(Tổ Quốc) - Đi lễ, đi hội đầu năm là nhu cầu tín ngưỡng chính đáng trường tồn từ xa xưa đến ngày nay. Tiếc rằng gần đây, những hình ảnh phản cảm, xấu xí mà mùa lễ hội nào chúng ta cũng thấy, cũng gặp đã làm cho những giá trị tinh thần vốn tốt đẹp bị tổn thương...
Nước ta có khoảng 8.000 lễ hội lớn nhỏ, rải rác trong cả năm nhưng phần lớn tập trung vào dịp tiết xuân. Đây là lúc người người đến đền, đến chùa; nơi nơi tổ chức lễ hội. Đi lễ, đi hội đầu năm là nhu cầu tín ngưỡng chính đáng trường tồn từ xa xưa đến ngày nay. Tiếc rằng gần đây, những hình ảnh phản cảm, xấu xí mà mùa lễ hội nào chúng ta cũng thấy, cũng gặp đã làm cho những giá trị tinh thần vốn tốt đẹp bị tổn thương.
Phóng viên Báo CAND có cuộc trao đổi với PGS.TS Đỗ Lan Hiền, Viện trưởng Viện Tôn giáo, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh xung quanh cách thức thực hành tín ngưỡng thông qua việc đi lễ, đi hội với mong muốn để những giá trị tốt đẹp vốn có của lễ hội được gìn giữ và phát huy.
Phóng viên (PV): Thưa bà, không phải vô cớ mà một đất nước gắn với nền nông nghiệp trồng lúa nước như chúng ta lại có rất nhiều lễ hội lớn, nhỏ và ở khắp các vùng miền? Và đi lễ, đi hội còn là một tập tục lâu bền của người dân Việt Nam?
PGS.TS Đỗ Lan Hiền: Tín ngưỡng là nhu cầu của mọi người, không kể giàu nghèo, sang, hèn từ xưa đến nay. Cách biểu đạt tín ngưỡng cũng được thể hiện thông qua việc người dân đi lễ, đi hội.
Lễ hội là nét đẹp văn hóa, vẻ đẹp tâm linh của người Việt từ truyền thống đến hiện đại. Vào tiết xuân, khi cây cối đâm chồi nảy lộc, lòng người đang khấp khởi những dự định khởi đầu cho một năm thì việc tế lễ trời đất, thánh thần để cầu cho mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an, mọi sự hanh thông là việc rất tốt đẹp. Mùa xuân là mùa của khởi đầu, nên người ta lễ tạ trời đất, tổ tiên (tảo mộ) để tri ân, để cầu thuận lợi trong một năm mới lâu nay là tập tục đã ăn sâu, bén rễ trong quan niệm và cả hành động của người Việt.
Sinh hoạt lễ hội diễn ra tại các đình, chùa, miếu, phủ… là cơ hội giao lưu, giới thiệu văn hóa vùng miền; là dịp để những sản vật địa phương được nhiều người tiếp cận, thưởng thức… Đây chính là dịp để quảng bá văn hóa, tôn giáo. Nếu nhìn ở góc độ vật chất, thì đây còn là điều kiện để phát triển kinh tế cho địa phương, thúc đẩy ngành công nghiệp không khói.
PGS.TS Đỗ Lan Hiền.
PV: Nói như vậy thì lễ hội không chỉ mang đến những giá trị tốt đẹp về văn hóa, về tâm linh mà còn góp phần phát triển kinh tế mà xu thế hiện nay nhiều nơi đang hướng tới phát triển ngành du lịch tâm linh. Thế nhưng, gần đây, truyền thông liên tục phản ánh mặt trái của lễ hội, khiến nhiều người cảm thấy nuối tiếc và nhức buốt trong lòng, ý kiến của bà thế nào về việc này?
PGS.TS Đỗ Lan Hiền: Đúng là mấy ngày gần đây, báo chí và mạng xã hội… liên tục có những phản ánh về những méo mó trong lễ hội. Người ta chen lấn, xô đẩy và thậm chí giẫm đạp lên nhau để đến thật gần thánh thần ("gần" ở đây là tôi nói theo nghĩa đen). Người ta nhét tiền lên tay tượng, quẹt tiền lên thân tượng, lên chùa…
Mà bằng chứng sinh động nhất mà tôi có thể dẫn ra đây là hai bên chùa đồng ở Yên Tử nhẵn bóng vì hàng triệu triệu lượt đồng tiền được người ta cố để quẹt vào. Những hình ảnh này quá xấu xí, làm nhem nhuốc nơi tôn nghiêm. Như tôi đã nói ở trên, đi lễ, đi hội có những nét đẹp không thể phủ nhận nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn rõ rằng, nếu không khai thác đúng, không biểu đạt đúng thì nhu cầu tín ngưỡng thông qua hoạt động này trở nên méo mó, lệch lạc.
PV: Quan sát từ thực tế, bà còn thấy những biểu hiện làm méo mó vẻ đẹp trong hoạt động lễ hội vốn mang giá trị tinh thần như thế nào nữa?
PGS.TS Đỗ Lan Hiền: Khi đến các cơ sở thờ tự, mà cụ thể là ở đền, ở chùa đáng lẽ nên tạ trời đất, phật, thánh cầu quốc thái, dân an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, sức khỏe, bình an thì người ta lại cầu lộc, cầu tài, cầu tước vị, tiền bạc mà không căn cứ vào thực lực.
Ví dụ, người ta đi lễ Bà Chúa Kho để vay thật nhiều tiền, để mua một bán mười, để một vốn bốn lời… thay vì đến đây để tưởng nhớ công ơn của bà chúa khi xưa đã phụng sự đức vua như điển tích về Bà Chúa Kho hay mong được tâm an thì người ta lại bộc lộ lòng tham không đáy và đổ hết cho thánh thần. Đây là biểu hiện lệch chuẩn. Đi lễ, đi hội vì vậy mà trở nên phản nhân văn, phản văn hóa.
PV: Thưa bà, ngay tại Hà Nội, cứ mỗi dịp ra Giêng là hàng nghìn người bất chấp nguy hiểm khi ngồi tràn cả xuống lòng đường để dự lễ cúng sao giải hạn với mong muốn thoát nạn sao xấu có phải là cách để "an" trong lòng không?
PGS.TS Đỗ Lan Hiền: Cúng sao giải hạn để được tâm an chứ Phật không giải được sao xấu, sao đẹp. Để được an mà phải chen chúc nhau, phải chấp nhận ngồi ngay cạnh dòng phương tiện đang lưu thông, phải vạ vật nơi đầu đường thì… bất an nhiều hơn. Là một trí thức, đầu xuân năm mới, tôi cũng đi dâng sao giải hạn, nhưng tôi chọn một ngôi chùa làng.
Tôi đến đây để được thắp nén nhang cúng phật, để có điểm tựa an định về tinh thần, để được tuỳ tâm cúng dường tam bảo chứ không phải vì sao xấu, sao đẹp. Tôi không chọn những nơi tụ tập đông người, nơi tổ chức dâng sao giải hạn như một dịch vụ, trong đó có cả những nơi mà mới đây báo chí phản ánh là thiếu 50.000 đồng cũng phải tìm mọi cách nộp cho đủ, nếu không nhà chùa không nhận.
PV: Nhìn vào đám đông ồ ạt kéo nhau đến các lễ hội, ít thấy ở họ sự thư thái mà ngược lại là sự hối hả, xô bồ, bà đánh giá như thế nào về việc này?
PGS.TS Đỗ Lan Hiền: Nhìn vào hành vi biểu đạt tín ngưỡng của người dân để biết văn minh, văn hóa của quốc gia đó. Người Nhật, người Hàn Quốc hay người châu Âu họ cũng có tín ngưỡng nhưng cách thể hiện của họ khác.
PV: Vậy làm thế nào để tất cả chúng ta có văn hóa khi đi lễ, đi hội?
PGS.TS Đỗ Lan Hiền: Bản thân mỗi người dân, cán bộ quản lý địa phương phải nhìn nhận ra để điều chỉnh. Bởi, nếu không thay đổi hành vi người dân tham gia lễ hội sẽ tự làm xấu hình ảnh của chính mình. Còn cơ quan quản lý địa phương nếu không thay đổi sẽ vất vả hơn trong tổ chức lễ hội.
Tôi xin lấy ví dụ đền Trần. Mỗi năm, có hàng nghìn người phải tham gia tổ chức, bảo vệ lễ hội. Việc này quá vất vả và tốn kém, còn người đi hội thì… tả tơi. Nếu như không phát ấn, nếu như không "bán" ấn và nếu như đừng để mọi người cùng đổ xô đến đền Trần thì tình hình đã khác. Đức thánh Trần được thờ ở rất nhiều nơi, chứ đâu có một điểm duy nhất?
Để mọi người dân thực hành tín ngưỡng của mình một cách văn minh, để mỗi mùa lễ hội là dịp để muôn người được thanh tẩy tâm hồn và có thêm nguồn năng lượng sống đẹp, giải pháp căn cơ vẫn là môi trường sống an lành.
Mỗi chúng ta không phải bất ổn khi tham gia giao thông, không lo sợ đồ ăn, thức uống thiếu an toàn, được chăm sóc y tế, được học tập ở nền giáo dục không chạy theo thành tích, được cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất kinh doanh, được công bằng trước pháp luật…
Để được như vậy, Nhà nước phải giải quyết những vấn đề vĩ mô về cơ chế, chính sách và dân trí phải được nâng cao. Làm được những việc này, phải có quá trình. Khi đã có sự đồng bộ đời sống vật chất, đời sống văn hóa… thì chắc chắn, cách thực hiểu đạt tín ngưỡng sẽ thay đổi.
PV: Và hiện nay, chúng ta đang ở giai đoạn có sự chuyển động để thay đổi phải không thưa bà?
PGS.TS Đỗ Lan Hiền: Đúng thế. Tôi tin rằng, trong dòng người đi trẩy hội, đi lễ chùa, không phải ai cũng "hối lộ thánh thần", cầu danh lợi. Trong đám đông, sẽ có nhiều người dần tìm ra cách biểu thị tín ngưỡng của riêng mình, phù hợp với mình và cả trách nhiệm xã hội của bản thân khi đi lễ, đi hội.
PV: Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!