể hóa đề án phát triển thị trường trong nước gắn với thực hiện cuộc vân động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam" của Bộ Công Thương, nhằm hỗ trợ đầu ra của sản phẩm cho các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất nhằm tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu.

Mở rộng hợp tác phát triển sản phẩm làng nghề Hà Nội và các tỉnh phía Bắc - Ảnh 1.

Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam – ông Lưu Duy Dần phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam – ông Lưu Duy Dần cho biết: "Bên cạnh mục đích chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn, trở ngại trong thực tiễn quá trình triển khai công tác quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm Làng nghề. Đây là cơ hội để các Bộ, ban, ngành, địa phương và các cơ sở sản xuất làng nghề, các nghệ nhân, hợp tác xã, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trao đổi, đề xuất một số biện pháp khuyến khích phát triển những sản phẩm, mặt hàng là lợi thế của các vùng miền, tỉnh thành phố trong cả nước; xây dựng và phát triển mạng lưới phân phối sản phẩm làng nghề giữa các doanh nghiệp, hộ sản xuất và hợp tác xã… với các đối tác, chuỗi phân phối. Đồng thời chia sẻ, kiến nghị định hướng tuyên truyền, quảng bá kết nối thị trường cho sản phẩm làng nghề trong thời gian tới; giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển làng nghề của Việt Nam".

Mở rộng hợp tác phát triển sản phẩm làng nghề Hà Nội và các tỉnh phía Bắc - Ảnh 2.

Các đại biểu trao đổi chia sẻ tại Hội nghị

Tại Hội nghị đại diện các làng nghề chia sẻ, trao đổi những khó khăn, mong muốn khi phát triển sản xuất kinh doanh làng nghề, duy trì và bảo tồn nghề nghiệp truyền thống địa phương. Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc - Ông Phạm Khắc Hà cho biết: "Hiện nay các làng nghề vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, ví dụ như làng nghề Vạn Phúc chúng tôi gặp khó khăn khi nhập các nguyên liệu tuy phần lớn các nguyên liệu được nhập tại Việt Nam nhưng giá thành lại của nước ngoài vì có nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng nhập các nguyên liệu từ Việt Nam nên cơ sở sản xuất nguyên liệu cũng bán giá cho chúng tôi theo giá nước ngoài. Đây là một điều thiệt thòi với làng nghề như chúng tôi nên tôi mong muốn đề nghị được xây dựng những vùng nguyên liệu bền vững cho các làng nghề, đó là một việc hết sức quan trọng và rất cần thiết.

Ngoài ra, chúng ta cần hợp tác liên kết nhiều làng nghề với nhau để phát triển được các tour du lịch làng nghề nhằm tạo được sự hấp dẫn thu hút khách du lịch bởi vì khách du lịch rất thích tham quan và trải nghiệm cuộc sống tại các làng nghề. Đồng thời, cần phát triển liên kết giữa các làng nghề trao đổi sản phẩm, ví dụ sản phẩm về lụa của chúng tôi thì có thể liên kết với các đơn vị sản xuất áo, quà tặng… Đây là một cách giải quyết tiêu thụ sản phẩm trong nước và còn có cơ hội sản xuất ra nước ngoài. Qua hội nghị này, tôi mong các Hiệp hội Làng nghề Việt Nam và Bộ Công thương cùng với các đơn vị tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho chúng tôi cùng nhau phát triển hơn nữa"

Mở rộng hợp tác phát triển sản phẩm làng nghề Hà Nội và các tỉnh phía Bắc - Ảnh 3.

Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc - Ông Phạm Khắc Hà

Bên cạnh đó, chuyên gia thủ công mỹ nghệ - Họa sĩ Vũ Hy Thiều cho biết, "Việc hợp tác giữa làng nghề với nhau, giữ làng nghề với các doanh nghiệp là vấn đề hết sức quan trọng, cách này để giải quyết được nhiều vấn đề cả về kinh tế, xã hội và thị trường. Sự hợp tác giữa làng nghề này với làng nghề kia, nó cho phép chúng ta kết hợp chất liệu, kĩ thuật ở trong từng sản phẩm vì nhu cầu sản phẩm ngày càng tăng cao và đòi hỏi có sự đổi mới. Do đó sự hợp tác giữa các làng nghề khác nhau sẽ tạo được những hình thức mới đáp ứng được nhu cầu thị trường. Ngoài ra, cần phải hợp tác giữa làng nghề với các chuyên gia đặc biệt với những chuyên gia về marketing, kĩ thuật, sự hợp tác đó sẽ giúp làng nghề sẽ có những bước tiến mới thích nghi với nền kinh tế thị trường và cơ sở sản xuất của trong chúng ta sẽ ngày càng phát triển".

Mở rộng hợp tác phát triển sản phẩm làng nghề Hà Nội và các tỉnh phía Bắc - Ảnh 4.

Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương – Bà Lê Việt Nga

Sau khi lắng nghe các ý kiến của đại diện làng nghề, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước – bà Lê Việt Nga cho biết, Bộ Công Thương luôn sẵn sàng hỗ trợ cho các làng nghề về việc giữ nghề, nâng cao được giá trị làng nghề, về kĩ thuật và máy móc thiết bị. Bộ Công Thương đã hỗ trợ cho các làng nghề tham gia chương trình tôn vinh Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú được nhà nước công nhận. Ngoài ra, Bộ Công Thương đang ấp ủ một chương trình rất cao cấp đến với các Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú, qua đó hàng hóa không phải bán theo cách thông thường mà có thể theo công nghệ số như những bộ sưu tập nghệ thuật trên thế giới hiện nay.

Về thị trường, Bộ Công Thương chủ trì rất nhiều chương trình chuỗi cung cấp cung ứng hàng hóa và phân phối hàng hóa về sản phẩm làng nghề. Bộ Công Thương đã làm việc với các đơn vị siêu thị lớn có những không gian rất rộng, vào mỗi dịp cuối tuần sẽ dành một khoảng không gian để trưng bày các sản phẩm của các làng nghề nhằm giúp sản phẩm của các làng nghề được tiếp cần với người tiêu dùng nhiều hơn nữa.

Mở rộng hợp tác phát triển sản phẩm làng nghề Hà Nội và các tỉnh phía Bắc - Ảnh 5.

Ký kết hợp tác giữa các làng nghề và doanh nghiệp

Trong khuôn khổ hội nghị, còn có hoạt động kết nối, xúc tiến ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các làng nghề truyền thống và doanh nghiệp trên cả nước, tăng cường đưa các sản phẩm làng nghề vào giới thiệu, tiêu thụ tại các điểm du lịch, các chuỗi siêu thị, khu tham quan… và xuất khẩu đi các thị trường trên thế giới.

Thu Thương

NỔI BẬT TRANG CHỦ