• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mở rộng vòng tay tới nạn nhân mua bán người để không ai bị bỏ lại phía sau

Văn hoá 29/07/2023 07:41

(Tổ Quốc) - Ngày 28/7/2023, tại Quảng Ninh, Bộ Công an phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ phát động chung tay phòng, chống mua bán người, hưởng ứng "Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người" và "Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7" với chủ đề "Mở rộng vòng tay tới nạn nhân mua bán người để không ai bị bỏ lại phía sau".

Tội phạm mua bán người có xu hướng gia tăng

Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, mua bán người là vấn nạn mang tính toàn cầu. Tội phạm mua bán người ở Việt Nam còn thông qua mạng xã hội, các tài khoản ảo, qua sim điện thoại không chính chủ để kết bạn, làm quen... sau đó dụ dỗ đưa nạn nhân qua biên giới, thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bắt lao động cưỡng bức và lạm dụng tình dục, cưỡng ép hoạt động mại dâm, làm vợ bất hợp pháp...

Chủ đề của "Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người" và "Ngày Toàn dân phòng, chống MBN 30/7" năm nay là "Mở rộng vòng tay tới nạn nhân mua bán người" để không ai bị bỏ lại phía sau" có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối giữa các đơn vị, các cơ quan chức năng làm công tác phòng, chống mua bán người và là điểm tựa giúp cho những nạn nhân bị mua bán trở về có thể tìm kiếm cơ hội xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn...

Mở rộng vòng tay tới nạn nhân mua bán người để không ai bị bỏ lại phía sau - Ảnh 1.

Sinh viên trường Cao đẳng Du lịch Huế tuyên truyền phòng, chống mua bán người và di cư trái phép (ảnh minh họa)

Theo thống kê của Bộ Công an, tại Việt Nam, từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình tội phạm mua bán người có xu hướng gia tăng, trong đó, tình trạng mua bán người trong nội địa và nạn nhân của tội phạm mua bán người là nam giới có xu hướng tăng mạnh. 

Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, cơ quan chức năng đã phát hiện, khởi tố và tiếp tục điều tra 88 vụ/229 đối tượng phạm tội mua bán người; đưa ra xét xử 43 vụ/107 bị cáo… Các cơ quan chức năng đã tổ chức tiếp nhận, xác minh 114 người; xác định 82 người là nạn nhân bị mua bán, hỗ trợ cho 65 nạn nhân…

Ông Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP nêu rõ, thời gian qua, Ban Chỉ đạo 138/CP, Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai quyết liệt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; ban hành và tổ chức triển khai hiệu quả nhiều văn bản chỉ đạo về phòng, chống mua bán người, với mục tiêu cao nhất là bảo vệ "quyền con người", bảo vệ "an ninh con người" và đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho Nhân dân.

Thời gian qua, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác bình đẳng giới nói chung và phòng, chống mua bán người nói riêng còn gặp nhiều thách thức. Giai đoạn 2018-2022, cả nước đã phát hiện 440 vụ mua bán người với 876 đối tượng và 1.240 nạn nhân. Ở Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2023, Công an TP đã khởi tố 3 vụ, 6 bị can về hành vi mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi.

Công tác phòng ngừa nghiệp vụ, tấn công trấn áp tội phạm mua bán người, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người được triển khai một cách chủ động, quyết liệt. Trong đó, Ban Chỉ đạo 138/CP đã ban hành Kế hoạch công tác phòng, chống mua bán người năm 2022 và 2023; Kế hoạch chỉ đạo điểm thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người tại 14 địa phương… Công tác phòng ngừa xã hội, nhất là công tác tuyên truyền, truyền thông về phòng, chống mua bán người được triển khai tích cực với hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, hướng về cơ sở và các đối tượng có nguy cơ cao là nạn nhân bị mua bán.

Một số giải pháp về phòng, chống tội phạm mua bán người

Để nâng cao hiệu quả các mặt công tác phòng, chống mua bán người, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho rằng cần tiếp tục bám sát các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tội phạm mua bán người nói riêng đã được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ đề ra. Đồng thời, chủ đề của "Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người" năm 2023 để tiếp tục hành động, quyết tâm triển khai thực hiện. Trong đó, cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng cần tiếp tục xác định công tác phòng, chống mua bán người  là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên và lâu dài, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hoá thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị, địa phương.

Cùng với đó là tập trung làm tốt công tác phòng ngừa xã hội; lồng ghép nội dung phòng ngừa tội phạm mua bán người vào trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giải quyết vấn đề lao động, việc làm, giúp người dân cải thiện cuộc sống, hạn chế di cư. Chú trọng đổi mới nội dung, đa đạng hình thức giáo dục pháp luật và tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, bảo đảm phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, phong tục, tập quán và hướng đến đối tượng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân bị mua bán. Tăng cường công tác quản lý nhà nước và tổ chức thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực dễ phát sinh tội phạm mua bán người. Tiếp tục triển khai hiệu quả cao điểm tuyên truyền, truyền thông và cao điểm tấn công trấn áp tội phạm MBN trên phạm vi toàn quốc (từ ngày 01/7 - 30/9/2023).

Tiếp đến là, triển khai hiệu quả công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, theo nguyên tắc "lấy nạn nhân làm trung tâm" và "không để ai bị bỏ lại phía sau"; thực hiện các biện pháp hỗ trợ thiết yếu ban đầu cho nạn nhân, bảo vệ bí mật thông tin, an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm mua bán người...

Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cũng cho rằng bảo vệ quyền cho nạn nhân là một trong những trọng tâm trong công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm mua bán người  với sự chung tay góp sức của hệ thống chính trị, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và toàn xã hội. 

Hà Anh


* Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện


NỔI BẬT TRANG CHỦ