• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỗi tỉnh/thành phố 1 năm sẽ có hơn 400 giáo viên được cử đi đào tạo nâng chuẩn trình độ

Giáo dục 11/01/2020 12:10

(Tổ Quốc) - Bộ GDĐT đang lấy ý kiến dự thảo tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Theo đó, việc ban hành nghị định nhằm triển khai thực hiện Luật Giáo dục mới, trong đó Bộ GDĐT được giao chủ trì xây dựng Nghị định quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Mục đích nâng cao chất lượng giáo viên để thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy, tạo được vị thế mới cho giáo viên, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn và yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT. Việc thực hiện này tạo ra sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, biến thách thức thành cơ hội, tạo được động lực mới để ngành Giáo dục khẳng định thêm quyết tâm chính trị trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.

Mỗi tỉnh/thành phố 01 năm có hơn 400 giáo viên được cử đi đào tạo nâng chuẩn trình độ - Ảnh 1.

257.506 giáo viên phải nâng trình độ chuẩn từ năm 2020-2030 (ảnh minh họa)

Theo Dự thảo, lộ trình nâng chuẩn trình độ được đào tạo giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm được thực hiện kể từ khi Luật Giáo dục có hiệu lực thi hành (01/7/2020) đến hết năm 2030. Với lộ trình nâng chuẩn và hình thức, thời gian đào tạo linh hoạt (chủ yếu học trong hè và các ngày nghỉ, học trực tuyến, học trực tuyến kết hợp với tập trung, học tích lũy tín chỉ…), các cơ sở giáo dục và các địa phương chủ động được việc bố trí giáo viên để bảo đảm không xảy ra tình trạng thiếu giáo viên giảng dạy.

Theo cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục, tính đến tháng 12/2019, toàn quốc có 1.021.847 giáo viên mầm non, phổ thông (công lập 912.996, ngoài công lập 108.851). Trong đó, mầm non: 354.955 (công lập 256.543, ngoài công lập 85.403); tiểu học: 380.987(công lập 374.289, ngoài công lập 6698); trung học cơ sở: 285.905 (công lập 282.164, ngoài công lập 3741).

Đối với các cơ sở giáo dục công lập, tỷ lệ giáo viên mầm non có trình độ đào tạo từ cao đẳng sư phạm trở lên là73%, trung cấp 26,6%; giáo viên tiểu học có trình độ đào tạo từ đại học trở lên là 64,26%, cao đẳng 28,5%, trung cấp 7,24%; giáo viên trung học cơ sở có trình độ đào tạo từ đại học trở lên là 78,45%, cao đẳng 21,55%.

Theo lộ trình nâng trình độ chuẩn của giáo viên và độ tuổi giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn theo phương án đề xuất của dự thảo Nghị định thì tổng số giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn (tính đến ngày 15/12/2019) là 257.506 người, trong đó giáo viên mầm non 89.607 người (công lập 40.158 người, ngoài công lập 49.449 người), giáo viên tiểu học 116.846 người (công lập 114.972 người, ngoài công lập 1.847 người), giáo viên THCS 51.053 người (công lập 50.752 người, ngoài công lập 301 người).

Theo lộ trình, việc đào tạo bắt đầu thực hiện từ năm 2020 đến năm 2030, trung bình mỗi năm cả nước sẽ tuyển sinh để đào tạo 25.705 người (mầm non 8.960 người, tiểu học 11.684 người, THCS 5.105 người). Trung bình mỗi tỉnh/thành phố 01 năm sẽ có khoảng 408 giáo viên được cử đi đào tạo (mầm non 142 người, tiểu học 185 người, trung học cơ sở 81 người).

Hiện tại, cả nước có 15 trường Đại học sư phạm, 30 trường Cao đẳng sư phạm và 67 cơ sở Cao đẳng, Đại học có đào tạo giáo viên sẽ tham gia thực hiện đào tạo nâng trình độ chuẩn cho giáo viên. Trong đó, chủ chốt là các trường Đại học sư phạm và Cao đẳng sư phạm (Các trường Cao đẳng, Cao đẳng sư phạm chỉ đào tạo nâng chuẩn trình độ cho giáo viên mầm non).

Dự thảo đăng tải lấy ý kiến góp ý đến hết ngày 09/3/2020.

V.Khánh

NỔI BẬT TRANG CHỦ