• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Momo" dạy trẻ tự sát: Phụ huynh cần đối đầu để bảo vệ con mình

Giáo dục 06/03/2019 16:18

(Tổ Quốc) - Thay vì cấm đoán hoặc tức giận, phụ huynh cần đối đầu, tìm hiểu để có được cách tư vấn hợp lý cho con.

Thời gian gần đây, trên các mạng xã hội liên tiếp xuất hiện những thông tin về một trò chơi mang tên "Momo Challenge" (Thử thách Momo) trên Youtube, Facebook hay WhatApps… gây ra nhiều lo lắng với các bậc phụ huynh. "Thử thách Momo" được cho là nguy hiểm bởi video có nội dung độc hại, hướng dẫn trẻ em tự sát. Không chỉ ở Việt Nam, nhiều quốc gia đã cấm những thứ liên quan đến "Thử thách Momo".

Chia sẻ với một tâm trạng khá bức xúc, chị Kim Yến (Trương Định, Hà Nội) cho hay: "Thật không thể tin được khi việc quản lý những hình ảnh, video phản cảm dành cho trẻ em lại lỏng lẻo như vậy từ cả chủ quản lý các ứng dụng đến phụ huynh. Có thể tạo hình của nhân vật này hơi lạ lẫm, gây tò mò nhưng thực sự nó quá rùng rợn, khó có thể chấp nhận được".

Momo dạy trẻ tự sát: Phụ huynh cần đối đầu để bảo vệ con mình - Ảnh 1.

Tạo hình rùng rợn của Momo

Lý giải cho việc dù tạo hình nhân vật khá rùng rợn nhưng vẫn thu hút được sự tò mò của trẻ con, chị Yến cho rằng, có thể do nhân vật Momo trông lạ lẫm nên kích thích được sự chú ý của trẻ con. Bên cạnh đó, chế độ autoplay/suggest của Youtube và các chương trình chạy quảng cáo của Facebook cũng được cho là nguyên nhân khiến Momo có thể dễ dàng tiếp cận trẻ em.

"Chắc chắn tôi sẽ phải hạn chế hơn việc con mình tiếp cận với những video dạng như thế này thông qua các thiết bị điện tử"- chị Yến khẳng định.

Còn chị Lan Phương (Thanh Trì, Hà Nội) thì cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ em có thể tiếp cận dễ dàng với những video có nội dung xấu là do sự quản lý không sát sao của các bậc phụ huynh: "Nếu bố mẹ có những sự kiểm soát chặt chẽ hơn nội dung của các video trước khi con trẻ xem thì có thể hạn chế được những trường hợp đáng tiếc".

Đứng trên góc độ của nhà quản lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) Nguyễn Phương Linh cho rằng các bậc phụ huynh cần phải có những biện pháp để bảo vệ con mình trước những video có nội dung phản cảm như "Thử thách Momo".

"Đầu tiên, phụ huynh nên kiểm tra xem con mình có đang xem kênh Youtube nào. Có thể cho con xem những kênh đã áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát an toàn như Youtube Kids. Bên cạnh đó, phụ huynh có thể đặt một "Playlist" (Danh sách) tổng hợp các chương trình mà con thích xem. Đồng thời, để kiểm soát và biết được con cái đang xem và đã tìm kiếm gì, phụ huynh cũng cần phải bật chức năng kiểm soát trên các ứng dụng"- bà Linh chia sẻ.

Cũng theo bà Linh, đối với những trẻ nhỏ dưới 7 tuổi, các phụ huynh cần phải giám sát việc xem video của các con, chỉ cho trẻ em xem các chương trình khi có mặt mình hoặc xem những video mà mình đã xem qua trước đấy.

"Chúng ta cần phải đối mặt với "Thử thách Momo" chứ không nên tịch thu các thiết bị công nghệ hay cấm đoán trẻ sử dụng internet dù lo lắng hay tức giận. Theo tôi, phụ huynh cần tỉnh táo và tìm hiểu về "Thử thách Momo". Với những hiểu biết của mình, phụ huynh có thể cung cấp thông tin và nói chuyện với các con để hiểu được đây là một trò chơi nguy hại"- bà Linh nói.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần phải định hướng cho con trẻ biết phân biệt giữa những thử thách mang lại điều tốt đẹp, vui vẻ, mang lại những điều tích cực và những thứ mang lại nỗi buồn, sợ hãi hay thậm chí nguy hiểm đến sự an toàn của con.

Bạch Dương

NỔI BẬT TRANG CHỦ