• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mọi người dân cần kiểm chứng cơ sở nguồn tin, thông tin không rõ ràng cần cảnh giác

Pháp luật 13/12/2020 11:58

(Tổ Quốc) - Trong xã hội hiện đại, việc thường xuyên tiếp cận thông tin trên mạng Internet trở thành nhu cầu hàng ngày của các công dân. Tuy vậy có một thực trạng là chưa nhiều người thực sự phân biệt hay ý thức được tác hại của các thông tin không lành mạnh, thông tin xấu độc trên mạng.

Thời điểm này chưa có con số thống kê chính thức nhưng các vụ vi phạm pháp luật sử dụng công nghệ cao trên Internet và tung tin giả, tin thất thiệt… vẫn chưa dừng lại. Cũng chưa có một con số thống kê chính thức nào từ những vụ tung tin đồn trên Facebook từ khi mạng xã hội này chính thức có mặt ở Việt Nam. Tuy nhiên, Facebook vẫn là mạng xã hội phổ biến nhất với hàng chục triệu tài khoản và sự gia tăng số người sử dụng mạng xã hội này tại Việt Nam…

Trong suốt quá trình xử lý các vụ việc xảy ra liên quan đến tung tin giả trên mạng xã hội, nhiều người tung tin giả, tin đồn thất thiệt trên Facebook khi bị bắt đã khai báo với cơ quan chức năng rằng, họ tung tin như vậy chỉ để "câu like", "câu view" và "ngây thơ" cho biết, càng nhiều lượt like càng chứng tỏ mình nổi tiếng, đó như một thú vui thỏa mãn tham vọng nổi tiếng cho bản thân mà không hề biết rằng, đó chỉ là một tính năng của Facebook.

Hồi đầu tháng 11/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường quản lý, phát hiện, xử lý nghiêm hành vi thông tin bão lụt sai sự thật trên mạng xã hội.

Cụ thể, theo thông tin báo chí phản ánh ngày 23/10/2020, giữa lúc cả nước khắc phục hậu quả mưa lũ ở miền Trung, nhiều người lợi dụng sự lo lắng của cộng đồng để thông tin giả, tin thất thiệt, câu like, câu view trên mạng xã hội; giả mạo tài khoản của những người nổi tiếng kêu gọi cứu trợ nhằm trục lợi, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Như thông tin siêu bão cấp 17 sẽ đổ bộ vào miền Trung, khiến người dân rất hoang mang.

Không chỉ báo chí trong nước mà cùng ngày 23/10, một hãng truyền thông quốc tế phản ánh sai: Theo thỏa thuận với Ủy hội sông Mê Kông, Trung Quốc sẽ chia sẻ dữ liệu tại hai trạm thủy văn ở Vân Nam 2 lần/ngày, thông tin khẩn cấp về sự tăng giảm mực nước bất thường và xả lũ, những yếu tố có thể gây lũ bất ngờ cho vùng hạ du.

Trước những thông tin này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý.

Như vậy, những thông tin sai lệch, tin giả đã không chỉ ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự trong nước mà nguy hiểm hơn, nó còn gây ảnh hưởng tới hình ảnh quốc gia, khiến cho người dân hoang mang, lo lắng…

Mọi người dân cần kiểm chứng cơ sở nguồn tin, thông tin không rõ ràng cần cảnh giác - Ảnh 1.

Nghị định số 15/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi thành từ ngày 15/4/2020, tăng mức xử phạt đối với các hành vi lợi dụng mạng xã hội đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật (ảnh minh họa)

Không chỉ tung tin giả, thông tin sai sự thật lên mạng xã hội trong suốt những năm qua mà gần đây, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19, các đối tượng xấu càng lợi dụng Facebook để phát tán nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương trong nỗ lực phòng, chống dịch bệnh.

Trước thực tế này, Bộ Công an cũng đưa ra các khuyến cáo người dân khi tiếp cận thông tin trên không gian mạng. Cụ thể, theo Bộ Công an, người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo sàng lọc thông tin, tự trang bị kiến thức về pháp luật, xã hội và nhận diện rõ các thông tin xuyên tạc, giả mạo.

Mọi người dân cần kiểm chứng cơ sở nguồn tin, xem thông tin đó đến từ nguồn nào, nếu đến từ một người lạ, thông tin không rõ ràng cần cảnh giác, có thể xem mục giới thiệu để kiểm tra.

Người dân cần kiểm tra tên miền của trang mạng đăng tải thông tin, thường nguồn phát của thông tin xuyên tạc, giả mạo thường là những trang mạng có tên miền nước ngoài (.com, .org), không có đuôi tên miền Việt Nam ".vn". Các trang mạng chính thống của cơ quan tổ chức Nhà nước có tên miền quốc gia ".vn" và có địa chỉ, thông tin đăng ký cụ thể rõ ràng trên trang. Đối với các trang mạng xã hội của các cơ quan, tổ chức chính thống, thường đã được đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ và được cung cấp dấu bản quyền (dấu tích xanh). Người dân nên quan sát và phân biệt rõ các trang mạng xã hội chính thống và các trang giả mạo.

Cùng đó, kiểm tra tác giả, đọc kỹ nội dung để suy ngẫm xác định thông tin thật hay giả; tin tức giả hay bị lỗi chính tả hoặc có bố cục lộn xộn, các hình ảnh, video trong tin giả thường bị chỉnh sửa, cắt ghép, thay đổi nội dung, ngày tháng của sự kiện thường bị thay đổi. Tìm các tin, bài viết trên các trang chính thống, uy tín có nội dung tương tự để đối chiếu hoặc xin sự tham vấn của các chuyên gia trên từng lĩnh vực.

Đồng thời, Bộ cũng lưu ý người dân lựa chọn thông tin đăng tải, chia sẻ từ những trang mạng xã hội, nên tiếp cận các luồng thông tin chính thống; không tham gia đăng tải, chia sẻ, bình luận thông tin sai sự thật, hình ảnh phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục và văn hóa của dân tộc hoặc bôi nhọ, xúc phạm danh dự của tổ chức và cá nhân; thông tin trái với quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hoạt động vi phạm pháp luật hoặc thông tin mà chưa rõ nguồn gốc, chưa xác định được tính chính xác của thông tin.

Trường hợp phát hiện các hoạt động nghi có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý. Đẩy mạnh thông tin tích cực, có ý nghĩa trong cuộc sống, đấu tranh, phê phán lên án hành vi sai trái vi phạm trên mạng xã hội.

Phương Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ