• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mở rộng số lượng ngoại ngữ vào trường phổ thông: Cân nhắc

Giáo dục 31/10/2016 06:16

(Tổ Quốc) -Thường trực Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (gọi tắt là Ủy ban) vừa có ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về giáo dục và đào tạo (đã gửi tới các đại biểu Quốc hội).

Liên quan tới việc tổ chức dạy học ngoại ngữ trong trường phổ thông, Ủy ban này khẳng định việc ủng hộ việc đưa nhiều ngoại ngữ vào giảng dạy trong nhà trường của Bộ Giáo dục- Đào tạo.

Theo Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020 đang triển khai, môn tiếng Anh được đưa vào giảng dạy trong nhà trường phổ thông là ngoại ngữ thứ nhất (môn học bắt buộc, được dạy trong 10 năm, từ lớp 3; gọi là hệ 10 năm). Bên cạnh tiếng Anh, một số ngôn ngữ khác cũng được giảng dạy như ngoại ngữ thứ nhất ngay từ cấp tiểu học (tiếng Pháp) hoặc từ cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông (tiếng Nga, tiếng Trung); hoặc mới được thí điểm đưa vào dạy từ lớp 3 (tiếng Nhật). Hiện nay, ngành giáo dục đang chuẩn bị kế hoạch đưa các môn học tiếng Nga và tiếng Trung từ hệ 7 năm thành hệ 10 năm.

Theo Ủy ban, đây là xu thế tất yếu khách quan, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quan hệ đối ngoại của quốc gia cũng như nhu cầu của học sinh và các địa phương

Việc mở rộng số lượng ngoại ngữ đưa vào trường phổ thông, số lượng ngoại ngữ bắt buộc cần được cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở nhu cầu thực tiễn

Tuy nhiên, Ủy ban này cũng rất thận trọng khi khẳng định, việc triển khai mở rộng đại trà hoạt động dạy và học đối với bất kỳ một ngoại ngữ nào trong hệ thống giáo dục quốc dân cũng đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo về chương trình, tài liệu giảng dạy, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy và học ngoại ngữ một cách thực chất và hiệu quả.

Do vậy, Ủy ban này cho rằng cần có tổng kết, đánh giá nghiêm túc thực trạng triển khai dạy và học ngoại ngữ thời gian qua; đánh giá hiệu quả đạt được theo từng phân đoạn, so sánh với các chỉ tiêu đặt ra; phân tích kỹ lưỡng, làm rõ những kết quả đạt được và nhất là những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân để có những giải pháp kịp thời, phù hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và làm căn cứ cho việc xây dựng định hướng và triển khai dạy và học ngoại ngữ trong những năm tiếp theo.

Đặc biệt, việc xác định ngoại ngữ nào được đưa vào giảng dạy, giảng dạy theo phương thức bắt buộc hay tự chọn và giảng dạy bắt đầu từ lớp mấy và thực hiện với quy mô, địa phương, cơ sở nào phải căn cứ trên nhu cầu thực tiễn cũng như khả năng đáp ứng về tài chính.

Chính vì vậy, việc mở rộng số lượng ngoại ngữ đưa vào trường phổ thông, số lượng ngoại ngữ bắt buộc cần được cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở nhu cầu thực tiễn của từng địa phương cũng như sự chuẩn bị các điều kiện bảo đảm chất lượng, đặc biệt là về đội ngũ giáo viên, báo cáo khẳng định.

Việc nâng chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cũng là yếu tố rất quan trọng. Bởi hiện nay, chất lượng đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ ở phổ thông còn rất nhiều hạn chế, chưa bảo đảm cả về số lượng và năng lực để có thể đảm đương tốt nhiệm vụ được giao.

‘Nếu không cải thiện được tình trạng này thì khó có thể thực hiện thành công đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân’, báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình ký viết.

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi các đại biểu Quốc hội về đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020. Trong đó, các cử tri và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến việc có triển khai hay không việc dạy và học tiếng Nga, tiếng Trung  là ngoại ngữ thứ nhất như đã từng đưa ra (hệ 10 năm)./.

T.Nam

NỔI BẬT TRANG CHỦ