(Tổ Quốc)- Vẽ tranh minh họa cho các tác phẩm văn học bề ngoài dường như là một công việc thầm lặng ít người biết đến. Nhưng thực sự, đối với người họa sĩ còn là cái duyên, niềm đam mê… Để hiểu hơn về công việc ít được nhắc đến nhưng lại là một phần không thể thiếu trong mỗi trang báo, tạp chí văn nghệ - vẽ tranh minh họa, báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc phỏng vấn họa sĩ Nguyễn Đăng Phú.
- Họa sĩ có thể chia sẻ cơ duyên nào đã dẫn ông đến và gắn bó với việc vẽ tranh minh họa cho tác phẩm văn nghệ?
+ Tôi bắt đầu vẽ minh họa từ năm 1974, khi còn làm ở báo Hải Phòng. Cho đến nay tôi có khoảng 3000 tranh minh họa và được đóng riêng từng năm.
Vì từng làm báo nên ít nhiều tôi có kiến thức trình bày báo. Cùng với việc có đông bạn bè đồng nghiệp trong Chi hội đồ họa (Hội Mỹ thuật Việt Nam) nên cũng tổ chức triển lãm minh họa 2 lần, từ đó nhiều người biết đến, giới thiệu, nên tôi và nhiều đồng nghiệp có thêm cơ hội vẽ tranh minh họa.
- Họa sĩ vẽ tranh minh họa cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội đến nay đã được bao nhiêu năm?
+ Tôi gắn bó với tranh minh họa cho tạp chí Văn nghệ Quân đội hơn mười năm nay rồi.
- Ngoài vẽ tranh minh họa cho Văn nghệ Quân đội, ông còn vẽ minh họa cho các báo, chí khác nữa không?
+ Tôi vẽ cho khoảng 10 báo và tạp chí, như Văn nghệ công an, Văn nghệ, Hà Nội mới cuối tuần…
- Để vẽ tranh minh họa thì họa sĩ luôn phải đọc tác phẩm, điều này có gì khác so với tranh họa sĩ sáng tác độc lập, ông có thể chia sẻ?
+ Nói chung là khác nhau nhiều, nếu tranh sáng tác thì người họa sĩ không phụ thuộc vào gì cả, hoàn toàn theo cảm xúc của riêng mình. Còn vẽ minh họa cho truyện ngắn chẳng hạn thì phải đọc truyện, phụ thuộc vào nội dung truyện. Đọc truyện xong, ngẫm và xem truyện đọng lại điều gì nhiều nhất thì biểu cảm ra, diễn đạt ra thành minh họa.
Có nhiều khi vẽ minh họa không đúng truyện thì không còn thú vị. Tất nhiên hiện nay có rất nhiều trường phái, thậm chí có thể không bám vào nội dung truyện mà chỉ trang trí cho trang báo. Nhưng phần lớn là bám vào truyện.
Minh là sáng, họa là vẽ tức là làm cho sáng cái truyện, truyện đẹp hơn nên tác giả thường rất thích tác phẩm của mình có tranh minh họa và coi họa sĩ như một độc giả đặc biệt với sự đồng cảm, nếu họa sĩ nổi tiếng, có tên tuổi thì tác giả càng thêm tự hào và thấy giá trị. Tôi còn biết có những người sưu tầm tranh minh họa, hay ra sạp báo mua báo chỉ vì có tranh minh họa đẹp. Có lần một ông bạn đến nhà tôi chơi và khoe sưu tầm được những bức tranh minh họa tôi vẽ từ rất lâu rồi mà tôi không nhớ ra, khiến rất ngạc nhiên.
- Hỏi thật họa sĩ là có khi nào ông vẽ tranh minh họa mà không hoặc chưa đọc tác phẩm không?
+ Có, có lần một tòa soạn nhờ tôi gấp gáp vẽ tranh, họ có nói qua cốt truyện và bảo tôi vẽ cho hình ảnh một cậu bé dân tộc Pa cô 12 tuổi và đàn voi rừng và tôi đã vẽ.
- Khi vẽ tranh minh họa, ông có phải vẽ nhiều lần hay nhiều bản không?
+ Cái này còn tùy thuộc vào các giai đoạn, giai đoạn đầu tôi cũng phải vẽ nhiều lần, nhiều bản, tẩy xóa nhưng bây giờ thì đã quen tay gần như chỉ cần vẽ một lần. Thứ nữa là nếu nắm được “gu” của từng tờ báo thì sẽ không phải vẽ nhiều lần. Phần lớn các họa sĩ tên tuổi, đã được khẳng định, có kinh nghiệm, tay nghề vững, đúng thời gian thì các toàn soạn khi giao cho vẽ minh họa rất tin tưởng. Có những tranh sau vẽ minh họa cho tác phẩm xong thì tác giả đến xin bản gốc về treo rất trang trọng.
- Họa sĩ có thể tiết lộ có nhiều tác giả xin tranh về nhà treo không ạ?
+ Cũng có nhiều rồi đấy, có tác giả trẻ hay các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng ở ngay Văn nghệ Quân đội cũng đến xin như Chua Lai, Ngô Vĩnh Bình, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Hữu Quý…
- Có ý kiến cho rằng, họa sĩ vẽ minh họa ít được nhớ đến, vậy một người gắn bó nhiều năm với vẽ tranh minh họa văn nghệ, ông có “buồn” không?
+ Ý kiến này là của người chưa kinh qua kinh nghiệm nên chưa chuẩn. Thời họa sĩ Bùi Xuân Phái là thời bao cấp, tranh không bán được mấy nhưng ông vẽ minh họa rất nhiều nên nhiều người biết đến ông và sau đó người ta đến mua tranh của ông. Hơn nữa, một loạt các họa sĩ khác cũng sống vì tranh minh họa, bởi cho họa sĩ một thu nhập đều đều mà công việc khá “nhẹ nhàng” chứ không phải vất vả như vẽ tranh sơn dầu hay sơn mài. Ưu điểm nữa là, nếu một họa sĩ bày triển lãm thì ngày đầu khai mạc rất đông nhưng các ngày sau thì vắng người đến xem. Thế nhưng báo chí xuất bản hàng nghìn tờ, hàng chục nghìn tờ mỗi số thì có ngần ấy người đọc và xem, chưa kể còn truyền tay nhau đọc vậy số người xem hơn rất nhiều ở một triển lãm. Nên tôi rất mê vẽ tranh minh họa.
- Họa sĩ có tác phẩm tranh minh họa nào sau khi hoàn thành lại có thể đứng riêng thành tác phẩm độc lập không?
+ Có chứ, có những bức tranh minh họa sau này được tôi chuyển thành tranh. Tất nhiên, là vẫn có sự khác nhau ở chỗ, tranh có sự cầu kỳ hơn, công phu hơn, đòi hỏi phải có bố cục khác hẳn, còn tranh minh họa đơn giản, cô đọng hơn rất nhiều, thậm chí có khi chỉ vài nét.
- Cảm ơn ông!
Họa sĩ Hoàng A Sáng: Theo tôi vẽ tranh minh họa không hề dễ và rất… khó!. Tôi là họa sĩ và từng gắn bó với báo Văn nghệ nhưng tôi không vẽ được tranh minh họa. Tôi cũng thử vẽ tranh minh họa rồi và thấy không đẹp, không thể sử dụng được. Tôi cũng biết có nhiều họa sĩ không vẽ được tranh minh họa, không ra được tranh minh họa văn nghệ, vẫn cứ chệch khỏi câu chuyện, không bắt được vào câu chữ của văn học. Vì vậy theo tôi, vẽ được tranh minh họa còn phải có duyên. |
Hiền Nguyễn (thực hiện)