(Tổ Quốc) - Phố sách là niềm mong mỏi từ lâu của độc giả nhưng hiện nay mới chỉ hai thành phố lớn có không gian riêng dành cho sách. Để thúc đẩy văn hóa đọc, việc mỗi tỉnh thành nên có một phố sách là một mong muốn đẹp.
Đối với người yêu sách trong các đô thị phát triển như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng… thì mong muốn có một Phố sách hay Đường sách là niềm mong mỏi từ rất lâu. Đã từng có độc giả thắc mắc những con phố của Hà Nội xưa kia từng chuyên buôn bán mặt hàng gì còn có tên gọi, chẳng hạn như phố chuyên buôn bán những chiếc bồ đan bằng tre là phố Hàng Bồ, phố chuyên buôn bán chĩnh là phố Hàng Chĩnh, thậm chí là đường, mắm, muối… Vậy thì chẳng có lý do gì để “sách” một thứ lưu giữ tri thức nhân loại lại không thể trở thành một con phố.
Sự nóng lòng có một phố sách của độc giả là điều dễ hiểu và dễ thấy. Ngay từ khi dự án được phê duyệt niềm hân hoan của độc giả đã được thể hiện. Rồi từng bước chuẩn bị cho đến khi khai trương và đi vào hoạt động, những độc giả yêu sách vẫn không ngừng quan tâm theo dõi Phố sách. Đây là những tín hiệu rất đáng mừng, hứa hẹn những khởi sắc và những kỳ vọng của độc giả không còn quá xa vời.
Phố sách, ngay từ cái tên khi mới đọc lên đã gợi cho người nghe một không gian có thể được “sống chậm”, có thể tách biệt với cuộc sống đầy ồn ào chóng mặt của đô thị để độc giả bước vào thế giới của sách với suy tưởng, suy ngẫm và trí tưởng tượng. Hiện nay, ngoài TP. Hồ Chí Minh là nơi có “Đường Sách”, Hà Nội có “Phố Sách”, còn lại trên các tỉnh thành phần lớn là những gian hàng sách nằm rải rác đâu đó mà chưa được quy tụ vào một nơi với tên gọi sang trọng hơn là “Đường sách” hay “Phố sách”…
Thực tế, khi Phố sách Hà Nội khai trương đi vào hoạt động, nhiều bước chân độc giả đến đây đã ngỡ ngàng vì không gian khá gần gũi, thân thiện, nhiều cây xanh… Phố không quá dài để người tò mò mỏi chân mới khám phá hết. Hơn thế, độc giả có thể dừng chân bất cứ lúc nào để ngồi đọc sách. Nếu đang đọc sách, dừng lại, rời khỏi trang sách vài giây vẫn thấy lòng đầy thư thái mà không bị những hối thúc bủa vây.
Chị Nguyễn Thu Phương (công tác tại Thư viện Quốc gia Việt Nam) là người làm trong ngành thư viện, liên quan đến sách hiện diện trong ngày khai trương Phố sách đã bày tỏ cảm nhận: Rất mừng vì Hà Nội có không gian sách cho cộng đồng, có thêm điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Và từ Phố sách này, chị mong muốn Phố sách duy trì được nhiều hoạt động để trở thành địa điểm đến quen thuộc cho độc giả trong nước và quốc tế.
Đóng góp về Phố sách tại Hà Nội, nhà văn Uông Triều - một người đam mê sách và thường xuyên tham dự trong các Hội sách mong muốn phố sách cần đa dạng thể loại sách hơn nữa. Không những thế, bên cạnh sách mới cũng nên có cả các gian hàng sách cũ. Bởi sách cũ có nhiều độc giả quan tâm và sách cũ cũng có nhiều “lợi thế” mà đôi khi sách mới không có.Một điều nữa làm cho Phố sách đa dạng theo nhà văn Uông Triều là không cần thiết phải để mỗi gian hàng sách có cùng thiết kế giống nhau. Mỗi cuốn sách đều có nội dung khác nhau, cách trình bày khác nhau nên các gian hàng sách khác nhau có thể sẽ đem đến cảm giác thú vị, muốn khám phá hơn.
Đồng quan điểm, lẽ ra các tỉnh thành lớn nên có phố sách từ lâu rồi để đáp ứng độc giả nhưng nhà văn Uông Triều cũng vui mừng đón nhận thông tin Phố sách đi vào hoạt động và hi vọng Phố sách không chỉ là nơi bán sách: “Phố sách cần có không gian chung, nhưng là không gian “mở” để giao lưu giữa tác giả với độc giả. Đơn vị tổ chức có thể chọn một vài tác giả “hot”, cuốn sách hot để “mổ xẻ”. Thậm chí không gian chung đó không cần thiết phải nghiêm ngắn với ghế ngồi, với sân khấu rất trang trọng, khán giả có thể đứng để nghe, để xem, xung quanh vẫn có người đi lại không bắt buộc… giống như sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các nghệ sĩ biểu diễn mà chúng ta đã thấy ở khu vực phố đi bộ quanh Hồ Gươm. Như thế thì người giao lưu và người tham gia thấy thoải mái, không bị áp đặt…” - nhà văn Uông Triều đặt hi vọng.
Là một người ham mê đọc sách lại có những quan sát và khảo sát từ những người mua sách, nhà văn Uông Triều tiết lộ thêm: Ở Quảng Ninh, quê hương của nhà văn, chưa có phố sách, nên nhà văn cũng rất muốn không chỉ quê hương mình một ngày nào đó có Phố sách mà mỗi tỉnh thành nên có một phố sách. Bởi có một thực tế nhà văn đã chứng kiến: Nếu không có động lực và một điểm nhấn nào đó, như Phố sách hay Hội sách người ta rất ít khi đi mua sách. Bởi “điểm nhấn” này vừa thu hút sự chú ý vừa tạo độ tin cậy sẽ hiệu quả hơn việc làm tản mạn, bột phát. Do đó, tạo được một không gian về sách là rất cần thiết và rất quan trọng, nhiều khi phố sách không nhất thiết để độc giả đến mua sách, mà tạo hứng thú cho độc giả, có thể họ chỉ cần đến chơi, đến giao lưu… nhưng rất hữu ích cho văn hóa đọc.
Ngoài TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội là hai nơi có đường, phố dành riêng cho sách thì Đà Nẵng cũng đang xây dựng một không gian riêng dành cho sách. Vì vậy việc mong muốn mỗi tỉnh thành có một phố sách hay đường sách để thúc đẩy văn hóa đọc là rất nên làm.
Hà Anh