(Tổ Quốc) - Thường xuyên sử dụng chất gây nghiện là yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch và đột quỵ.
- 29.08.2023 Cách đơn giản giúp tăng cường sức khỏe tim mạch mà chúng ta vẫn làm hàng ngày
- 29.08.2023 Bỗng dưng thấy miệng có "vị" này, bác sĩ cảnh báo nên đi kiểm tra đường huyết ngay lập tức
- 28.08.2023 2 loại củ chỉ vài nghìn đồng bán đầy ở chợ Việt là “bài thuốc” chống say xe hiệu quả: Vừa tốt sức khỏe lại ngừa ung thư
Theo Tổ chức Liên Hợp Quốc: Ma túy (chất gây nghiện) là các chất có nguồn gốc tự nhiên hay tổng hợp , khi xâm nhập vào cơ thể sẽ làm thay đổi trạng thái tâm sinh lý người sử dụng.
Dựa trên nguồn gốc, tác dụng trên hệ thần kinh, mức độ gây nghiện…để đưa ra một số phân loại ma túy. Tuy nhiên, cách phân loại dựa trên nguồn gốc là phổ biến nhất, bao gồm:
- Ma túy có nguồn gốc tự nhiên: là các chất ma túy có sẵn trong tự nhiên, là các alcaloid của một số thực vật như cây thuốc phiện( anh túc), cây cần sa, cây cocain..
- Ma túy có nguồn gốc bán tổng hợp: được tổng hợp một phần từ một số loại ma túy có sẵn trong tự nhiên, tác dụng mạnh hơn ma túy ban đầu như Morphin, heroin…
- Ma túy có nguồn gốc tổng hợp: không có sẵn trong tự nhiên và được tổng hợp từ hóa chất như Methadone, ma túy tổng hợp( Methamphetamin), thuốc lắc( Ecstasy)…
Hoặc phân loại theo pháp luật:
- Ma túy hợp pháp: rượu, cà phê, thuốc lá và một số dược phẩm được sử dụng để chữa trị bệnh như Morphin, benzodiazepine, amphetamin…
- Ma túy bất hợp pháp: là những chất bị pháp luật quy định và bị liệt vào danh sách cấm sử dụng như thuốc phiện, heroin, ma túy đá, thuốc lắc…
Theo số liệu báo cáo tại quốc hội ngày 08/11/2022 về công tác phòng chống tội phạm, số người sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó độ tuổi dưới 30 tuổi chiếm 39,4% có xu hướng ngày càng trẻ hóa, ngày càng tăng người sử dụng ma túy tổng hợp( methamphetamin). Hình thức sử dụng đa dạng, phong phú từ hút hít sang tiêm chích, ngậm, uống… một số loại ma túy núp bóng khác như nước biển, nước nho, nước ngọt…chứa cần sa, tinh dầu thuốc lá điện tử hoặc ma túy núp bóng thảo mộc dạng cỏ Mỹ.
Trong các loại ma túy này thì ma túy đá (metamphetamin) luôn là một cụm từ gây ám ảnh và nỗi kinh hoàng cho nhiều người. Ma túy đá là ma túy tổng hợp được phát hiện vào năm 1983 tại Nhật Bản, chứa thành phần Metamphetamin, có tác dụng kích thích não do giải phóng nhiều dopamin, khiến cho người dùng có cảm giác "phê" hay "ngáo đá" biểu hiện sung sướng, phấn khích, vô cùng sảng khoái hoặc ảo giác rùng rợn, mất kiểm soát hành vi như tưởng tượng mình là chim bay lượn, cho rằng người khác hãm hại mình… Khi hết thuốc, người dùng nhanh chóng rơi vào trạng thái trầm cảm, ảo giác, suy kiệt và lên cơn thèm thuốc.
Ma túy đá ngoài gây tàn phá về sức khỏe tâm thần thì nó còn gây hậu quả nặng nề với các bệnh lý về tim mạch và thần kinh như đột quỵ não. Xuất huyết não hay tình trạng vỡ mạch máu não, là một dạng của đột quỵ não, bao gồm cả xuất huyết trong nhu mô não và xuất huyết dưới nhện, thường gây tàn phế nặng nề, khả năng hồi phục kém, nhiều trường hợp nặng có thể gây hôn mê và tử vong.
Nhiều trường hợp xuất huyết não ở những người sử dụng Methamphetamin đã được ghi nhận trong y văn thế giới. Một phân tích hồi cứu của Đại Học California Davis công bố trên trang Viện Y Tế Quốc gia Hoa Kỳ năm 2019, với 250 người bệnh , thu thập trong vòng 3 năm( từ năm 2013 đến 2016), để so sánh đặc điểm lâm sàng và kết quả ở những người bị xuất huyết não có sử dụng Methamphetamin và không sử dụng. Kết quả cho thấy: những người có sử dụng chất gây nghiện này có độ tuổi trẻ hơn, vị trí phân bố xuất huyết não khác nhau, phải cần nhiều biện pháp để kiểm soát huyết áp( sử dụng thuốc hạ huyết áp truyền tĩnh mạch…), thời gian nằm viện lâu hơn và khả năng hồi phục sau khi bị xuất huyết não giảm mạnh so với nhóm không dùng chất gây nghiện.
Hay một ca báo cáo lâm sàng đặc biệt vào năm 2018 tại Thổ Nhĩ Kỳ của Ibrahim Yagci về trường hợp một thanh niên 24 tuổi, có sử dụng Methamphetamin, được phát hiện trong tình trạng mất ý thúc. Anh ta được làm các xét nghiệm và xác định bị xuất huyết nhiều vị trí như trong nhu mô não, xuất huyết não thất hai bên kèm theo phù não. Sau khi được phẫu thuật, đến ngày thứ hai, bệnh nhân đột ngột ngừng tim và tử vong nghi ngờ do bệnh lý tim mạch (đột tử).
Từ những báo cáo trên, methamphetamin không chỉ là một chất kích thích tâm thần mạnh, nó còn thúc đẩy giải phòng và ngăn chặn tái hấp thu Dopamin, Catecholamine và tác động lên thụ cảm thể, dẫn đến tăng nhịp tim, tăng huyết áp, tăng thân nhiệt. Cơ chế gây xuất huyết não có thể liên quan đến việc Huyết áp tăng cao đột ngột gây vỡ mạch máu não. Ngoài ra, một số báo cáo đề xuất tình trạng viêm mạch máu, hình thành cách phình mạch máu…
Ở những người thường xuyên sử dụng chất gây nghiện còn có thể đi kèm hút thuốc lá, sử dụng rượu, rối loạn mỡ máu… đều là những yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch và đột quỵ. Ngoài ma túy đá thì các chất gây nghiện khác như heroin, cocain… đều làm tăng nguy cơ đột quỵ não. Hiện nay, những trường hợp trẻ tuổi bị đột quỵ não khi vào viện đều sẽ được làm các xét nghiệm sàng lọc chất gây nghiện trong máu và nước tiểu.
Do những hậu quả nặng nề về sức khỏe tâm thần và thể chất mà ma túy gây ra thì việc giáo dục, nâng cao hiểu biết và ngăn chặn sử dụng ma túy đặc biệt ở những người trẻ, thanh thiếu niên là cần thiết và cấp bách.