• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mộ và nhà thờ 3 tiến sĩ họ Trần được xếp hạng di tích quốc gia

Văn hoá 29/07/2020 12:27

(Tổ Quốc) - Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đền Mẫu; Mộ và nhà thờ 3 tiến sĩ họ Trần được xếp hạng di tích quốc gia; Phòng chống bạo lực gia đình xóa bỏ các thủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân là những thông tin văn hóa và gia đình nổi bật tại các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình.

Mộ và nhà thờ 3 tiến sĩ họ Trần được xếp hạng di tích quốc gia - Ảnh 1.

Lễ đón bằng công nhận mộ và nhà thờ 3 vị tiến sĩ họ Trần. Ảnh: Báo Hải Dương

Hải Dương: Sáng 28/7, Liên đoàn Lao động các huyện Bình Giang, Gia Lộc tổ chức liên hoan văn nghệ công nhân, viên chức, lao động.

Liên hoan văn nghệ công nhân, viên chức, lao động huyện Bình Giang có 15 đội thi, đại diện cho 50 công đoàn cơ sở (CĐCS). 17 đội thi tham gia liên hoan của huyện Gia Lộc, đại diện cho 64 CĐCS.

Các tiết mục trình diễn tại liên hoan có chủ đề ca ngợi quê hương, đất nước, Đảng, Bác Hồ, tổ chức công đoàn, nét đẹp của người lao động...

Kết quả, 2 tiết mục của CĐCS khối Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và cụm CĐCS xã Hồng Khê giành giải A tại liên hoan văn nghệ công nhân, viên chức, lao động huyện Bình Giang. 2 tiết mục của cụm CĐCS xã Phạm Trấn và cụm CĐCS thị trấn Gia Lộc đoạt giải A liên hoan huyện Gia Lộc.

Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2020).

Cũng tại Hải Dương: UBND xã Quốc Tuấn (Nam Sách) vừa tổ chức lễ đón bằng công nhận mộ và nhà thờ 3 vị tiến sĩ: Trần Thọ, Trần Cảnh và Trần Tiến (họ Trần Điền Trì) là di tích lịch sử quốc gia.

Theo thần phả và tư liệu còn lưu giữ được, họ Trần Điền Trì có nguồn gốc hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, là dòng dõi Chiêu Minh Vương – Thượng tướng, Thái sư Trần Quang Khải. Họ Trần Điền Trì đến lập nghiệp tại Ma Lộng Trang, nay là thôn Trực Trì, xã Quốc Tuấn từ khoảng thế kỷ 13 và trở thành dòng họ lớn, có truyền thống khoa bảng, có nhiều đóng góp cho dân tộc. Thời hậu Lê, họ Trần Điền Trì có 3 đời liên tiếp gồm cha, con và cháu thi đỗ tiến sĩ là: Trần Thọ, đỗ năm Canh Tuấn 1670; Trần Cảnh, đỗ năm Mậu Tuất 1718 và Trần Tiến, đỗ năm Mậu Thìn 1748. Tiến sĩ Trần Cảnh làm quan đến chức tể tướng.

Nhà thờ họ Trần Điền Trì được làm bằng gỗ, kẻ truyền con chồng, kiểu chữ nhị, 3 gian hậu cung, 5 gian tiền tế. Trong nhà thờ hiện còn lưu giữ nhiều cổ vật, hoành phi, câu đối, 12 bia đá, 33 đạo sắc phong thời Lê cùng nhiều đồ vật có giá trị khác.

Năm 2005, nhà thờ họ Trần Điền Trì đã được UBND tỉnh Hải Dương công nhận xếp hạng di tích cấp tỉnh. Ngày 7/1/2020, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định xếp hạng mộ và nhà thờ 3 vị tiến sĩ họ Trần Điền Trì là di tích lịch sử quốc gia.

Thái Bình: Sáng 28/7, phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình đã tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đền Mẫu.

Đền Mẫu được xây dựng kiên cố vào năm Bảo Đại thứ 5, năm 1926 trên phố Đệ Nhị, nay là phố Trần Hưng Đạo, thuộc phường Lê Hồng Phong. Đền thờ Liễu Hạnh công chúa tôn thần - Quỳnh cung Duy Tiên phu nhân tôn thần - Quảng cung Quế Anh phu nhân tôn thần. Qua thời gian do ảnh hưởng của thiên nhiên và trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đền Mẫu bị tàn phá nặng nề do nằm trong khu vực trọng điểm đánh phá ác liệt. Năm 1977, đền Mẫu được hạ giải, toàn bộ tượng pháp, đồ thờ được rước về thờ tại chùa Bồ Xuyên. Tất cả các công trình cổ kính xưa kia chỉ còn giữ lại được bức tắc môn hoành mã là cổng đi vào phía bên tả của ngôi đền. Năm 2018, nhân dân, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương quan tâm đầu tư, tu bổ, phục dựng lại đền Mẫu với quy mô bề thế trên chính nền sân đền Mẫu cũ.

Với những giá trị về lịch sử và văn hóa, ngày 09/6/2020, UBND tỉnh Thái Bình đã ký Quyết định số 1642, xếp hạng đền Mẫu là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.

Ninh Bình: Để phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được trong công tác phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), thời gian tới, tỉnh Ninh Bình xác định tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp.

Nhiều năm qua, tỉnh Ninh Bình đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, ban hành các văn bản, xây dựng các chương trình, kế hoạch để giải quyết những thách thức, khó khăn trong công tác gia đình; PCBLGĐ xóa bỏ các thủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; phòng chống tệ nạn xã hội;… góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Để phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được trong công tác PCBLGĐ, thời gian tới, tỉnh Ninh Bình xác định tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, nâng cao chất lượng hoạt động Ban chỉ đạo công tác gia đình các cấp. Tiếp tục tổ chức triển khai các văn bản của Đảng, Nhà nước, UBND tỉnh về công tác gia đình, PCBLGĐ. Đầu tư cơ sở vật chất và bổ sung ngân sách thực hiện nhiệm vụ công tác gia đình và PCBLGĐ.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân về PCBLGĐ. Thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, các cấp trong hoạt động PCBLGĐ. Phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi bạo lực, hỗ trợ nạn nhân, hòa giải mâu thuẫn trong gia đình. Thường xuyên tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực PCBLGĐ.

Ngoài ra, tập trung tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp; củng cố đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên. Làm tốt công tác thu đua khen thưởng. Kịp thời biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân, hộ gia đình có hoạt động tích cực, sáng tạo ở mỗi cấp, ngành và khu dân cư.

Lan Phạm (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ